QĐND Online - Thị trường vũ khí thế giới năm 2010 đã đạt con số kỷ lục và từ năm 2011 thị trường này sẽ bắt đầu suy giảm. Vấn đề nêu trên đã được hãng tin RIA Novosti đăng tải dựa theo nhận định của giám đốc Trung tâm phân tích thị trường vũ khí toàn cầu (CAWAT) Igor Korotchenko.

“Theo đánh giá của CAWAT, thị trường vũ khí toàn cầu năm 2010 đạt giá trị khoảng 71,7 tỉ USD. Đây là con số kỷ lục của thị trường này kể từ khi kết thúc “Chiến tranh lạnh””, ông I. Korotchenko cho biết.

Vị lãnh đạo CAWAT nhấn mạnh, 71,7 tỉ USD mới chỉ là nhận định sơ bộ và khi có đầy đủ dữ liệu thì giá trị của thị trường vũ khí năm 2010 có thể sẽ thay đổi. Con số được CAWAT đưa ra dựa trên những hợp đồng vũ khí đã được ký và đã lên thời gian biểu thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết thông tin về thị trường vũ khí năm 2010 đã được công bố, mặc dù vẫn còn một vài thỏa thuận mua bán vũ khí chưa được các bên thực hiện xác nhận. Dự kiến, con số chính xác của thị trường vũ khí năm 2010 sẽ được công bố trong tháng 7 hoặc 8-2011.

Căn cứ theo kinh nghiệm đã có, CAWAT nhận định giá trị chính xác của thị trường vũ khí bao giờ cũng thấp hơn so với con số dự đoán trước đó. Cụ thể, trong năm 2007, thị trường vũ khí thế giới dự đoán đạt mức 51,8 tỉ USD. Tuy nhiên, sau khi xác nhận lại, con số này chỉ là 47,9 tỉ USD, giảm 3,9 tỉ USD. Nguyên nhân của sự thay đổi này chủ yếu là do các bên thay đổi kế hoạch thực hiện hợp đồng.

Hình minh họa. Nguồn: fwnews.ru

Ông I. Korotchenko nhấn mạnh: “Giá trị chính xác của thị trường vũ khí năm 2010 có thể giảm từ 9 tới 10 tỉ USD, nhưng con số này chắc chắn sẽ vượt qua ngưỡng 60 tỉ USD”.

Theo ông I. Korotchenko, thị trường vũ khí năm 2010 tăng đột biến chủ yếu là do phần lớn các hợp đồng vũ khí giai đoạn 2008-2009 chuyển sang. Đa phần các hợp đồng nói trên đều được hoàn thành ngay trong năm 2010.

Căn cứ vào các đánh giá sơ bộ, đứng đầu danh sách các nước xuất khẩu vũ khí năm 2010 là Mỹ với 28,34 tỉ USD. Tiếp đó, vị trí thứ hai là Nga - 8,88 tỉ USD, nhưng đây chỉ là con số xuất khẩu vũ khí chính thức chưa bao gồm các hợp đồng sửa chữa, nâng cấp và xuất khẩu phụ tùng cho nước ngoài. Nếu tính đầy đủ, tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ tăng thêm từ 1 tới 1,2 tỉ USD và đạt mức 10 tỉ USD. Cũng cần nhấn mạnh rằng, 10 tỉ USD là giá trị xuất khẩu vũ khí chính thức đã được Cơ quan phụ trách hợp tác quốc phòng Liên bang Nga xác nhận.

Đứng vị trí tiếp đó trong danh sách các nước xuất khẩu vũ khí toàn cầu là Đức (6,26 tỉ USD), Anh  (3,98 tỉ USD), Italia (3,32) tỉ USD, Israel (3,22 tỉ USD), Thụy Điển (2,37 tỉ USD), Trung Quốc (1,87 tỉ USD) và Tây Ban Nha 1,56 tỉ USD.

Trong khi đó “khách hàng” chính của thị trường này là Australia (6,13 tỉ USD), Mỹ (4,88 tỉ USD,) Ấn Độ  (4,56 tỉ USD), Pakistan (3,79 tỉ USD), Iraq (3,39 tỉ USD), UAE  (3,27 tỉ USD,) Saudi Arabia (3,26 tỉ USD), Singapore (2,33 tỉ USD), Thổ Nhĩ Kỳ (2,19 tỉ USD) và Angiêri  2,16 tỉ USD.

Mặc dù thị trường vũ khí thế giới đã đạt con số kỷ lục trong năm 2010, nhưng trong thời gian sắp tới (2011-2013), thị trường sẽ dần giảm nhiệt. Nguyên nhân chính là do trong 3 năm qua tổng số các hợp đồng vũ khí được ký mới đã giảm mạnh.

Theo CAWAT, trong năm 2007, tổng giá trị của các hợp đồng vũ khí mới được ký đạt con số kỷ lục là 79,47 tỉ USD. Giai đoạn sau đó (2008-2010) do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khối lượng hợp đồng đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2008 chỉ còn 77,84 tỉ USD, năm 2009 - 63,04 tỉ USD và năm 2010 - 47,44 tỉ USD.

Ông I. Korotchenko khẳng định: “Đây là sự suy giảm đáng kể của thị trường và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào việc thực hiện các hợp đồng trung hạn trong vòng 2-3 năm tới”.

Người đứng đầu CAWAT nhận định rằng, một loạt các hợp đồng vũ khí lớn bao gồm thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia, gói thầu MMRCA của Ấn Độ trong năm 2011 sẽ không giúp cải thiện tình hình thị trường trong tương lai gần vì hầu hết chúng đều được thực hiện từ năm 2014 và thời gian sau đó. Như vậy, khả năng tăng trưởng trở lại của thị trường vũ khí toàn cầu sẽ xuất hiện không sớm trước năm 2014.

Tuấn Sơn (theo Rian)