Ba mũi tên thép
Theo Global Fire Power, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có quân số thường trực khoảng 410.500 người, xếp hạng đông thứ hai trong khối NATO, chỉ sau Mỹ. Về cơ cấu tổ chức, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm 5 lực lượng là lục quân, không quân, hải quân, hiến binh và lực lượng phòng thủ bờ biển. Tuy nhiên, sức mạnh tác chiến của An-ca-ra nằm ở 3 lực lượng chính-3 mũi tên thép là hải, lục, không quân, vốn được ưu tiên hiện đại hóa trong nhiều năm qua.
Lục quân là lực lượng có quân số đông nhất trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với 280.000- 300.000 người (chiếm khoảng 80% tổng quân số). Lục quân được tổ chức thành 9 quân đoàn đóng quân trên khắp cả nước. Mỗi quân đoàn đều có ít nhất 2 lữ đoàn bộ binh cơ giới có khả năng phản ứng nhanh. Trong đó, quân đoàn 3 thuộc lực lượng phản ứng nhanh chung với NATO.
Sức mạnh tấn công chính của lục quân Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở lực lượng tăng thiết giáp, gồm hơn 3.778 xe tăng trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1, Leopard 2 mua từ Đức, xe tăng M48 Patton, M60 Patton mua từ Mỹ... Đặc biệt, Altay là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nhất do Thổ Nhĩ Kỳ tự chế tạo. Mẫu xe tăng này đang trong quá trình phát triển, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2017. Ngoài ra, lục quân nước này còn sở hữu 7.550 xe bọc thép chiến đấu, trong đó nhiều nhất là loại xe bọc thép chở quân M113 mua từ Mỹ. Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng được trang bị 1.013 khẩu súng tự động, 697 pháo kéo, 811 hệ thống phóng rốc-két đa nòng.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Sputnik
Lực lượng tác chiến dưới nước chủ lực của Thổ Nhĩ Kỳ là 13 tàu ngầm lớp Atilay (phiên bản tàu ngầm Type-209 nhập khẩu từ Đức). Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nắm trong tay một số lượng lớn tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm, tàu tuần tra… Về không quân, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 1.007 máy bay các loại, trong đó 348 chiếc là máy bay chiến đấu. Loại tiêm kích hiện đại nhất không quân nước này là F-16 với khoảng 240 chiếc.
Quan trọng hơn là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức một cách rất quy mô, bài bản và đặc biệt là có khá nhiều kinh nghiệm tác chiến nhờ tham gia vào các chiến dịch quân sự cùng với NATO. Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ hiện được đánh giá là một trong số các quốc gia có lực lượng quân đội hùng hậu, được tổ chức tốt nhất khu vực với những loại vũ khí tối tân. Theo tờ Pravda của Nga, xét về mặt lực lượng trong khối NATO, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đứng sau Mỹ. Cứ nhìn vào sự hiện diện của số lượng tàu ngầm và tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen sẽ thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chẳng thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS có trụ sở tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) cũng đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ có tiềm lực mạnh về cả Lục quân, Không quân và Hải quân với ngân sách quân sự hằng năm vào khoảng 25 tỷ USD. Thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục chi rất mạnh tay cho kho vũ khí quân sự của mình.
Cửa ngõ quan trọng
Là quốc gia Hồi giáo duy nhất trong khối NATO, lại là cửa ngõ Á-Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng. Hiện NATO và Mỹ đặt nhiều trạm quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ, đáng kể có sân bay Incirlik-nơi Mỹ và các nước đồng minh sử dụng để xuất kích các máy bay chiến đấu và không người lái đánh bom lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Xy-ri.
Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang có vị thế quyền lực chính trị quan trọng, tự coi mình là người bảo vệ di sản của Atatürk, nhà quân sự lỗi lạc trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Họ đã thực hiện nhiều cuộc đảo chính trong lịch sử. Thông qua Hội đồng An ninh quốc gia, quân đội gây ảnh hưởng tới chính sách về các vấn đề mà họ coi là mối đe dọa tới đất nước, gồm cả vấn đề liên quan tới cuộc nổi dậy của người Cuốc và Chủ nghĩa Hồi giáo. Dù trong những năm gần đây, các cuộc cải cách đã được tiến hành để giảm bớt ảnh hưởng của giới quân sự nhằm đáp ứng tiêu chí để được gia nhập EU, nhưng quân đội vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh của quốc gia 75 triệu dân này. Điều này khiến nhiều quốc gia, trong đó có Nga và Mỹ, hết sức lo ngại tình hình Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng tới toàn khu vực.
Các chuyên gia nhận định rằng một Thổ Nhĩ Kỳ bất ổn không chỉ ảnh hưởng tới nỗ lực ổn định tình hình tại “lò lửa” Trung Đông, mà còn khiến cuộc chiến chống lại các thành phần khủng bố cực đoan thêm khó khăn. Hãng tin Reuters dẫn lời B.Ri-ê-đen (Bruce Riedel), cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng: "Một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định là tiền đề cho Mỹ tại khu vực Ban-căng, Cáp-ca-dơ và Trung Đông. Nền dân chủ tại Thổ Nhĩ Kỳ là yếu tố cần thiết cho bất kỳ hy vọng cải cách chính thể tại Trung Đông". Trong khi đó, hãng tin BBC dẫn lời Người phát ngôn Điện Crem-li Đ.Pe-xcốp (Dmitry Peskov): "Thổ Nhĩ Kỳ là một nước rất quan trọng trong khu vực. Sự ổn định và tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng đến toàn khu vực lân cận".
NGỌC THƯ