QĐND Online - Tình hình chiến sự tại Lybia đã chứng minh sự cần thiết của các tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại trong biên chế quân đội các nước. Cùng với đó, sự kiện này có thể sẽ làm nhu cầu đặt mua các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn, tầm trung, tầm xa trên thế giới trong thời gian tới tăng mạnh. Thông tin trên đã được giám đốc Trung tâm phân tích thị trường vũ khí toàn cầu (CAWAT) Igor Korotchenko tuyên bố với hãng tin RIA Novosti.
Ông I. Korotchenko cho biết: “Sau sự kiện Lybia, trên cơ sở sự lựa chọn từ trước và nguồn tài chính hiện có của các quốc gia liên quan, phân khúc thị trường vũ khí phòng không tầm ngắn và tầm trung thế giới sẽ nóng lên đáng kể”.
 |
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M1. Ảnh: esacademic.com
|
Mới đây, CAWAT đã công bố dự đoán về phân khúc thị trường cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung trong năm 2010 đạt 1,833 tỉ USD, năm 2011 - 1,915 tỉ USD, năm 2012 – 2,189 tỉ USD và năm 2013 là 2,339 tỉ USD.
Vị lãnh đạo CAWAT cũng nhấn mạnh rằng, vì sự kiện Lybia và tình hình bất ổn tại khu vực Cận Đông, phân khúc thị trường vũ khí phòng không toàn cầu năm 2011 sẽ tăng thêm “vài” %. “Trong giai đoạn 2012-2013, thị phần này được dự đoán sẽ tăng khoảng 20-25%”, ông I. Korotchenko khẳng định.
Trong giai đoạn 2002-2009, phân khúc thị trường vũ khí phòng không toàn cầu theo tính toán của CAWAT đạt khoảng 17,832 tỉ USD, chiếm 6,1% tổng giá trị xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Ông I. Korotchenko nhận định, thị phần tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa cũng “nóng lên” qua sự kiện Lybia. Tuy nhiên, do giá thành cao và sức ỳ của thị phần, nhu cầu về dòng vũ khí phòng không này sẽ chỉ tăng trong các kế hoạch trung hạn (từ năm 2015 trở đi).
Trái ngược với các loại vũ khí phòng không khác, theo ông I. Korotchenko, thị phần tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) trong thời gian tới sẽ giảm đáng kể. “Có thể nhận thấy rằng, từ sự kiện Lybia và các cuộc xung đột ở quốc gia khác, MANPADS lưu trữ trong kho vũ khí có thể dễ dàng lọt vào tay phe nổi dậy và các nhóm khủng bố. Điều này sẽ là mối nguy cơ lớn đối với các máy bay quân sự, dân sự và trực thăng hoạt động trong khu vực xung đột”, vị giám đốc CAWAT nói.
Trước đây, Mỹ đã từng vận động tạo khung pháp lý cho việc hạn chế bán MANPADS trên thị trường vũ khí thế giới và tiêu hủy các MANPADS hiện có. Với những sự kiện đang xảy ra trên thế giới, các nhà lập pháp Mỹ có thể sẽ mạnh tay hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ lệnh cấm này có được quốc tế hóa thông qua các tổ chức quốc tế và Liên hợp quốc hay không?
Tuấn Sơn (theo Rian)