QĐND Online - Trong khuôn khổ buổi lễ vừa tiến hành tại ngoại vi thành phố Ankara, công ty Turkish Aerospace Industries (TAI) và hãng Lockheed Martin đã chuyển giao cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu cơ đa nhiệm F-16 Block-50+ Fighting Falcon đầu tiên. Tham gia buổi lễ tiếp nhận có lãnh đạo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và một số đại diện ngoại giao Mỹ.

Theo tuyên bố của lãnh đạo công ty TAI, Yalcin Kaya, việc chuyển giao chiếc F-16 Block-50+ đầu tiên cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiến hành sớm hơn 2 tháng so với dự kiến ban đầu. Dự kiến, việc chuyển giao toàn bộ 30 chiến đấu cơ F-16 Block-50+ mới sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012. Các máy bay nói trên sẽ là bước đệm đảm bảo khả năng tác chiến của không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho tới khi tiếp nhận chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 Lightning II.

Chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: trmilitary.com

Tháng 9-2006, Cơ quan phụ trách hợp tác quốc phòng và an ninh (DSCA) thuộc Lầu Năm góc đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ kế hoạch bán cho Thổ Nhĩ Kỳ 30 máy bay F-16 Block-50+ mới và các dịch vụ kèm theo trị giá 2,9 tỉ USD. Tới ngày 18-11 cùng năm, Quốc hội Mỹ đã thông qua kế hoạch nói trên.

Ngày 11-5-2007, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua việc mua mới 30 máy bay F-16C/D Block-50+ theo khuôn khổ chương trình Peace Onyx-4. Theo đó, quốc gia nằm giữa đại lục Á Âu này sẽ mua 14 chiến đấu cơ F-16C phiên bản một người lái va 16 máy bay F-16D phiên bản 2 người lái trị giá 1,78 tỉ USD.

Theo điều kiện của hợp đồng, việc hoàn thiện các máy bay F-16 Block-50+ mới sẽ do TAI tiến hành tại cơ sở nằm ở ngoại vi thành phố Ankara. Trong khi đó, động cơ phản lực F-110-129 của các máy bay F-16 mới sẽ do công ty Turkish Engineer Industries (TEI) lắp ráp tại Eskisehir theo bản quyền mua lại từ hãng General Electric. Được biết, TEI là nhà thầu phụ chính của TAI trong quy trình lắp ráp máy bay F-16 nội địa.

Bắt đầu lắp ráp các phiên bản của dòng chiến đấu cơ F-16 từ năm 1987, tính tới thời điểm năm 1998, TAI đã hoàn thành và chuyển giao 240 máy bay loại này cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ và 46 chiếc cho không quân Ai Cập. Sau một thời gian đóng cửa, tới cuối năm 2009, TAI đã quyết định khôi phục lại các dây chuyền lắp ráp máy bay F-16.

Tuấn Sơn (theo Armstrade)