Theo trang tin quân sự Jane's Defense Weekly, DAPA đã thông qua kế hoạch chi 750 tỷ won, tương đương 633 triệu USD để sản xuất các tổ hợp K-SAAM dành cho Hải quân Hàn Quốc. Việc thực hiện hợp đồng sẽ kéo dài tới năm 2036.

Hàn Quốc bắt đầu phát triển K-SAAM từ năm 2011. Tham gia chương trình này là công ty công nghiệp quốc phòng LIG Nex1 và Cơ quan phát triển Quốc phòng (ADD) Hàn Quốc. Các thử nghiệm đầu tiên của tổ hợp tên lửa phòng không mới được thực hiện vào năm 2013. Quá trình phát triển K-SAAM hoàn thành vào tháng 12-2018.

 
Tổ hợp K-SAAM trong các bài bắn thử nghiệm. Ảnh: DAPA.
K-SAAM sẽ đóng vài trò như lớp phòng thủ tầm ngắn trên hạm.

Căn cứ vào hình ảnh được công bố, K-SAAM sử dụng phương thức phóng thẳng đứng từ các giếng phóng kiêm khoang bảo quản. Đặc điểm kỹ-chiến thuật của K-SAAM chưa được công bố, nhưng trong các bài thử nghiệm, tổ hợp tên lửa phòng không đã khẳng định độ tin cậy trong nhiều điều kiện chiến đấu.

Theo DAPA, K-SAAM được phát triển để bảo vệ các tàu mặt nước của Hải quân Hàn Quốc trước các mối đe dọa từ trên không, bao gồm cả các dòng tên lửa diệt hạm siêu âm. Trong trường hợp cần thiết, K-SAAM cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu trên bộ, trên biển. Khi được đưa vào trang bị, tổ hợp K-SAAM sẽ thay thế vai trò của các tổ hợp tên lửa RAM do Mỹ phát triển.

Dự kiến, sau khi được sản xuất, các tổ hợp K-SAAM sẽ bắt đầu trực chiến từ năm 2021. Hàn Quốc đang cân nhắc khả năng xuất khẩu dòng tên lửa phòng không này.

Giới chức quân sự Hàn Quốc hy vọng, K-SAAM sẽ giúp nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa của Hải quân Hàn Quốc trước sự đe dọa của tên lửa của Triều Tiên.

Quá trình thử nghiệm K-SAAM. Nguồn: DAPA.

TUẤN SƠN (theo The Drive)