* Thụy Sĩ: Thực hiện mô hình “Toàn dân là lính”
Hiện nay, Thụy Sĩ đang xây dựng lực lượng vũ trang theo mô hình “Toàn dân là lính”, nghĩa là tập trung phát triển lực lượng bán quân sự, giảm đến mức thấp nhất sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thường trực. Lực lượng bán quân sự của Thụy Sĩ hiện có khoảng 42.500 quân, chiếm 0,57% tổng dân số. Thời bình sống trong dân, hằng năm được định kỳ tập trung huấn luyện quân sự.
* Pa-ki-xtan: Động viên doanh nghiệp tư nhân sản xuất quốc phòng
Pa-ki-xtan đang áp dụng các chính sách phù hợp và triển khai các biện pháp tích cực nhằm thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất quốc phòng. Các doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng quốc phòng được miễn giảm thuế sản xuất và thuế nhập khẩu nguyên liệu, được cung cấp vốn với lãi suất ưu đãi và phụ cấp đối với lao động sản xuất quốc phòng.
* Nhật Bản: Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng
Nhật Bản đã thành lập các Trung tâm Giáo dục quốc phòng tại các quân khu, địa phương để giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên, lực lượng bán quân sự. Trung tâm cũng là nơi nghiên cứu về các vấn đề quân sự, quốc phòng, hợp tác quốc tế về quân sự và chính sách giáo dục. Để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, ngoài việc tăng cường trang thiết bị, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, các trung tâm tập trung xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục phù hợp; tổ chức huấn luyện thực hành theo phương châm “khó hóa”, tức là nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường quân sự; tăng cường sát hạch, kiểm tra; tổ chức huấn luyện và tập bài tác chiến hiệp đồng sát với điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh hiện đại.
* I-xra-en: Giảm thời hạn phục vụ của quân nhân dự bị
I-xra-en có số quân nhân dự bị chiếm 6,4% tổng dân số (thời điểm 2004) và được huấn luyện bài bản, chu đáo. Những năm gần đây, quân đội I-xra-en đã triển khai hàng loạt các biện pháp cải cách, trong đó có việc giảm thời hạn phục vụ quân ngũ của quân nhân. Theo đó, số quân nhân dự bị sẽ được giảm thời hạn phục vụ quân ngũ từ 36 tháng xuống còn 20 tháng. Tuy nhiên, việc huấn luyện và trang bị vũ khí, thiết bị quân sự cho lực lượng dự bị ngày càng hiện đại hơn.
* Giáo dục quốc phòng trong các trường trung học ở Mỹ
Công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) trong các trường trung học ở Mỹ do các sĩ quan tại ngũ được quân đội cử đến thường trú tại các trường đảm nhiệm (1 người/trường). Với chức trách thực hiện kế hoạch GDQP, người sĩ quan này là thầy giáo môn GDQP. Mọi thiết bị cần thiết cho dạy học, các chế độ tiền lương, phúc lợi của người sĩ quan thường trú đều do Bộ Quốc phòng cung cấp, bảo đảm. Công việc của người sĩ quan này do nhà trường và quân đội quản lý. Trọng điểm GDQP ở Mỹ là: Yêu đất nước, biết phục tùng, trọng đoàn thể, chịu cống hiến... Đặt vấn đề như vậy vì ở Mỹ rất nhiều người chỉ nói tự do, nhưng không lo phục tùng, không biết cống hiến… Các sĩ quan thường trú tại các trường có nhiệm vụ phải nói cho học sinh hiểu, phục tùng và cống hiến là tố chất cơ bản cần có của một con người hoàn chỉnh.
Đức Giang - Quốc An (Theo báo chí nước ngoài)