QĐND - Một hội nghị quốc tế do Liên hợp quốc (LHQ) chủ trì đã bắt đầu tại Niu Yoóc (Mỹ) và kéo dài đến hết ngày 27-7 với mục tiêu tiến hành soạn thảo và thông qua một hiệp ước nhằm điều chỉnh thị trường vũ khí toàn cầu.

Tình trạng mua bán vũ khí trái phép tràn lan đang là thách thức lớn với toàn thế giới. Ảnh: AFP

 

Bức thư có chữ ký của hơn 30 nhân vật nổi tiếng thế giới đã được gửi đến Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) đề nghị thông qua một hiệp ước về kiểm soát buôn bán vũ khí toàn cầu. Bức thư nêu rõ, hiện nay lượng đạn dược được sản xuất ra hằng năm gấp đôi số dân trên Trái Đất. Nếu không có các tiêu chuẩn quốc tế đối với các hoạt động buôn bán, vận chuyển vũ khí, không loại trừ khả năng số đạn dược nói trên sẽ bị tuồn vào những khu vực xung đột và cướp đi nhiều sinh mạng. Ngoài ra, theo các nhà vận động kiểm soát vũ khí, hiện nay cứ mỗi phút trên thế giới lại có một người chết do bạo lực có vũ trang. Thực tế đó là cơ sở dẫn tới ý tưởng về việc thông qua một hiệp ước buôn bán vũ khí toàn cầu.

Nếu được nhất trí thông qua, hiệp ước sắp tới cũng sẽ không đề cập tới vấn đề mua bán vũ khí ở từng nước riêng rẽ cũng như việc sở hữu vũ khí của công dân, mà tập trung vào việc kiểm soát hoạt động mua bán, cung cấp vũ khí trên phạm vi quốc tế. Hiệp ước này chỉ có hiệu lực nếu được ít nhất 60 nước thông qua, trong đó có 10 nước là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất toàn cầu. Mỹ hiện nay là quốc gia buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm khoảng hơn 40% các vụ mua bán vũ khí thông thường. Tiếp đến là các quốc gia như Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga.

Trong ngày đầu tiên của hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun nhận định: “Việc vận chuyển vũ khí thiếu kiểm soát đang làm gia tăng các cuộc xung đột, gây bất ổn định cho các khu vực và tiếp tay cho các mạng lưới tội phạm và khủng bố”. Ông Ban Ki Mun cũng cho rằng, cần phải hướng tới các tiêu chuẩn rõ ràng và quy định cứng rắn ở từng quốc gia đối với việc xuất khẩu vũ khí. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ô-xtrây-li-a Bốp Ca (Bob Carr), ít nhất 2000 người thiệt mạng mỗi ngày bởi các loại vũ khí cá nhân được mua bán trái phép. “Chúng tôi muốn có một hiệp ước rõ ràng và đủ sức nặng để giúp các nước kiểm soát việc mua bán và vận chuyển vũ khí”, ông Bốp Ca nói.

Ngoại trưởng các nước Pháp, Anh, Đức trước đó cũng kêu gọi cần phải có một hiệp ước toàn diện nhằm hạn chế cái gọi là “mối đe dọa gia tăng với nhân loại”. Đại diện các quốc gia cho hay, hằng năm, có hàng triệu người trên thế giới trở thành nạn nhân cả trực tiếp và gián tiếp của các vụ mua bán vũ khí thiếu kiểm soát cũng như việc vận chuyển vũ khí trái phép.

Trong trường hợp không thể đi đến một hiệp ước hoàn chỉnh, hội nghị lần này tại Niu Y-oóc cũng sẽ đưa ra một bản Hiệp ước dự thảo áp dụng với 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ.

ANH VŨ