Những trận chiến đó không chỉ có quy mô lớn, mà còn ghi nhận tổn thất về người và trang bị thậm chí còn lớn hơn cả quân đội nhiều quốc gia trên thế giới

Trận chiến bảo vệ Thủ đô Moscow

Trận chiến ở ngoại vi Thủ đô của Liên Xô kéo dài từ tháng 10-1941 đến tháng 4-1942, có sự tham gia của khoảng 7 triệu binh sĩ ở cả bên Hồng quân và phe phát xít. Một trong những trận chiến lớn nhất trong lịch sử loài người bắt đầu với thất bại nặng nề của Hồng quân khi phát xít Đức liên tục tiến gần tới Moscow. Chỉ riêng ở chiến trường Vyazma, Quân đội Liên Xô đã thiệt hại khoảng 900.000 người, bao gồm hy sinh, bị thương, mất tích và bị bắt giữ.

Vào đầu tháng 12-1941, trong thời điểm quan trọng nhất, quân đội phát xít Đức chỉ đứng cách Moscow vài chục km và chuẩn bị cho cuộc tấn công quyết định.

Các chiến sĩ Hồng quân tham gia chiến dịch bảo vệ Thủ đô Moscow. Ảnh: Rian 

"Có thể đánh giá rằng, hiện tại kẻ thù không có bất kỳ đơn vị nào có đầy đủ quân số để coi là lực lượng dự bị cho đòn tấn công quyết định", Bộ tư lệnh Tối cao Hồng quân Liên Xô tuyên bố vào ngày 3-12-1941. 

Thực tế chiến trường sau đó chứng minh, phát xít Đức đã đánh giá thấp khả năng của Hồng quân. Ngay trong ngày 5 và 6-12-1941, sau khi tập trung lực lượng dự bị tại Moscow, Quân đội Liên Xô đã mở một cuộc phản công quy mô lớn. Phe phát xít vốn đang kiệt sức vì sự kháng cự dữ dội của Hồng quân đã dao động và bắt đầu nhanh chóng rút lui khỏi Moscow. Cuộc phản công của Hồng quân đã giải phóng nhiều khu vực và đẩy lùi quân Đức ra xa khỏi Moscow 150-250 km. Chiến dịch phản công này kết thúc vào mùa Xuân năm 1942.   

Chiến trường đẫm máu Stalingrad

Trận chiến quan trọng nhất của Thế chiến II đã trở thành một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. Trong số hơn 2 triệu binh lính ở cả hai bên tham gia cuộc chiến, khoảng một triệu người đã tử trận, chết vì vết thương trong bệnh viện và mất tích.

Việc mất thành phố trên sông Volga có thể trở thành một thảm họa khủng khiếp đối với Liên Xô: Phát xít Đức sẽ có cơ hội tập trung lực lượng để tấn công Moscow từ phía Nam, cũng như tiếp tục "chiến dịch giành dầu mỏ" ở vùng Kavkaz, nơi vào thời điểm đó chiếm hơn 70% sản lượng của toàn Liên bang Xô viết.

Đến giữa tháng 11-1942, quân đội Liên Xô bị áp sát sông Volga chỉ còn giữ được một vài đầu cầu nhỏ bên bờ bên kia. Phát xít Đức đã nắm chắc chiến thắng, nhưng vào ngày 19-11-1942, trong Chiến dịch Sao Thiên Vương, Hồng quân bất ngờ tấn công vào các sư đoàn phe trục là Romania đang bảo vệ hai bên sườn của Tập đoàn quân xe tăng số 6 và một phần của Tập đoàn quân xe tăng số 4, vốn đang sa lầy trong chiến tranh đô thị ở Stalingrad. Toàn bộ nhóm quân phát xít Đức gồm 300.000 người đã bị mắc kẹt, bị chia cắt và tiêu diệt vào đầu năm 1943. Chiến thắng tại Stalingrad đánh dấu sự khởi đầu cho sự thất bại của phe phát xít trong Thế chiến II.

Vòng cung Kursk

Vào mùa hè năm 1943, quân đội Đức đã cố gắng giành lại thế chủ động chiến lược sau khi thất bại tại Stalingrad. Khoảng 4 triệu người, hơn 13.000 xe tăng và pháo tự hành, cũng như 12.000 máy bay đã tham gia vào các trận chiến đẫm máu tại mấu lồi Kursk hay còn có tên gọi khác là vòng cung Kursk.

Với hai mũi tấn công gọng kìm, phát xít Đức tìm cách bao vây và tiêu diệt lực lượng Hồng quân ở vòng cung Kursk, nhưng gặp phải sự kháng cự ngoan cường và quyết liệt. “Đó thực sự là địa ngục ác mộng. Chúng tôi tiếp cận xe tăng phát xít rất gần đến nỗi không thể bắn từ pháo được nữa, chúng tôi nhảy ra khỏi xe và chiến đấu tay đôi với kẻ thù, chúng tôi chiến đấu bằng bất cứ thứ gì chúng tôi có – một chiếc búa tạ, một con dao, một khẩu súng lục. Chúa đã thương xót tôi trong trận chiến khó khăn này…”, lính xe tăng Vladimir Tolstikov nhớ lại về trận chiến xe tăng gần làng Prokhorovka.

Hồng quân phản công mãnh liệt khi giành thế chủ động trên chiến trường. Ảnh: Sputnik

Chịu tổn thất nặng nề, phát xít Đức chỉ có thể tiến được vài chục km. Sau khi bị chặn đứng, họ nhanh chóng buộc phải chuyển sang thế phòng thủ.

Trận chiến vượt sông Dnieper

Rút lui trước sự tấn công dữ dội của Hồng quân, quân Đức đã nhanh chóng tiến về sông Dnieper, dọc theo đó là tuyến phòng thủ kiên cố - Panther-Wotan hay còn gọi là Bức tường phía Đông. Nhiệm vụ của Hồng quân là không được để quân phát xít củng cố và thiết lập tuyến phòng thủ quan trọng này.

Có tới 4 triệu quân lính từ cả hai bên tham gia vào trận chiến giành sông Dnieper. Khi tới bờ sông, các sư đoàn và trung đoàn Liên Xô không chờ lệnh chung mà lập tức bắt đầu vượt sông. “Sự kiên trì, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của quân đội Liên Xô, kỹ năng tác chiến nhuần nhuyễn của các chỉ huy các cấp đã đảm bảo thành công rực rỡ của cuộc vượt sông và chiếm giữ các đầu cầu ở bờ phải của con sông”, Nguyên soái Ivan Konev, Tư lệnh Phương diện quân Thảo nguyên đánh giá.

Mặc dù số lượng các đầu cầu như vậy về cơ bản là nhỏ, nhưng chúng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch giải phóng hữu ngạn Ukraine năm 1944. Việc đập tan Bức tường phía Đông đã khiến phát xít Đức không thể tiến hành cuộc chiến tranh tiêu hao trên lãnh thổ Liên Xô.

Chiến dịch Bagration

Vào mùa hè năm 1944, Hồng quân đã cho phát Đức thấy chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng theo kiểu Liên Xô là như thế nào. Vào ngày 23-6-1944, một chiến dịch quy mô lớn mang tên Bagration đã bắt đầu ở Belarus, trong đó quân đội Liên Xô với quân số hơn 1,5 triệu binh sĩ đã tấn công Cụm tập đoàn quân Trung tâm gồm 800.000 người. 

Nhờ sự phối hợp hành động của 4 phương diện quân Liên Xô, sử dụng thành thạo không quân và pháo binh, sử dụng khéo léo các đội hình và đơn vị xe tăng lớn, hàng phòng ngự vững chắc của phát xít đức bị đánh tan. Trong hai tháng chiến đấu, Hồng quân đã tiến 600km về phía Tây, giải phóng lãnh thổ Belarus và một phần Ba Lan, tiến đến gần Warsaw và Đông Phổ.

“Tốc độ tiến quân của quân đội các ông thật đáng kinh ngạc,” Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt viết cho Stalin vào ngày 21-7-1944. 

Các trận chiến ác liệt đã khiến nửa triệu quân lính phát xít tử trận, bị thương, mất tích và bị bắt, Cụm tập đoàn quân Trung tâm đã bị đánh bại hoàn toàn. Tuy nhiên, Hồng quân cũng phải trả giá đắt khi tấn công với 178.000 người thiệt mạng và khoảng 587.000 người bị thương.    

Giải phóng Berlin

Mặc dù vào mùa xuân năm 1945, phát xít Đức đang trong những ngày cuối cùng, họ vẫn có thể tập trung một nhóm từ 800.000 đến một triệu binh lính để bảo vệ thủ đô Berlin. Đổi lại, hơn 2 triệu quân lính Hồng quân phải đột phá vào “hang ổ của quái thú”.

Chiến sĩ Hồng quân chiến đấu trên đường phố Berlin. Ảnh: TASS 

Phá vỡ hàng phòng ngự sâu của Đức và đẩy lùi nhiều cuộc phản công của địch, quân đội Liên Xô đã bao vây thành phố vào ngày 25-4-1945. “Cuộc tấn công vào Berlin được đặc trưng bởi giao tranh ác liệt trên đường phố. Chúng tôi đã chứng kiến các trung đội súng trường, dưới sự che chở của mọi loại hỏa lực, tấn công vào tầng hầm, cửa sổ và cửa ra vào của các tòa nhà. Có một trận chiến cho mọi tầng hầm và tầng lầu, cho mọi ngôi nhà và khối nhà. Mọi người đều háo hức chờ đợi sự xuất hiện của một lá cờ đỏ từ một cửa sổ tầng trên hoặc trên mái nhà, điều đó có nghĩa là tòa nhà đã được kiểm soát...", Vladimir Antonov, chiến sĩ của Sư đoàn súng trường 301 nhớ lại.

Quân phát xít đã đầu hàng vào ngày 2-5-1945. Các đơn vị cố thủ và cố gắng đột phá về phía Tây đều bị tiêu diệt và phân tán. Trong chiến dịch Berlin, Hồng quân đã mất hơn 80.000 chiến sĩ.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.