QĐND Online - Tổng giá trị phân khúc thị trường cung cấp máy bay thăng tấn công thế giới sẽ tăng gấp đôi trong vòng 4 năm tới và Nga vẫn giữ vững vị trí thứ 2 tại phân khúc thị trường này, đó là thông tin đã được RIA Novosti đăng tải dẫn theo lời giám đốc Trung tâm phân tích thị trường vũ khí toàn cầu (CAWAT) Igor Korotchenko.

“Trong 4 năm tới (2011-2014) sẽ có khoảng 221 trực thăng tấn công trị giá 12,357 tỉ USD được giao dịch trên toàn cầu. Con số này sẽ là chính xác nếu toàn bộ các hợp đồng, thỏa thuận và thời gian giao hàng loại vũ khí này được tiến hành đúng kế hoạch”, ông I. Korotchenko cho biết.

Trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow. Ảnh: defenseindustrydaily.com

Theo giám đốc CAWAT, phân khúc trực thăng tấn công trong thời gian tới sẽ có mức tăng trưởng rất đáng kể. Để so sánh, trong giai đoạn 2007-2010, tổng cộng đã có 166 máy bay trị giá 3,821 tỉ USD được giao dịch. Trong số đó, có 72 máy bay mới với tổng trị giá các hợp đồng đạt 3,562 tỉ USD.

“Trong giai đoạn 2011-2014, mức tăng trưởng của phân khúc thị trường cung cấp trực thăng tấn công thế giới sẽ tăng 306,9% về số lượng và 346,9% về giá trị hợp đồng so với 4 năm trước đó (2007-2010)”, ông I. Korotchenko nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2007-2010, mỗi năm phân khúc thị trường trực thăng tấn công chỉ đạt 18 máy bay/năm, nhưng tới giai đoạn 2011-2014, con số này sẽ lên tới 55 máy bay/năm.

Dẫn đầu thị phần cung cấp máy bay trực thăng tấn công thế giới giai đoạn 2007-2014 sẽ vẫn là Mỹ với 146 máy bay trị giá 12,342 tỉ USD. Trong giai đoạn 2007-2010, Mỹ đã xuất khẩu được 37 trực thăng AH-64 Apache trị giá 2,544 tỉ USD. Dự kiến, trong giai đoạn 2011-2014, cường quốc xuất khẩu vũ khí này sẽ bán được thêm 109 máy bay trực thăng theo các hợp đồng trị giá 9,799 tỉ USD.

“Bất kể có biến động nào xảy ra tại thị phần vũ khí này đều không thể ảnh hưởng tới vị trí dẫn đầu của Mỹ trong vòng 4 năm tới”, ông I. Korotchenko nói.

Đứng sau Mỹ tại phân khúc thị trường này sẽ là Nga với 55 máy bay trị giá 1,237 tỉ USD. Trong giai đoạn 2007-2010, Nga mới chỉ xuất khẩu được 15 máy bay trị giá 271,8 triệu USD. Theo kế hoạch, trong giai đoạn tiếp theo (2011-2014), Nga sẽ có đơn đặt hàng xuất khẩu khoảng 44 trực thăng tấn công mới trị giá 965 triệu USD. Đây sẽ là con số chính xác nếu Nga nhận được hợp đồng xuất khẩu đầu tiên dòng máy bay trực thăng tấn công Mi-28N Night Hunter.

Đứng thứ 3 tại phân khúc thị trường này là Italia với 27 máy bay trị giá 618,5 triệu USD, thứ 4 là Pháp với 16 máy bay trị giá 716,4 triệu USD và thứ 5 là Trung Quốc với 4 máy bay trị giá 30 triệu USD.

Ngoài ra, thị phần trực thăng tấn công thế giới còn có “tiềm năng” tăng trưởng thêm thông qua các hợp đồng chưa được tính toán trong giai đoạn 2011-2014 với khoảng 41 máy bay mới trị giá 975 triệu USD.

Theo cách tính toán của CAWAT, phạm trù “mới” của các máy bay trực thăng tấn công được xuất khẩu là có giá không thấp hơn 10 triệu USD. Trong khi đó, các máy bay trực thăng đã qua sử dụng được nâng cấp và kéo dài tuổi thọ gần tương đương như máy bay mới sẽ chỉ có giá bằng 50% so mới máy bay mới cũng loại tại thời điểm đó.

Tuấn Sơn (theo Rian)