Liên quan tới các động thái tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu và vùng Baltic của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là tuyên bố của giới chức quân sự NATO mới đây về việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh gồm 10.000 quân, với mục đích ngăn chặn “sự hiếu chiến của nước Nga”, chuyên gia cao cấp tờ báo Mỹ The National Interest, Ted Galen Carpenter đã có bài phân tích sâu về vấn đề này.

Theo quan điểm của ông T. Carpenter, NATO đã sai trong cách tiếp cận vấn đề nước Nga và khối quân sự này nên dừng các hoạt động cô lập và bao vây quốc gia có lãnh thổ lớn nhất thế giới này.

Trong bài viết của mình, ông T. Carpenter đã dẫn ví dụ về động thái mới nhất của NATO khi triển khai thêm 4 tiểu đoàn cơ động tại vùng Baltic và Ba Lan. Đây là hành động quân sự bỏ qua sự quan ngại của Moscow. Họ tin rằng với động thái củng cố lực lượng bảo vệ các quốc gia đồng minh ở Đông Âu sẽ buộc Điện Kremlin phải xem lại đối sách của mình.

Theo chuyên gia T.Carpenter, giới chức phương Tây cần thay đổi quan điểm về việc cố gắng phát động một cuộc chiến tranh lạnh mới chống lại nước Nga. Động thái này nếu kéo dài có thể dẫn tới xung đột quân sự và rất có thể là một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Không giống như dưới thời chiến tranh Lạnh, khi nguyên nhân dẫn tới xung đột có thể đổ sang phía Moscow, hiện tại mọi nghi vấn về việc ai là người khơi mào xung đột đang được hướng về phía Mỹ và phương Tây.

Gần đây, NATO liên tiếp tập trận tại các quốc gia vùng Baltic và Biển Đen với mục đich bảo vệ đồng minh trực cái gói là "nguy cơ xâm lược từ Nga". 

Thực tế, Mỹ và phương Tây đang cố gắng phớt lờ và xóa bỏ ảnh hưởng của Nga ra khỏi các khu vực truyền thống vốn nằm trong quỹ đạo của Moscow. Ví dụ rõ ràng nhất về vấn đề này là việc, Cố vấn Tổng thống Mỹ Condoleezza Rice, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry luôn đổ tội cho Nga có liên quan tới xung đột tại các quốc gia láng giềng như tại Gruzia và Ukraine. Cả hai nhân vật trên đều cho rằng Nga chính là sức mạnh hung hãn có âm mưu bành trướng và cần phải bị ngăn chặn.

Tuy nhiên, làm sao để những “giả thuyết” trên của Mỹ được hợp lý hóa. Dưới thời chiến tranh Lạnh, lý do được đưa ra là để ngăn chặn khối Vasava và cứu thế giới theo quan điểm của phương Tây. Khi đó, Liên bang Xô Viết đang có tầm ảnh hưởng rộng lớn tới gần như mọi nơi trên Trái đất, nên mọi việc có thể được hợp lý hóa. Tới thời điểm hiện tại, điều này không còn đúng với Liên bang Nga. Moscow hiện chỉ cố gắng duy trì ảnh hưởng ở Đông Âu, Trung Á và Biển Đen. Đây là những khu vực có vị trí cực kỳ quan trọng đối với an ninh của nước Nga.

Trong báo cáo mới nhất của Đảng Cộng hòa với nhan đề “Bảo đảm an ninh của nước Mỹ thông qua các nhà lãnh đạo và tự do” đệ trình lên Hạ viện Mỹ, giới chức Mỹ đã vẽ nên một nước Nga tàn bạo với việc hỗ trợ lực lượng ly khai ở Nam Ossetia và Abkhazia tách khỏi Gruzia, cũng như việc Nga sáp nhập vùng lãnh thổ Crưm và hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở vùng Donbass, Ukraine. Tuy nhiên, phía Mỹ lại cố gằng lờ đi việc Washington đã dùng mọi biện pháp, trong đó có cả hành động quân sự để tách tỉnh Kosovo khỏi Liên bang Nam Tư, kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào NATO và chia cắt CH Síp. Những hành động của nước Nga là để đảm bảo cho an ninh của họ, vậy hành động của Mỹ và phương Tây là vì mục đích gì?

Giới chức Mỹ phải tự hỏi từ bao giờ các quốc gia vùng Baltic, Ukraine và Gruzia lại có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh của nước này. Điều này thật nghịch lý khi Mỹ không muốn và cũng không sẵn sàng một cuộc chiến tranh toàn diện với Nga. Đây là kịch bản Mỹ không thể thắng kể cả là một cuộc chiến quy ước hay chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Mặt khác, trong lịch sử nước Nga, mọi vùng lãnh thổ của nước này đều có liên kết mật thiết với Moscow. Kể cả khi Crưm được chuyển sang dưới quyền quản lý của Ukraine năm 1954, thì vùng lãnh thổ này hay cả Ukraine đều nằm trong Liên bang Xô Viết. Đặc biệt tới thời điểm hiện tại, Crưm có vị trí đặc biệt quan trọng với Nga không chỉ vì truyền thống, mà còn là vùng lãnh thổ chiến lược bên bờ Biển Đen.

Bất kỳ một cường quốc nào đều phải hiểu rõ về “không gian sinh tồn” của các cường quốc khác. Vấn đề địa chiến lược rất quan trọng. Không một cường quốc nào muốn các quốc gia đối địch thâm nhập vào các vùng lãnh thổ áp sát biên giới nước mình. Điều này rất dễ tưởng tượng rằng Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Nga hoặc các quốc gia khác đặt căn cứ ở vùng Caribean hay Trung Mỹ. Vì vậy có thể dễ dàng hiểu được phản ứng của Nga trước các hoạt động quân sự của NATO tại vùng Baltic và Biển Đen. Điều này cũng giải thích rõ động thái quân sự của Mỹ và phương Tây tại Ba Lan, vùng Baltic thực sự có thể tạo ra một cuộc chiến tranh bất kỳ lúc nào.

TUẤN SƠN