Tên lửa không đối không Adder. Ảnh: bharat-rakshak.com

Tên lửa không đối không là loại tên lửa có điều khiển được thiết kế để có thể phóng từ máy bay và mục tiêu chính là các máy bay của đối phương. Các tên lửa  không đối không thường được trang bị từ một đến vài động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hoặc lỏng với nguyên lý hoạt động theo cơ chế Ramjet, cho phép tên lửa bay với vận tốc siêu âm.

Căn cứ vào tầm hoạt động có thể chia các tên lửa không đối không làm hai loại. Loại có tầm hoạt động dưới 50km, đó là các tên lửa tầm ngắn dành cho không chiến trong tầm nhìn và cận chiến. Loại còn lại là các tên lửa không đối không tầm trung và xa (tầm hoạt động xa hơn 50km) phục vụ không chiến ngoài tầm nhìn.

Trong không chiến tầm ngắn, các tín hiệu hình ảnh và hồng ngoại của máy bay đối phương rất dễ bị phát hiện, nên các tên lửa tầm ngắn với đầu dò hồng ngoại (tầm nhiệt) và quang ảnh được ưu tiên sử dụng. Hầu hết các tên lửa không đối không tầm ngắn đều có góc phát hiện mục tiêu rất rộng, cho phép chúng dễ dàng phát hiện và khóa mục tiêu ở tầm gần. Tuy nhiên, các máy bay đối phương ngày nay cũng có nhiều phương pháp gây nhiễu và vô hiệu hóa các tên lửa không đối không tầm ngắn bằng “bẫy nhiệt”, làm nhiễu loạn đầu dò của tên lửa. Trong không chiến tầm xa, do các đầu dò hồng ngoại và quang ảnh không thể hoạt động hiệu quả ở tầm quá xa, các tên lửa không đối không tầm trung và xa thường sử dụng phương pháp dẫn đường bằng ra-đa, giúp tên lửa có thể tiếp cận và tiêu diệt mục tiêu là dẫn đường chủ động và bán chủ động.

Do sử dụng hệ thống dẫn đường bằng ra-đa, khi máy bay đối phương phát hiện mình đang bị “khóa”, chúng sẽ thực hiện nhiều phương thức gây nhiễu hoặc động tác bay phức tạp làm giảm khả năng tiêu diệt mục tiêu của tên lửa. Trong không chiến hiện đại, việc tiêu diệt đối phương bằng các tên lửa không đối không tầm trung và xa bị hạn chế. Để tiêu diệt mục tiêu, các tên lửa không đối không sử dụng các đầu nổ phá mảnh và đầu nổ tạo sóng xung kích và sóng nổ.

Hiện tại và trong tương lai gần, tên lửa không đối không vẫn là vũ khí chủ lực của lực lượng không quân chống lại các mục tiêu trên không của đối phương và là vũ khí rất hiệu quả trong các cuộc không chiến.

Tuấn Sơn