QĐND - Chính phủ U-crai-na vừa thông qua Học thuyết quân sự mới, theo đó quy định U-crai-na là một quốc gia không tham gia bất kỳ khối hay liên minh quân sự nào. Học thuyết này chính thức có hiệu lực sau khi được Tổng thống nước này V.Y-a-nu-cô-vích (V.Yanukovich) phê chuẩn.
Văn kiện mới cũng quy định tính chất phòng thủ trong học thuyết quân sự của U-crai-na, đề ra các nguyên tắc để U-crai-na phát triển các lực lượng vũ trang và bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình mà không dựa vào sự giúp đỡ trực tiếp của mọi khối và mọi liên minh quân sự.
 |
Máy bay An-26 của Không quân U-crai-na. Ảnh: flick.com |
Trong học thuyết mới khẳng định, trên cơ sở tình hình quân sự-chính trị hiện nay, trong tương lai gần, U-crai-na không phải đối mặt với bất kỳ cuộc chiến tranh cục bộ hoặc khu vực nào. Trong trường hợp bị tấn công, U-crai-na sẽ cho cả thế giới biết khả năng phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm chống trả đến cùng và gây thiệt hại không thể dự đoán trước cho kẻ thù tiềm năng. Ngoài ra, chính phủ sẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ và “các quốc gia có ảnh hưởng” giúp đỡ.
Văn kiện này còn liệt kê những nguy cơ về quân sự và chính trị, kể cả khả năng sử dụng sức mạnh quân sự, đang tăng lên đối với U-crai-na, trong đó có những khuynh hướng ly khai trong nước, sự can thiệp vào công việc nội bộ của U-crai-na thông qua các biện pháp gây ảnh hưởng bằng thông tin-tuyên truyền, gây áp lực kinh tế, cấp viện trợ tài chính và nhân đạo cho một số lực lượng chính trị đối lập hoặc các tổ chức phi chính phủ chống đối, phong tỏa về kinh tế và thông tin nhằm chống U-crai-na, tiến hành hoạt động do thám-phá hoại, cung cấp vũ khí và chất nổ...
Việc thông qua Học thuyết quân sự mới đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng gia nhập NATO của U-crai-na mà cựu Tổng thống V.Y-u-sen-cô (V.Yushchenko) từng theo đuổi. Trước đó, kế hoạch đưa U-crai-na gia nhập NATO của chính quyền cựu Tổng thống Y-u-sen-cô đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga. Mát-xcơ-va cho rằng, việc mở rộng liên minh quân sự này về phía Đông, đặc biệt là tiến tới các nước sát biên giới nước Nga như U-crai-na, là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Nga. Trong trường hợp U-crai-na gia nhập NATO, nước này sẽ trở thành địa điểm để triển khai các đơn vị bộ binh, hải quân và không quân được trang bị vũ khí hạt nhân chiến lược và có độ chính xác cao. Đương nhiên đó là điều không thể chấp nhận đối với an ninh của Nga. Trong Học thuyết quân sự mới được Tổng thống Đ.Mét-vê-đép (D.Medvedev) ký ban hành ngày 5-2 vừa qua, Nga một lần nữa khẳng định quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu NATO tiếp tục kết nạp thêm U-crai-na.
Linh Oanh