QĐND - Ngày 11-5, Nhóm tác chiến Tàu sân bay George H.W. Bush mới nhất của hải quân Mỹ, cùng khoảng 6000 thủy thủ rời căn cứ Hải quân Norfolk lần đầu tiên triển khai thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở Địa Trung Hải và vịnh Péc-xích để hỗ trợ an ninh hàng hải. Nhóm tác chiến Tàu sân bay George H.W. Bush bao gồm tàu sân bay USS George H.W. Bush, Liên đội Không quân Hạm số 8, hai tàu khu trục USS Truxton và USS Mitscher và hai tàu tuần dương USS Gettysburg và USS Anzio. Nhóm tác chiến này sẽ thay thế Nhóm tác chiến Tàu sân bay Enterprise, hiện đang hoạt động tại biển A-rập.

Tàu sân bay USS George HW Bush. Ảnh: AP

 

Hiện Hải quân Mỹ vẫn đang có trong tay 11 chiếc tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đang hoạt động, hầu hết là tàu sân bay lớp Nimitz với trọng tải lên tới hơn 100.000 tấn. Những chiếc pháo đài nổi này đã trở thành xương sống của sức mạnh hải quân Mỹ từ sau chiến tranh thế giới II, thể hiện sức mạnh quân sự của Mỹ trên khắp thế giới trong những cuộc khủng hoảng và các cuộc xung đột ở Triều Tiên, I-rắc, Cô-xô-vô và Áp-ga-ni-xtan. Dù là nước sở hữu số lượng tàu sân bay nhiều hơn của tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại nhưng Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi việc sản xuất thêm những chiếc tàu sân bay để củng cố sức mạnh vượt trội của Hải quân nước này.

Những động thái của Mỹ càng làm cho cuộc đua đóng tàu sân bay trên thế giới trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, bất chấp những tranh cãi ngày càng tăng về giá thành, chi phí cũng như tính thích hợp của những chiếc tàu sân bay. Các lực lượng hải quân trên khắp thế giới vẫn tiếp tục bổ sung vào kho vũ khí của mình những chiếc tàu sân bay với tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Trong cuộc đua này có thể kể đến các cường quốc hải quân khác như Anh, Pháp và Nga. Ngoài ra, Bra-xin, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang nỗ lực chạy đua để kết nạp thêm tàu sân bay vào lực lượng quân đội của họ.

Pháp đang cân nhắc mua chiếc tàu sân bay hạt nhân thứ hai. Tây Ban Nha và I-ta-li-a vừa mới trình làng hai chiếc tàu sân bay mới. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang trong quá trình đại tu và nâng cấp những chiếc tàu sân bay. Ấn Độ cũng đang đóng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên của họ. Trong khi đó, Nga đang có kế hoạch hiện đại hóa tàu sân bay mang tên Đô đốc Kuznetsov vào năm tới để kéo dài thêm thời gian hoạt động đến sau năm 2030. Về phần mình, Bra-xin đã hoàn thành việc nâng cấp, trang bị mới cho chiếc tàu sân bay Foch mua lại của Pháp. Con tàu này giờ có tên mới là Sao Paolo và sẽ đóng vai trò là tàu đô đốc của Hải quân Bra-xin.

“Việc sở hữu tàu sân bay là để thể hiện sức mạnh”, Phó đô đốc Phi-líp Quanh-đrô (Philippe Coindreau) của Hải quân Pháp cho biết. Ông Li Uýt-lét (Lee Willett), một chuyên gia thuộc một tổ chức cố vấn ở thủ đô Luân Đôn, cho biết: “Trên khắp thế giới, có những lực lượng hải quân lớn và không lớn lắm đang nghiên cứu cách xây dựng sức mạnh không quân từ trên biển. Họ có thể không muốn trở thành những cường quốc trên toàn cầu nhưng chắc chắn muốn có sức mạnh nhất định trong khu vực”.

Tường Anh