Quyết định ký hợp đồng mua 5 máy bay KC-390 này được chính quyền Lisbon đưa ra sau 9 năm nước này tham gia vào dự án phát triển KC-390.
Tại thời điểm 2010, Không quân Bồ Đào Nha công bố muốn sở hữu 6 chiếc KC-390 nhằm thay thế cho phi đội C-130H Hercules của hãng Lockheed Martin (Mỹ) sắp đến niên hạn bị loại biên.
Tuy nhiên, hãng Embraer không đưa ra thông tin gì về việc liệu Bồ Đào Nha có mua chiếc KC-390 thứ 6 hay chỉ chốt đơn hàng là 5 máy bay.
Giá trị thương vụ trên chưa được tiết lộ nhưng nhà sản xuất Brazil cho biết, chiếc KC-390 đầu tiên sẽ được bàn giao cho Không quân Bồ Đào Nha vào năm 2023.
 |
Một chiếc KC-390 của Không quân Brazil. |
Bên cạnh nhà thầu chính là hãng Embraer, dự án KC-390 còn có sự tham gia của đối tác Bồ Đào Nha và Cộng hòa Czech. Trong đó, công ty OGMA-Indústria Aeronáutica de Portugal của Bồ Đào Nha phụ trách sản xuất các tấm ghép thân giữa, bánh lái độ cao, cửa chứa hệ thống càng máy bay...
Ngoài thương vụ với Bồ Đào Nha, hãng Embraer còn có hợp đồng cung cấp 30 chiếc KC-390 cho Không quân Brazil. Một số nước cũng đã gửi ý định thư cho các hợp đồng mua chiếc máy bay vận tải này như Argentina (6), Chile (6), Colombia (12), và Cộng hòa Czech (2).
KC-390 là loại máy bay vận tải tầm trung hiện đại, ngoài vận tải đơn thuần còn có khả năng làm nhiệm vụ tiếp liệu trên không. Đây là loại máy bay vận tải lớn nhất mà Brazil từng tự sản xuất, giúp nước này chính thức bước vào nhóm quốc gia có khả năng chế tạo máy bay vận tải cỡ lớn.
Được trang bị 2 động cơ IAE V2600 - loại động cơ được sử dụng trên chiếc máy bay thương mại Airbus A320 - KC-390 có thể đạt tốc độ 870km/h, trần bay 11km, phạm vi hoạt động 6.100km (tầm bay còn nâng lên nếu được tiếp dầu trên không). Máy bay mang theo được lượng hàng hóa lên tới 26 tấn, hoặc có khả năng chở theo 80 binh sĩ, hoặc 74 cáng cứu thương, hoặc 64 lính dù với đầy đủ trang thiết bị.
PHẠM HUY (theo Jane’s)