QĐND Online - Ngày 24-11, một máy bay tiêm kích-bom thuộc nhóm không quân Nga tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria đã bị máy bay chiến đấu F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ bằng tên lửa không đối không tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder.

Đặc biệt sau những thông tin được Đại úy Konstantin Murahtin, sĩ quan tham mưu trên chiếc Su-24M bị bắn rơi, công bố chiều 25-11 cho biết, máy bay Nga hoàn toàn không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ; máy bay không nhận được bất kỳ cảnh báo; máy bay bị tấn công một cách bất ngờ khi đang trên đường trở về căn cứ Hmeymim và phi công không có đủ thời gian để phản ứng…

Sự việc trên đã đặt ra một loạt câu hỏi: Phải chăng khả năng tác chiến của máy bay Nga còn nhiều hạn chế? hay máy bay Nga thực tế không được chuẩn bị cho kịch bản bị tấn công trên không…

Không được chuẩn bị cho kịch bản bị tấn công từ trên không

Tham gia chiến dịch không kích chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các phe cánh thuộc mạng lưới Al Qaeda tại Syria chủ yếu là các dòng máy bay cường kích, tiêm kích-bom rất mạnh, khả năng tấn công mục tiêu trên bộ, nhưng lại chỉ có khả năng tự vệ trên không hạn chế như Su-25SM, Su-24M, Su-34… nhiệm vụ hộ tống và bảo vệ không phận thuộc nhiệm vụ của số ít các máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-30SM và Su-27SM.

Máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đạn tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X Sifdewinder.

Máy bay Su-24M của Nga bị bắn rơi hôm 24-11 làm một phi công thiệt mạng.

Không quân Nga triển khai các đơn vị máy bay như trên vì thực tế IS hay phiến quân Syria không có không quân, cũng như vũ khí phòng không đủ tầm cũng như đủ mạnh để có thể tấn công hay bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga. Với những loại súng máy, pháo phòng không kiểu cũ cỡ nòng tới 57mm hay tên lửa phòng không vác vai, chúng không thể hạ được các máy bay hoạt động ở độ cao lớn tới 6.000m như tầm hoạt động chiến đấu thông thường của máy bay Nga.

Với thỏa thuận tránh đụng độ và va chạm trên không phận Syria với Mỹ và đồng minh NATO, Moscow cho rằng, nguy cơ máy bay Nga bị bắn hạ trên vùng trời Syria dường như là không có. Bởi vậy, các đơn vị máy bay tấn công của Nga triển khai ở Syria cũng không được trang bị các khí tài và chiến thuật đối kháng điện tử chống lại các mục tiêu trên không.

Kể cả ở khu vực phía Bắc Syria, tại tỉnh Latakia, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO, máy bay Nga cũng “tự tin hoạt động” vì theo thông lệ quốc tế, khi không tuyên bố tình trạng chiến tranh, Thổ Nhĩ Kỳ không thể “tự tiện” bắn hạ máy bay nước ngoài xâm phạm không phận trừ khi các loại máy bay này phớt lờ các cảnh báo và đe dọa an ninh quốc gia của nước này.

Từ các hình ảnh được công bố, rất ít các chuyến bay cường kích, tiêm kích-bom của Nga cần máy bay tiêm kích hộ tống vì thực sự điều đó là không cần thiết.

Cùng với đó, Su-24 bản chất được thiết kế cho nhiệm vụ ném bom tiền tuyến với khả năng tự vệ trên không hạn chế có rất ít cơ hội sống sót khi bị các dòng máy đánh chặn đa nhiệm như F-16 tấn công.

AIM-9X Sidewinder là một trong những dòng tên lửa không đối không tầm ngắn danh tiếng trên thế giới do hãng Raytheon phát triển và nâng cấp. Tên lửa AIM-9X có trọng lượng 85kg, trong đó trọng lượng đầu đạn nặng khoảng 20.8 pound (9,4 kg); đạn tên lửa dài 3m, tốc bay đạt tới Mach 2.5. Sử dụng nguyên lý AIM-9X điều khiển bằng lực đẩy véc-tơ, tầm bắn của AIM-9X đạt tới 35km. Được trang bị cảm biến hồng ngoại đa kênh, đạn tên lửa có thể nhận biết nguồn nhiệt ở mọi hướng phát ra từ máy bay đối phương.  Tên lửa sử dụng phương thức dẫn bắn bán chủ động: Tên lửa nhận thông tin về mục tiêu từ máy bay mẹ; sau khi được khai hỏa tiếp cận mục tiêu, đạn tên lửa sẽ tự kích hoạt đầu dò hồng ngoại để tấn công mục tiêu.

So với phiên bản trước đó, AIM-9X có nhiều cái ưu thế vượt trội. Đáng kể nhất là khả năng Lock after lauch (khóa mục tiêu sau khi phóng) cho phép gia tăng đáng kể tầm bắn, cũng như phối hợp với mũ phi công điều khiển tích hợp giúp tăng góc bắn của tên lửa trong không chiến quần vòng.

“Cú đâm từ sau lưng”

Theo thông tin được Bộ Quốc phòng Nga công bố tối ngày 25-11 và sau đó là lời của Đại úy K. Murahtin, máy bay Su-24M của Nga bị bắn rơi khi đang trên đường trở về căn cứ Hmeymim. Khi bị bắn, máy bay Su-24M của Nga đang hoạt động theo đường bay dự định trong không phận Syria gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và bất ngờ bị tấn công không có cảnh báo trước. Máy bay Nga cũng không nhận biết được việc đang bị một phi đội máy bay F-16 theo sát.

Trong khi đó, theo các thông tin công khai, thực hiện vụ tấn công máy bay Nga là một nhóm 2 máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ được trang bị tên lửa tầm ngắn sử dụng đầu dò hồng ngoại AIM-9X Sidewinder hiện đại.

Đối với máy bay Su-24M của Nga, là máy bay tiêm kích-bom (khả năng không chiến đối không chỉ là thứ yếu) việc bị tấn công bằng tên lửa AIM-9X thực sự là không có khả năng đối phó lại. Điều này đã được Đại úy K. Murahtin xác nhận. “Máy bay không hề nhận được tín hiệu cảnh báo tên lửa phóng tới. Kíp bay không biết và không có thời gian cơ động máy bay tránh nẻ tên lửa”, sĩ quan hoa tiêu Nga cho biết.

Như vậy có thể thấy, trong vụ máy bay Su-24M của Nga bị bắn hạ, máy bay không chỉ bị tấn công bất ngờ, mà thực tế máy bay Nga đã không được chuẩn bị và thiếu các khí tài đối kháng điện tử để nâng cao khả năng sống sót trong tình huống không chiến

TUẤN SƠN