QĐND - Sau vụ khủng bố đẫm máu đêm 13-11 tại Pa-ri, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) một lần nữa xác nhận Pháp sẽ điều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle R91 "đến tận sào huyệt" của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng...  

Trả lời truyền thông sau vụ khủng bố đẫm máu tại Pa-ri hôm 13-11, Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ tuyên bố, Pháp sẽ tấn công IS không khoan nhượng trên mọi lãnh thổ. Tổng thống Ph.Ô-lăng-đơ cũng xác nhận sẽ điều tàu sân bay Charles de Gaulle R91 đến Xy-ri để đối phó với tổ chức khủng bố IS. Trước đó, trong một bài phát biểu hôm 5-11, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ cho biết, nước này đã điều tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle đến Trung Đông để hỗ trợ Mỹ đánh IS ở Xy-ri và I-rắc.

Tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp. Ảnh: Getty

Charles de Gaulle là tàu sân bay duy nhất của Hải quân Pháp hiện nay và là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất nằm ngoài nước Mỹ. Tàu sân bay Charles de Gaulle được hãng đóng tàu DCNS khởi công ngày 14-4-1989, hạ thủy ngày 7-5-1994 và chính thức bàn giao cho Hải quân Pháp năm 2000. Với lượng giãn nước lên tới 42.000 tấn khi đầy tải, Charles de Gaulle được xem là tàu sân bay hạt nhân lớn nhất đang hoạt động tại châu Âu, lớn thứ hai thế giới hiện nay.

Trong lịch sử hoạt động của mình, Charles de Gaulle đã từng được điều động tham chiến ở Áp-ga-ni-xtan năm 2001 và Li-bi năm 2011. Mới đây nhất, tàu Charles de Gaulle tham gia nhiệm vụ cùng liên quân quốc tế chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan IS tại I-rắc từ ngày 23-2 đến giữa tháng 4-2015. Trong 8 tuần chiến đấu tại vùng Vịnh, khoảng 20 máy bay chiến đấu trên tàu Charles de Gaulle thực hiện 10-15 lần xuất kích mỗi ngày.

Con tàu có chiều dài tổng thể 261,5m; chỗ rộng nhất 64,36m; mớn nước 9,43m; đường băng dài 196m và diện tích boong tàu 12.000m2. Tàu đi theo hướng thiết kế boong phóng máy bay của tàu sân bay Mỹ, không dùng kiểu nhảy cầu như tàu sân bay Anh hay Nga. Vì thế mà khi cần, các máy bay Mỹ cũng có thể cất hạ cánh trên Charles de Gaulle.

Charles de Gaulle được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân K15 công suất 30MW cung cấp năng lượng cho con tàu hoạt động liên tục 20-25 năm, tốc độ tối đa 50km/giờ. Thủy thủ đoàn của tàu gần 2.000 người (600 người thuộc không quân). Lượng lương thực trên tàu có thể đáp ứng cho thủy thủ đoàn trong 45 ngày, theo Le Figaro.

Đặc trưng của tàu sân bay Pháp là việc nó cũng được trang bị nhiều hệ thống điện tử hàng hải cực kỳ hiện đại không thua kém Mỹ, Nga. Tàu sân bay Charles de Gaulle còn được trang bị hệ thống phòng thủ khá mạnh mẽ, gồm: 32 tên lửa phòng không tầm ngắn-trung Aster 15; 12 tên lửa phòng không tầm thấp Mistral và 8 pháo 20mm. Tàu Charles de Gaulle có thể chở theo 550 tấn vũ khí và 3.400 tấn nhiên liệu. Tàu có hệ thống CMS Model 8 có khả năng theo dõi 2.000 mục tiêu trên không, trên biển và trên bờ cùng lúc, theo Global Security.

Charles de Gaulle có thể chở từ 35-40 máy bay, mỗi ngày thực hiện khoảng 100 lần cất cánh. Tàu có 2 máy phóng giúp các loại máy bay như Rafale, Hawkeye hay Super Etendard tăng tốc lên 300km/giờ chỉ trong khoảng cách chạy đà 75m. Mỗi máy bay có thể xuất phát cách nhau 30 giây và đường băng có thể tiếp nhận 20 máy bay hạ cánh chỉ trong 12 phút. Đội bay thường trực trên tàu gồm: 12 chiến đấu cơ Rafale, 9 chiếc Super Etendard, 2 máy bay do thám Hawkeye, 2 trực thăng chiến đấu Dauphin và 1 trực thăng Alouette.

Hiện nay, lực lượng Hải quân Pháp không có trong trang bị tên lửa hành trình đối đất tầm siêu xa Tomahawk hay một loại vũ khí tương tự được mang trên tàu chiến. Vì vậy, nếu Pháp quyết tâm cùng Mỹ “xóa sổ” IS, họ chỉ có thể hy vọng vào lực lượng không quân. Lực lượng máy bay trên tàu chiến lớn nhất nước Pháp sẽ là “vũ khí chủ lực” giội bom, tên lửa vào các mục tiêu của IS trên lãnh thổ Xy-ri.

Tàu sân bay Charles de Gaulle chở theo các máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4 Rafale-M và cường kích Super Etendard có khả năng mang vũ khí chính xác cao để thực hiện cuộc tấn công. Trong đó, tiêm kích Rafale M có khả năng mang được 2 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Storm Shadow với tầm bắn tới 500km. Storm Shadow lắp đầu nổ nặng 450kg cho phép xuyên phá boong ke, công sự phòng ngự kiên cố nhất. Ngoài Storm Shadow, Rafale M còn mang tổng cộng 6 quả tên lửa không đối đất AASM có tầm phóng 15km ở độ cao thấp hoặc 55km ở độ cao lớn, độ chính xác rất cao với bán kính lệch mục tiêu 1-10m tùy biến thể. Ngoài Rafale M, Không quân Hải quân Pháp có thể điều máy bay cường kích Super Etendard để thực hiện các cuộc không kích IS trên lãnh thổ Xy-ri. Super Etendard có thể mang bom hàng không có điều khiển và tên lửa đối đất AS-30L có tầm bắn xa 11km, lắp đầu đạn nặng 240kg.

Đội tàu hộ tống tàu sân bay Charles de Gaulle gồm một tàu khu trục phòng không, một tàu khu trục chống ngầm, một tàu tiếp dầu, một tàu khu trục của Anh, một tàu ngầm hạt nhân tấn công; nhiều tàu của các nước khác có thể tham gia đội hộ tống. Trong đó, tàu khu trục phòng không Chevalier Paul (D621) là tàu chiến tên lửa lớn nhất Hải quân Pháp với lượng giãn nước hơn 7.000 tấn. Tuy có kích cỡ lớn nhưng Chevalier Paul (D621) chỉ tham gia ở nhiệm vụ bảo vệ hạm đội trên mặt biển chống mục tiêu đường không bằng tên lửa đánh chặn tầm trung Aster 15 và tầm xa Aster 30.

Theo Russia Today, tàu sân bay Charles de Gaulle sẽ bắt đầu khởi hành từ Pháp vào ngày 18-11, trung tuần tháng 12 sẽ đến vịnh Ba Tư (Persian) để tham gia không kích. Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ cho biết, việc điều tàu sân bay đến vịnh Ba Tư là nhằm mục đích nâng cao hiệu quả phối hợp với đồng minh để tấn công IS. “Các đơn vị chiến đấu trên tàu sân bay Charles de Gaulle sẽ tham gia vào các hoạt động chống lại Daesch và các nhóm liên kết”, tuyên bố được Tổng thống Pháp đưa ra sau cuộc họp của các quan chức quốc phòng. Daesch là cách gọi IS theo phiên âm A-rập. Hiện tại, Pháp đang sử dụng 6 máy bay Rafale bố trí ở Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất và 6 chiếc tiêm kích đa nhiệm Mirage-2000 bố trí tại Gioóc-đa-ni để tiến hành các hành động tấn công IS.

Tuyên bố về kế hoạch điều tàu sân bay đến vịnh Ba Tư để tấn công IS của Tổng thống Pháp được coi là hành động đáp trả đầu tiên của Pa-ri nhằm vào phiến quân Hồi giáo IS. Trước đó, lực lượng này đã lên tiếng nhận trách nhiệm khủng bố liên hoàn đẫm máu ở thủ đô Pa-ri.

NGỌC HÀ