QĐND Online - Bộ Quốc phòng Mỹ và hãng Lockheed Martin đã ký hợp đồng về việc chuyển giao lô máy bay F-35 Lightning II thứ tư được sản xuất theo quy mô hạn chế (LRIP 4) trị giá khoảng 5 tỉ USD. Theo hợp đồng đã ký, Lockheed Martin phải có trách nhiệm chuyển giao 30 chiến đấu cơ F-35 cho quân đội Mỹ và 1 máy bay loại này cho quân đội Anh. Ngoài ra, trong LRIP 4 cũng tính tới khả năng sản xuất bổ sung thêm 1 chiến đấu cơ F-35 nữa cho Hà Lan.

Theo Bloomberg, hợp đồng mua các chiến đấu cơ F-35 nói trên là động thái bất thường của Lầu Năm góc và Lockheed Martin. Hợp đồng được ký theo phương thức định giá trước cho sản phẩm. Như vậy, trong trường hợp phát sinh chi thêm chi phí trong quá trình sản xuất hoặc các khoản chi bổ sung khi thực hiện hợp đồng, phía Lockheed Martin sẽ phải tự bù vào nguồn kinh phí còn thiếu.

Thông thường, công ty Mỹ ký các hợp đồng quân sự theo phương thức “kèm các chi phí phụ trội” để phòng trước khả năng quá trình sản xuất phát sinh thêm các chi phí bổ sung.

Chiến đấu cơ F-35A Lightning II. Ảnh: jsf.mil

Trong khuôn khổ LRIP 4, Lockheed Martin sẽ phải chuyển giao cho bên đặt hàng các phiên bản F-35A (cất cánh thông thường), F-35B (cất, hạ cánh đường băng ngắn và thẳng đứng) và F-35C (hải quân). Tuy nhiên, phiên bản nào của F-35 sẽ được bàn giao cho từng khách hàng hiện vẫn chưa được xác định. Theo các nguồn tin đáng tin cậy, Anh có thể sẽ nhận 1 chiến đấu cơ F-35B. Sau khi hợp đồng mới nhất được ký, tổng cộng sẽ có khoảng 63 máy bay F-35 được sản xuất theo quy mô hạn chế (LRIP).

Tuy giá của máy bay F-35 thuộc LRIP 4 không được tiết lộ, nhưng đại diện của Lầu Năm góc, ông Cheryl Irwin cho biết, giá của dòng chiến đấu cơ này sẽ không thấp hơn so với giá đã thành đã công bố đầu năm 2010. Tháng 3-2010, Lầu Năm góc đã tính toán giá thành của mỗi máy bay F-35 là khoảng 113 triệu USD/ máy bay. Với mức giá nói trên, 30 máy bay F-35 mà quân đội Mỹ dự kiến đặt mua trong LRIP 4 vào khoảng 3,3 tỉ USD. Theo Lockheed Martin, số tiền còn lại của hợp đồng sẽ dành để phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng máy bay và mua các trang thiết bị cần thiết phục vụ quá trình sản xuất dòng máy bay này.

LRIP (Low-Rate Initital Production-sản xuất ở quy mô hạn chế) ở Mỹ là việc sản xuất và cung cấp sản phẩm trước theo yêu cầu của các khách hàng chính. Điển hình của trường hợp này là việc sản xuất F-35 trước cho không quân Mỹ. Bắt đầu LRIP cũng đồng nghĩa với việc kết thúc quá trình phát triển sản phẩm. Tất cả các máy bay F-35, sản xuất theo LRIP, sẽ được không quân Mỹ sử dụng trong quá trình thử nghiệm bổ sung, trong đó có cả các bài thử nghiệm thực chiến.

Hiện tại, quá trình phát triển máy bay F-35 được coi là dự án quân sự tốn kém nhất của Mỹ. Tính từ năm 2002 tới nay, tổng giá trị của dự án này đã tăng thêm 65%, lên mức 382,4 tỉ USD. Quá trình phát triển dòng máy bay “tàng hình” thế hệ 5 này đã chậm hơn so với kế hoạch 4 năm. Thậm chí, Lầu Năm góc đã tính tới khả năng yêu cầu Lockheed Martin phải chi bổ sung 614 triệu USD để đẩy nhanh tiến độ phát triển dự án F-35. Dự kiến, quá trình sản xuất quy mô công nghiệp của F-35 sẽ được bắt đầu từ năm 2016. Theo đó, Mỹ sẽ mua tổng cộng 2.473 máy bay loại này, trong khi đó các nước khác là 700.

Tuấn Sơn (theo Lenta)