QĐND - Chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma đang đe dọa sẽ phủ quyết dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2012 nếu trong đó còn chứa đựng những ngôn từ về việc ngân sách sẽ tiếp tục được rót để hồi sinh kế hoạch đã bị hủy bỏ nhằm phát triển động cơ F136 “General Electric” nằm trong dự án phát triển máy bay chiến đấu F-35. Nhà Trắng cứng rắn tuyên bố rằng, việc phát triển động cơ F136 là không cần thiết và ngốn tiền ngân sách của những lĩnh vực khác cần chi tiêu hơn.

Hiện nay, ngay cả các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cũng phải than rằng chi phí sản xuất máy bay chiến đấu F-35 là “không thể kham nổi” và “không thể chấp nhận được”. Họ đã kêu gọi xem xét lại toàn bộ dự án bất chấp dự án này đang có được những tiến bộ đáng kể. Thượng nghị sĩ Giôn Mắc-kên nói đã đến lúc phải tìm kiếm một giải pháp thay thế. “Những số liệu liên quan tới chương trình này thật sự đáng lo ngại. Không có bất cứ chương trình nào được phép tiếp tục với một "bản lý lịch" như vậy, nhất là trong tình hình tài chính của chúng ta hiện nay”, ông Mắc Kên nói.

Dự án chế tạo và sản xuất F-35, loại máy bay tiêm kích tấn công kết hợp, do hãng Lockheed Martin phát triển hiện đã trở thành dự án vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử Lầu Năm Góc. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ A-stôn Ca-tơn cho biết, chi phí dự định sản xuất mỗi chiếc F-35 đã đội lên gấp đôi kể từ khi dự án được thực hiện 10 năm trước. Theo ông Mắc Kên, chi phí ước tính ban đầu cho mỗi chiếc vào khoảng 69 triệu USD. Tính riêng chi phí cho công tác nghiên cứu, phát triển đã ngốn hết 51 tỷ USD, một con số được coi là “đáng sợ”. Ước tính tổng chi phí dành cho chương trình F-35 bao gồm thiết kế, sản xuất, mua, vận hành và sửa chữa máy bay sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Không chỉ là việc phát triển động cơ tối tân, các chương trình khác của dự án F-35 như bổ sung thêm hệ thống giảm khả năng phát hiện của ra-đa… ngốn bạc tỷ cũng gây nhiều tranh cãi. Dự án F-35 trở thành lý do khiến Lầu Năm Góc bị công kích vì cái gọi là “căn hóa chi tiêu” vô tội vạ kể từ sau vụ khủng bố 11-9-2001.

Xung quanh dự án F-35, vốn được cho là lựa chọn không thể thay thế và bảo đảm cho năng lực tấn công chính xác trong tương lai của quân đội Mỹ, ngày càng có nhiều tranh cãi. Tương lai của F-35 vẫn khó đoán biết vì mặc dù bị chỉ trích, nhưng F-35 lại được đánh giá là sẽ tạo đối trọng  với PAK F/A, loại máy bay tiêm kích thế hệ 5 của Nga. Ngoài ra, Trung tâm phân tích buôn bán vũ khí quốc tế (TSAMTO) của Nga nhận định, từ năm 2025, PAK F/A T-50 của Nga và F-35 của Mỹ sẽ là 2 sản phẩm cạnh tranh nhau trên thị trường máy bay chiến đấu đa năng hiện đại thế giới.

Tuy nhiên, F-35 có lợi thế cạnh tranh là đã “trình làng” sớm hơn so với T-50 của Nga. 13 chiếc F-35 đầu tiên đã được chế tạo và chuyển giao cho Không quân Mỹ, trong khi sau 5 đến 7 năm nữa, PAK F/A T-50 mới có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt. Nhưng F-35 lại có hạn chế vì hiện nay việc cung cấp loại máy bay này chỉ diễn ra trong khuôn khổ các nước tham gia chương trình F-35 cùng với Mỹ. Hơn nữa, không phải tất cả 9 nước tham gia chương trình F-35 đều sẽ mua F-35 hay mua với số lượng như họ đã tuyên bố ban đầu. Bởi một lẽ rằng, chương trình chế tạo và sản xuất F-35 quá tốn kém và đình đốn khá lâu so với tiến độ dự kiến.

PHƯƠNG NAM