QĐND Online - Trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas từ hôm 14-11 tới nay, phần lớn các vụ tấn công sử dụng đạn rocket, tên lửa, cối của Hamas đã không đạt được hiệu quả mong muốn như trước đây vì phần lớn chúng đã không thể "chạm tới mục tiêu" do bị tổ hợp phòng thủ tên lửa tối tân của Israel - Iron Dome, đánh chặn.

Với khoảng 1.000 đạn rocket được Hamas phóng vào lãnh thổ Israel, Iron Dome đã ngăn chặn thành công tới 90% đạn tên lửa và chỉ có 3 người Israel thiệt mạng. Đặc biệt, ngày 16-11, Hamas đã phóng tới 170 đạn rocket, nhưng đều bị ngăn chặn.

Vì liên tục bị tấn công bằng tên lửa, rocket và đạn cối cỡ lớn, từ năm 2007, Israel đã bắt tay vào phát triển tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm ngắn mới để đối phó. Chương trình này ban đầu mang tên Anti-Qassam, rồi Golden Dome và cuối cùng là Iron Dome do hãng chế tạo Rafael làm nhà thầu chính. Sau đó, Iron Dome liên tục được hoàn thiện và thử nghiệm trong giai đoạn 2008-2009. Tới năm 2011, Iron Dome chính thức được tiếp nhận và tới ngày 7-4-2011, tổ hợp tên lửa đánh chặn này đã chứng minh hiệu quả khi một đơn vị triển khai gần Ashkelon đã ngăn chặn thành công đạn tên lửa do Hamas phóng tới từ Dải Gaza.

Đạn tên lửa và rocket của Hamas có tầm bắn bao phủ miền Bắc Israel.

Ngoài nguồn lực của Israel, quá trình phát triển Iron Dome còn nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ Mỹ. Tháng 5-2010, chính quyền Mỹ đã thông qua gói tài chính trị giá 250 triệu USD hỗ trợ phát triển Iron Dome và gần đây là tháng 7-2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh thành lập quỹ hỗ trợ phát triển Iron Dome trị giá ban đầu là 70 triệu USD.

Theo thiết kế, Iron Dome có đủ khả năng tiêu diệt các dòng tên lửa, rocket, đạn cối cỡ 155mm trong phạm vi 70km. Đại diện hãng Rafael tuyên bố, Iron Dome có xác suất bắn trúng đạt tới 80%; hoạt động trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết; theo dõi, dẫn bắn nhiều mục tiêu cùng lúc.

Về cơ bản, một tổ hợp Iron Dome gồm:

- Trạm ra-đa phát hiện và theo dõi mục tiêu do hãng Elta (Israel) phát triển.

- Trạm điều khiển và kiểm soát vũ khí (BMC) do mPrest Systems thiết kế công nghệ lõi và phần cứng của trạm là do hãng Rafael chế tạo.

- 3 bệ phóng trang bị đạn tên lửa đánh chặn Tamir (20 đạn/bệ). Đạn tên lửa Tamir nặng 90kg trang bị đầu dò quang điện kết hợp với hệ thống cánh lái chuyên biệt giúp nó có tính cơ động rất cao trên không. Việc đánh chặn thường được thực hiện ở pha cuối của đạn, tên lửa đối phương phóng tới. Điểm đặc biệt của Iron Dome nằm ở việc tổ hợp vũ khí này có thể tính toán ra điểm rơi của tên lửa mục tiêu. Nếu tên lửa mục tiêu không hướng vào các khu dân cư, Iron Dome sẽ không kích hoạt tên lửa đánh chặn.

Là tổ hợp vũ khí phòng không phức hợp, Iron Dome là lá chắn tên lửa tầm thấp trong hệ thống phòng thủ tên lửa 3 tầng của Israel.

Với giá thành của mỗi tổ hợp Iron Dome khoảng 50 triệu USD, các chuyên gia quân sự Israel tính toán để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ nước này cần khoảng 13-15 tổ hợp Iron Dome. Tính tới thời điểm hiện tại, Israel đã triển khai được 5 tổ hợp vũ khí loại này và tổ hợp Iron Dome mới nhất (số 5) đã được nâng cấp lên chuẩn Block-2 cải thiện tầm bắn và hiệu quả đánh chặn.

Việc sử dụng đạn tên lửa Tamir giá 50.000 USD/đạn để chống lại các đạn tên lửa, rocket, đạn cối có giá trên dưới 1.000 USD/đạn nhìn thực tế không phải là phương án kinh tế có lợi. Tuy nhiên, về một số góc độ, thì Israel đã đạt được nhiều thành tựu khi Iron Dome chứng thực được khả năng thực chiến.

Xét về mặt kinh tế, hiện có nhiều phương án rẻ tiền hơn có thể thay thế cho Iron Dome như: Tổ hợp pháo phòng không C-RAM (20mm) hay Oerlikon Millennium (35mm)..., nhưng để giải quyết triệt để và hiệu quả nguy cơ bị tấn công từ các tên lửa cỡ nhỏ, Iron Dome là lựa chọn sáng suốt.

Do là vũ khí đánh chặn tầm thấp, nếu đối phương sử dụng đầu đạn sinh hóa, thì Iron Dome vô tình giúp phát tán chất độc ngay trên đầu mình. Đây cũng chính là "mâu thuẫn" trong chiến thuật chiến tranh và phát triển vũ khí.

TUẤN SƠN