Chiều 10-5, trên các trang mạng ủng hộ phe nhóm đối lập Quân đội Syria tự do (FSA) đã đăng tải clip một xe tăng T-90A của quân đội Syria đã bị trúng đạn tên lửa chống tăng TOW ở Humayra, phía Nam Aleppo. Ngay sau sự việc trên, phe đối lập Syria tuyên bố chiếc xe tăng đã bị tiêu diệt. Trong khi đó, lực lượng chính phủ Syria khẳng định, chiếc T-90A bị trúng đạn, nhưng sau đó vẫn chiến đấu bình thường.
Trong đoạn clip được FSA công bố, chiếc T-90A của Quân đội chính phủ Syria đã bị trúng tên lửa TOW (có thể là TOW-2A hay BGM-71-E3B) vào phía bên trái thân xe. Cùng với đó, với sự hỗ trợ của máy quay đặt trên thiết bị bay không người lái, chiếc T-90A sau khi trúng đạn có bốc khói trắng trên tháp pháo và không có thêm bất kỳ chuyển động nào.
Clip miêu tả cảnh chiếc T-90A của Quân đội chính phủ Syria trúng đạn do phe đối lập ghi lại và công bố.
Xét về mặt kỹ thuật, tên lửa TOW-2A hoàn toàn có khả năng xuyên thủng giáp hai bên thân và đuôi xe tăng T-90A với khả năng xuyên phá hóa năng (sử dụng đầu nổ lõm) tới 900mm RHA (giáp thép đồng nhất tiêu chuẩn). Sử dụng hiệu ứng nổ lõm, đầu nổ của tên lửa TOW khoan thủng giáp của chiếc T-90A. Luồng khí nóng xuyên giáp kết hợp cùng các mảnh giáp nóng chảy được đẩy vào trong khoang của xe tăng gây cháy nổ, thậm chí là nổ khoang đạn. Điều này giải thích việc tại sao, rất nhiều xe tăng T-72AV/MV của Quân đội Syria bùng cháy và nổ bay tháp pháo khi bị trúng đạn tên lửa TOW.
Tuy nhiên, điều này khó xảy ra hơn trên xe tăng T-90A, loại xe tăng có kết cấu trong xe gần tương tự như xe tăng T-72. Trên xe tăng T-90A, ổ nạp đạn tự động được bọc một lớp giáp mỏng giúp hạn chế khả năng vị trí chết người này bị tác động trực tiếp bởi các loại đạn chống tăng động năng, cũng như hóa năng (đạn rocket, tên lửa chống tăng). Ngoài ra, trên xe tăng T-90A còn được trang bị hệ thống dập lửa tự động FPE sử dụng khí Halon với thời gian phản ứng gần như tức thì khi nhiệt độ trong khoang xe tăng cao do trúng đạn hoặc cháy. Điều này cũng giải thích cho việc có khói trắng bốc lên trên tháp pháo của chiếc T-90A trúng đạn, khi các thiết bị trong khoang có thể đã bị chập cháy do hậu quả của việc trúng đạn TOW. Dù không bị phá hủy, nhưng chiếc T-90A trúng đạn chắc chắn sẽ hư hỏng không nhẹ, cũng như nhiều khả năng tổ lái đã có thương vong.
Kết cấu ổ nạp đạn tự động trên xe tăng T-90A.
Xét về yếu tố tác chiến chống tăng, vụ tấn công trên của FSA có thể được ghi nhận là thành công. Dù không tiêu diệt trực tiếp chiếc T-90A, nhưng chiếc xe tăng trên đã bị vô hiệu hóa.
TUẤN SƠN