Trong lúc Mỹ triển khai chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương, quân đội Mỹ cũng đang cân nhắc việc đặt chân trở lại một số căn cứ ở Đông Nam Á, tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn số ra ngày 23-6 viết...
QĐND - Trong lúc Mỹ triển khai chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương, quân đội Mỹ cũng đang cân nhắc việc đặt chân trở lại một số căn cứ ở Đông Nam Á, tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn số ra ngày 23-6 viết.
Trong những tuần gần đây, Mỹ đẩy nhanh các cuộc đàm phán với chính quyền Thái Lan về việc thành lập một trung tâm cứu hộ tại sân bay quân sự U-Tapao, cách thủ đô Băng Cốc 140km về phía nam. Quân đội Mỹ từng xây đường băng sân bay U-Tapao và triển khai máy bay ném bom B-52 trong thập niên 1960 và 1970. Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Phi-líp-pin tuyên bố sẵn sàng cho phép Mỹ đưa quân, tàu chiến, máy bay... đến các cơ sở quân sự cũ mà Mỹ từng hiện diện.
Theo tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn, các quan chức Lầu Năm Góc cũng tiết lộ hải quân Mỹ muốn tiếp cận các hải cảng Thái Lan. Hải quân Mỹ đang chuẩn bị triển khai bốn tàu chiến gần bờ (LCS) đến Xin-ga-po và có ý định luân phiên đưa chúng đến Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng đang xem xét khả năng thực hiện các chuyến bay giám sát không lưu từ Thái Lan, Phi-líp-pin và Ô-xtrây-li-a. Lầu Năm Góc nhấn mạnh, một trong những ưu tiên của Oa-sinh-tơn là cải thiện khả năng giám sát các tuyến hàng hải thương mại và quân sự ở Đông Nam Á cũng như Ấn Độ Dương. Trong khi đó, báo chí Phi-líp-pin đưa tin, Mỹ cũng muốn quay trở lại các căn cứ cũ ở Phi-líp-pin như căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân ở vịnh Xu-bích.
Các quan chức Mỹ cho biết, Oa-sinh-tơn không có ý định đóng quân lâu dài tại các căn cứ cũ này hay xây dựng căn cứ mới. Thay vào đó, quân đội Mỹ muốn hoạt động ở các căn cứ này với tư cách khách mời, theo dạng luân chuyển. “Tôi không mang theo một chiếc ba lô chất đầy cờ Mỹ và chạy quanh thế giới để cắm chúng. Chúng tôi muốn hợp tác với những quốc gia ở đó và có sự hiện diện luân phiên vốn cho phép chúng tôi xây dựng những năng lực chung để phục vụ những lợi ích chung”, tướng M.Đem-xây (M.Dempsey) Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, phát biểu với các phóng viên sau khi trở về từ các chuyến thăm Thái Lan, Phi-líp-pin và Xin-ga-po trong tháng này.
Chính quyền Mỹ đã phủ nhận việc chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Các quan chức Mỹ nói, mục tiêu hàng đầu của họ ở châu Á là duy trì sự ổn định bằng cách bảo đảm quyền tự do hàng hải và giao thương với những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, gồm cả Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, cũng cần thời gian để xem mục tiêu thực sự của chiến lược mà Mỹ đang triển khai.
TƯỜNG ANH