QĐND - Ngày 21-5, đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cuộc gặp với các đại diện của Công ty Northrop Grumman và tổ hợp công nghiệp quốc phòng nhằm thảo luận về tương lai chế tạo và mua máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới NGB (Next Generation Bomber), theo hãng tin Roi-tơ. Dự kiến, Mỹ sẽ chi từ 40 đến 50 tỷ USD dành cho toàn bộ chương trình chế tạo và mua máy bay ném bom mới.

Chương trình phát triển NGB bắt đầu vào năm 2007, đã được thực hiện đến giữa năm 2009 rồi ngừng lại, khi Lầu Năm Góc tuyên bố về dự định kéo dài thời gian phục vụ của những máy bay ném bom B-1B, B-52 và B-2 hiện có cũng như ngừng cung cấp tài chính cho chương trình chế tạo NGB. Quyết định khôi phục dự án NGB đã được thông qua vào đầu năm 2011. Hiện vẫn chưa rõ công ty nào sẽ chịu trách nhiệm thực hiện dự án NGB mới được nối lại này.

Thiết kế NGB của Northrop Grumman. Ảnh: AP

Các chuyên gia quân sự cho rằng, NGB được coi là một trong những loại vũ khí tác chiến đường không tối tân được sản xuất với ý định có thể thâm nhập khu vực phòng không của đối phương. Khi đến thăm chính thức Bắc Kinh vào tháng 1-2011, Bộ trưởng Quốc phòng R. Ghết (R. Gates) nói rằng, Mỹ quan ngại với loại tiêm kích mới J-20 và hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu chiến DF-21D của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn nói rõ, tình báo Mỹ đã đánh giá không đúng sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Để củng cố sức mạnh quân sự của Mỹ, ông Ghết cho biết ngân sách quốc phòng năm 2012 sẽ có khoản dành riêng cho việc thiết kế loại máy bay ném bom tầm xa. Lực lượng Mỹ hiện nay có khoảng 160 máy bay B-1, B-2, B-52 được trang bị các loại bom và tên lửa dẫn đường là những nhân tố chính trong kế hoạch tác chiến tại Thái Bình Dương của Mỹ. Tuy nhiên, trong số các máy bay trên, chỉ có B-2 (20 chiếc) có khả năng tránh được các ra-đa của Trung Quốc; còn B-1 và B-52 có thể bị máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không của Trung Quốc “sờ gáy”. Do đó, loại máy bay ném bom thế hệ mới có thể sẽ thay thế một số máy bay B-1 và B-52, tạo thành một lực lượng tác chiến tầm xa có khả năng sống sót cao hơn.

Bộ Quốc phòng Mỹ dự định mua NGB với giá cao nhất là 550 triệu USD mỗi chiếc. Không quân Mỹ cần nhận được từ 80 đến 100 chiếc máy bay ném bom thế hệ mới. Chúng sẽ thay thế hoàn toàn cho 66 máy bay ném bom B-1B Lancer, 20 chiếc B-2 Spirit và 85 chiếc B-52 Stratofortress đang trong trang bị. Kinh phí của dự án NGB sẽ được bắt đầu chi vào năm 2012. Nhìn chung trong 5 năm tới, số tiền trị giá 3,7 tỷ USD sẽ được chi cho dự án này.

Hãng Roi-tơ cũng cho hay, công việc liên quan đến máy bay cũng như những đặc điểm kỹ thuật của máy bay sẽ hoàn toàn được giữ bí mật, tuy nhiên kinh phí của dự án sẽ được tiếp cận công khai. Theo những thông báo chính thức thì máy bay có khả năng chọc thủng hệ thống phòng không của kẻ địch và mang vũ khí hạt nhân. Còn theo tính toán của các chuyên gia quân sự, máy bay ném bom mới thuộc loại hạng trung, tốc độ cao nhất không vượt vận tốc âm thanh. Bay dưới vận tốc âm thanh là sự lựa chọn hợp lý. Bởi vận tốc này tiết kiệm nhiên liệu tốt nhất. Đồng thời tiết kiệm chi phí cho các khảo sát, nghiên cứu khoa học nếu đòi hỏi máy bay phải bay vượt vận tốc âm thanh. Với dự án NGB, ngoài yêu cầu về tốc độ, nó còn phải có tính năng "tàng hình", quần đảo nhanh trên mục tiêu, phóng tên lửa đạn đạo và ném bom hạt nhân (tổng trọng lượng từ 6 đến 12 tấn). Ngoài ra, loại máy bay này còn phải có tầm bay 9,5 nghìn ki-lô-mét và thời gian hoạt động trên không phận của đối phương (chế độ không người lái) từ 50 đến 100 giờ.

Dự kiến, máy bay mới sẽ được đưa vào trang bị trong năm 2018. Máy bay ném bom sẽ trở thành mắt xích trung gian tiến tới phát triển máy bay siêu thanh mới - “2037 Bomber” mà việc chế tạo vẫn chưa được bắt đầu. Tham gia dự án NGB có các công ty Northrop Grumman, Boeing và Lockheed Martin. Theo một số thông tin, những công ty này cũng đã nhận được 1 tỷ USD để phát triển công nghệ chế tạo máy bay.

Việt Anh