Theo Thủ tướng Đ.Mét-vê-đép, Nga đang tiến hành tái trang bị cho quân đội bằng các mẫu vũ khí mới nên cần hoàn thành những mục tiêu cụ thể. Nga phải giữ vững vị trí là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai cũng như khả năng cạnh tranh của vũ khí Nga trên thị trường thế giới. Theo đó, chương trình phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Nga từ nay đến năm 2020, bao gồm phát triển tiềm lực đổi mới của các doanh nghiệp quốc phòng, nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm, đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất quốc phòng, đưa hàng hóa quân sự Nga ra thị trường thế giới. Ngoài ra, chương trình còn tính tới vấn đề tiền lương đối với công nhân viên ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Hồi đầu năm nay, báo chí Nga đã công khai những kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự của Nga trong năm 2016. Theo "Dự báo về hoạt động quân sự của Nga trong năm 2016" mà hãng tin RIA Novosti  công bố hồi đầu năm, các hướng chính của hoạt động này xuất phát từ những ưu tiên mà Tổng Tư lệnh tối cao V.Pu-tin (V.Putin) đã đặt ra cho các lực lượng vũ trang và Tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Liên bang Nga. Trong năm 2016, nước Nga sẽ bắt đầu thực hiện chương trình nhà nước hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng, sẽ chế tạo các mẫu vũ khí mới cho lực lượng hàng không vũ trụ, hải quân và lực lượng tên lửa chiến lược.

Xe tăng T-90 nổi tiếng của Nga. Ảnh: Military.

Thủ tướng Đ.Mét-vê-đép nhấn mạnh, Nga cần một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của quân đội Nga. Ông Mét-vê-đép cũng cho rằng, Nga chỉ có thể thành công trên thị trường vũ khí thế giới với các mẫu vũ khí có khả năng cạnh tranh cao và một nền công nghiệp quốc phòng hoàn thiện. “Hiện chúng ta đã bước vào việc tái trang bị cho toàn quân đội, các lực lượng vũ trang, hải quân với những mẫu vũ khí mới. Chúng ta có những mục tiêu cụ thể cần phải hoàn thành và tất nhiên cần bảo đảm khả năng cạnh tranh của vũ khí Nga trên thị trường toàn cầu”, Hãng thông tấn TASS dẫn phát biểu của ông Đ.Mét-vê-đép trong cuộc họp với các phó thủ tướng.

Sau Chiến tranh Lạnh, kế thừa thành tựu công nghiệp quốc phòng của Liên Xô (trước đây), nước Nga chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng theo mô hình và cơ chế mới. Đến nay, lĩnh vực này của Nga đã có bước phát triển vượt bậc, không chỉ đáp ứng nhu cầu quốc phòng trong nước, mà còn xuất khẩu số lượng lớn vũ khí, trang bị hiện đại. Tuy nhiên, cùng với những khó khăn chung của lĩnh vực công nghiệp dân sự, ngành công nghiệp vũ khí có doanh thu hằng năm lên đến vài chục tỷ USD của Nga cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thủ tướng Đ.Mét-vê-đép đã giao cho Phó thủ tướng Đ.Rô-gô-din (Dmitry Rogozin) phụ trách triển khai thực hiện chương trình vừa được thông qua. Theo ông Rô-gô-din, khoản ngân sách dự kiến cho chương trình này vào khoảng 25,33 tỷ USD với các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, phát triển nhân lực, thay thế sản phẩm quân sự vốn trước đây phải nhập khẩu từ các nước thành viên NATO, các nước châu Âu và cả U-crai-na.

Tháng 12 năm ngoái, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo hằng năm của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới, xếp hạng theo doanh thu, trong đó nói rằng, năm 2014, doanh thu ngành công nghiệp vũ khí của Nga tiếp tục xu hướng đi lên, bất chấp những khó khăn kinh tế trong nước do lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Trong năm ngoái, Nga đã thu được 15,2 tỷ USD từ xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài. Việc Nga tham gia không kích IS tại Xy-ri, huy động những loại vũ khí tối tân chiến lược đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn hàng quốc tế. Vì thế, Nga đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển thế mạnh này vừa bảo đảm vị thế siêu cường vũ khí vừa củng cố sức mạnh của nền kinh tế trong tình hình khó khăn.

Theo dự báo, năm nay, danh mục vũ khí mà Nga sẽ cung cấp cho các đối tác nước ngoài rất đa dạng, từ vũ khí bộ binh và tàu chiến đến các hệ thống phòng không.

Kênh truyền hình Zvezda (Ngôi Sao) của quân đội Nga đã thực hiện một cuộc khảo sát các chuyên gia với câu hỏi: Nga xuất khẩu những loại vũ khí nào và cho những nước nào?

Tổng biên tập Tạp chí Xuất khẩu vũ khí A.Phrô-lốp (Andrey Frolov) cho biết, theo dự kiến, Nga sẽ xuất khẩu nhiều loại kỹ thuật quân sự và vũ khí lục quân, kể cả cho các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Chẳng hạn, Nga đã ký hợp đồng với Ác-mê-ni-a về cung cấp các loại thiết bị quân sự trị giá 300 triệu USD. Ngoài ra, Cư-rơ-gư-xtan và Ta-gi-ki-xtan sẽ nhận được xe bọc thép và vũ khí bộ binh từ kho hàng dự trữ của Bộ Quốc phòng Nga.

Xe bọc thép của Nga rất đắt hàng trên thị trường nước ngoài. Tổng biên tập Báo Người đưa tin công nghiệp quốc phòng M.Khô-đa-rê-nốc (Mikhail Khodarenok) cho biết, T-90 là loại xe tăng bán chạy nhất thế giới. Các chuyên gia nước ngoài rất quan tâm đến xe tăng Nga T-14 - mẫu xe tăng mới nhất, được coi là biến thể của xe tăng Armata huyền thoại. Ngoài ra, Nhà máy Uralvagonzavod của Bộ Quốc phòng Nga cũng nhận cung cấp dịch vụ duy tu và cải tiến xe tăng T-72 để phù hợp hoàn cảnh chiến đấu trong đô thị.

Các loại máy bay vẫn chiếm thị phần lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Năm nay, Nga bắt đầu cung cấp máy bay trực thăng Mi-28 cho An-giê-ri và sẽ tiếp tục cung cấp Mi-28 và Mi-35 cho I-rắc. Máy bay trực thăng chiến đấu Ka-52 sẽ được chuyển giao cho Ai Cập. Hai chiếc máy bay trực thăng sẽ được cung cấp cho khách hàng ở Xéc-bi-a. Băng-la Đét và Bê-la-rút đã nhận được các máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130.

Đứng thứ hai trong danh mục vũ khí xuất khẩu của Nga là các hệ thống  phòng không và thiết bị hải quân. Ví dụ, lô hàng đầu tiên thiết bị theo hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga đã tới I-ran. Sư đoàn S-300PS của Bê-la-rút đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu. Nga sẽ gia tăng khối lượng xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không S-400 tân tiến nhất.

Một trong những sự kiện lớn trong năm nay sẽ là lễ chuyển giao cho An-giê-ri chiếc tàu ngầm diesel-điện đầu tiên thuộc Dự án 636, lớp Warszawianka. Hải quân Ca-dắc-xtan sẽ nhận chiếc tàu quét mìn thuộc Dự án 1265. Và Nga tiếp tục thực hiện hợp đồng cung cấp tàu khu trục lớp Gepard 3.9 cho Việt Nam; hiện tại có hai chiếc đang được đóng, sẽ được chuyển giao trong năm 2017-2018. Ngoài ra, thị trường thế giới cũng có nhu cầu về tàu ngầm Nga lớp Warszawianka vừa nói ở trên, cũng như về tàu ngầm thuộc Dự án 677, lớp Lada.

NGỌC HÀ