Năm 1966, Mỹ cho xây dựng tuyến phòng thủ hiện đại, từ Nam Vĩ tuyến 17 đến Đường 9-Khe Sanh, được gọi là "hàng rào điện tử McNamara". Khe Sanh là một trong 3 "mắt thần" của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh, gồm chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Mục tiêu của Mỹ khi xây dựng khu phòng thủ Khe Sanh hùng mạnh là để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, chắn giữ cho khu vực phía đông Đường 9, bảo vệ vùng dân cư đồng bằng ven biển thuộc tỉnh Quảng Trị; đồng thời là bàn đạp để cắt đứt tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.
Đến cuối tháng 1-1968, Mỹ tập trung tại Khe Sanh tới 40% số tiểu đoàn bộ binh và thiết giáp của lực lượng thủy quân lục chiến, trang bị vũ khí hiện đại, cùng với binh lính ngụy Sài Gòn.
Đêm 20, rạng sáng 21-1-1968, ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Chiến dịch kéo dài 170 ngày, với hai giai đoạn tác chiến. Giai đoạn 1 từ ngày 20-1 đến 31-3-1968, ta tiến công tiêu diệt cứ điểm Huội San, Làng Vây, làm chủ đoạn Đường 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt-Lào; vây lấn và pháo kích căn cứ Khe Sanh, đánh địch ở Đông Quốc lộ 1 để ngăn chặn lực lượng Mỹ tới ứng cứu cho Khe Sanh. Trong đợt đầu tác chiến chiến dịch, lần đầu tiên ta sử dụng xe tăng, đánh các trận ở Tà Mây, Làng Vây đạt hiệu quả chiến đấu cao. Giai đoạn 2 từ 1-4 đến ngày 15-7-1968, ta bao vây, đánh lấn, chặn đánh quân Mỹ, buộc địch phải rút chạy khỏi Khe Sanh.
Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh là chiến dịch nghi binh chiến lược, nhằm thu hút lực lượng chủ lực, tinh nhuệ của Mỹ và ngụy Sài Gòn ra Quảng Trị, tạo điều kiện cho quân và dân ta tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau hơn 5 tháng chiến dịch, ta đã giam chân 17 trong tổng số hơn 33 lữ đoàn quân Mỹ, buộc chúng phải phân tán lực lượng trên nhiều chiến trường. Cuộc rút chạy khỏi Khe Sanh làm tuyến phòng ngự Đường 9 của quân Mỹ và ngụy Sài Gòn vỡ một mảng lớn kéo dài trên 40km từ Lao Bảo đến Cà Lu.
Thắng lợi của Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh 1968 đánh dấu bước trưởng thành mới của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam về chỉ đạo chiến lược, tác chiến chiến dịch, chiến thuật, hiệp đồng binh chủng. Thắng lợi của chiến dịch góp phần làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ; khơi thông tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh đã góp phần vào thắng lợi to lớn của toàn chiến trường miền Nam, buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi hoàn toàn.
HƯƠNG NGÂN