QĐND - Lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến với I-xra-en năm 1973 để chiếm lại bán đảo Xi-nai, ngày 8-8, quân đội Ai Cập đã tiến hành một vụ đột kích nhằm vào các mục tiêu bị nghi là nơi trú ẩn của các tay súng phiến quân trên bán đảo Xi-nai. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau vụ tấn công đẫm máu của “những kẻ thánh chiến” khiến 16 lính biên phòng Ai Cập thiệt mạng.

Quân đội Ai Cập bao vây làng Tu-ma, nơi ẩn náu của các tay súng. Ảnh: AFP

Vụ đột kích diễn ra chỉ vài giờ sau khi các tay súng Hồi giáo cực đoan tại thành phố En A-ri-sơ, thuộc bán đảo Xi-nai, cách biên giới I-xra-en khoảng 50km, tấn công 3 chốt kiểm soát an ninh, làm 6 người bị thương, chủ yếu là các sĩ quan an ninh và binh sĩ. Phương tiện thông tin đại chúng Ai Cập đưa tin, máy bay lên thẳng Apache của quân đội nước này đã không kích các mục tiêu ở làng Tu-ma, nơi các tay súng ẩn náu, trong khi khoảng hơn 100 binh sĩ thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 bao vây ngôi làng. Hãng thông tấn chính thức của Ai Cập MENA cho hay, các tay súng đã chống trả bằng rốc-két, đạn pháo và súng hạng nặng nhằm vào máy bay của quân đội. Một quan chức quân sự giấu tên tại Xi-nai xác nhận, 20 tay súng đã bị tiêu diệt và một số tên khác bị thương trong cuộc đột kích này.

Phản ứng trước vụ không kích này, một quan chức quốc phòng của I-xra-en bày tỏ sự hoan nghênh đối với hành động quyết liệt của quân đội Ai Cập nhằm tiêu diệt các phiến quân trên bán đảo Xi-nai.

 Chính phủ Ai Cập đang chịu sức ép nặng nề từ Mỹ và I-xra-en trong những nỗ lực nhằm chấm dứt các hoạt động của các tay súng phiến quân trên bán đảo Xi-nai vốn ngày càng trở nên hỗn loạn và đầy bạo lực. Trước đó, đêm 5-8 vừa qua, "những kẻ thánh chiến" đã tiến hành vụ tấn công đẫm máu nhằm vào một chốt kiểm tra tại khu vực Bắc Xi-nai, khiến ít nhất 16 lính biên phòng thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Chính phủ Ai Cập đã phải ra lệnh đóng cửa khẩu Ra-pha giáp giới dải Ga-da, đồng nghĩa với việc cắt đứt con đường duy nhất ra bên ngoài của người Pa-le-xtin tại khu vực này vào thời điểm đang diễn ra tháng lễ Ra-ma-đan.

Vụ tấn công ngày 5-8 đã tạo ra sức ép lớn đối với tân Tổng thống Ai Cập Mô-ha-mét Mơ-xi (Mohammed Morsi). Tổ chức Anh em Hồi giáo, khối chính trị có ảnh hưởng nhất ở Ai Cập mà ông Mơ-xi là thành viên, đã cáo buộc Cơ quan tình báo I-xra-en đứng đằng sau vụ tấn công ở Xi-nai nhằm mục đích “gây khó dễ” cho ông Mơ-xi và thậm chí cho rằng, giờ đã đến lúc phải xem xét lại các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình giữa Ai Cập và I-xra-en ký năm 1979. Điều này đi ngược với chủ trương hòa đàm với I-xra-en của ông Mơ-xi kể từ khi ông này lên nhậm chức. Trong khi đó, chính quyền Ten A-víp đã phủ nhận cáo buộc của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu (B. Netanyahu) nhấn mạnh, I-xra-en và Ai Cập có chung lợi ích trong việc bảo đảm an ninh tại khu vực biên giới.

Khó có thể đoán định ông Mơ-xi sẽ hành xử ra sao trước áp lực ngoài nước và trong nước. Nếu quay lưng lại với I-xra-en, Ai Cập cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm một sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, vốn vẫn được cho là đồng minh của Ai Cập. Nhưng nếu chống lại lực lượng Hamas ở Ga-da, ông Mơ-xi sẽ tự làm khó mình trong mối quan hệ với liên minh cầm quyền mà Tổ chức anh em Hồi giáo đang giữ vai trò then chốt.

 BÌNH NGUYÊN