QĐND Online - Lầu Năm góc vừa gửi đề xuất hợp tác cùng Ấn Độ sản xuất đạn tên lửa diệt tăng vác vai FGM-148 Javelin. Trang tin quân sự Defense News dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đăng tải ngày 4-10 cho biết, đề xuất trên là bước tiến mang tính đột phá trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Delhi và Washington.

Hiện tại, thỏa thuận cung cung cấp tên lửa Javelin giữa Mỹ và Ấn Độ mới chỉ ở giai đoạn sơ bộ và chưa hề có ghi nhớ về khả năng thực hiện hợp đồng chính thức. Theo thông tin từ Lầu Năm góc, Mỹ có thể cung cấp cho Ấn Độ khoảng 6.000 đạn tên lửa Javelin và việc bàn giao phải hoàn thành trong một năm sau khi hợp đồng được ký kết.

Tên lửa Javelin.

Phía Mỹ yêu cầu trước khi cân nhắc hợp tác chế tạo tên lửa Javelin tại lãnh thổ Ấn Độ, hợp đồng trên phải có hiệu lực và việc hợp tác sản xuất phải được thực hiện theo một hợp đồng riêng rẽ căn cứ vào năng lực của Ấn Độ. Trong khi đó, Delhi tỏ ra không hài lòng với hợp đồng chỉ cung cấp tên lửa Javelin mà không kèm chuyển giao công nghệ.

Được thiết kế để tiêu diệt các phương tiện bọc thép, xe tăng và mục tiêu bay thấp của đối phương, FGM-148 Javelin là dòng tên lửa chống tăng vác vai tự dẫn có khả năng tấn công mục tiêu từ phía trên (nơi thường được bọc giáp mỏng nhất) hay bắn thẳng để tiêu diệt đối phương trong công sự kiên cố. Với đầu dò hồng ngoại, tầm bắn của tên lửa Javelin là từ 50-2.500m và tốc độ bay của tên lửa khoảng 290m/s.

Quân đội Ấn Độ hiện cần khoảng 20.000 đạn tên lửa chống tăng mới. Trong những năm qua, Ấn Độ cũng rất tích cực tìm mua loại vũ khí này trên thị trường thế giới, nhưng đều không thành công.

Mới đây nhất, năm 2007, Ấn Độ và Israel đã thỏa thuận cung cấp đạn tên lửa chống tăng Spike. Tới năm 2011, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố sẽ mua 8356 đạn tên lửa Spike, 15 đạn huấn luyện và 321 cơ cấu phóng trị giá 1 tỷ USD, nhưng thỏa thuận này sau đó đã bị hủy. Tên lửa chống tăng chủ lực của Ấn Độ hiện là tổ hợp Milan của Pháp và Konkurs của Nga.

Cùng với việc mua sản phẩm từ nước ngoài, Cơ quan Nghiên cứu và thực nghiệm quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cũng băt tay vào tên lửa chống tăng nội địa Nag (nặng 16kg). Chương trình này dự kiến kéo dài trong 25 năm và chưa xác định thời điểm chính xác Nag được cung cấp cho quân đội Ấn Độ.

TUẤN SƠN (theo Defense News)