QĐND - Ngành xuất khẩu vũ khí thế giới trong năm 2010 đã đạt được doanh thu hơn 71 tỷ USD, mức  kỷ lục kể từ sau Chiến tranh lạnh. Đài Tiếng nói nước Nga dẫn số liệu của Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới cho hay, với kim ngạch khoảng 10 tỷ USD Nga giữ vị trí thứ hai sau Mỹ.

Theo Giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới  I. Cô-rốt-chen-cô (I. Korotchenko),  máy bay chiến đấu Su-30 là mặt hàng đắt khách của Nga. Bên cạnh đó, các tàu ngầm đi-ê-den lớp Kilo, hải phòng hạm và chiến hạm các loại cũng được Nga xuất khẩu khá thành công. Ngoài ra, trong số mặt hàng của Nga được quan tâm còn có những ca-nô tên lửa nhỏ, sở hữu tiềm năng tấn công lớn trước trọng tải có hạn. “Tất nhiên cũng phải kể đến các tổ hợp phòng không, từ tầm ngắn như Tor, tầm trung như Buk đến tầm xa như S-300 PMU-1, S-300 PMU-2. Số lượng có nhu cầu mua đang vượt quá khả năng sản xuất của Nga”, ông I. Cô-rốt-chen-cô nói.

Máy bay chiến đấu Su-30 MK, một trong những mặt hàng đắt khách của Nga. Ảnh: airforce-technology.com

 

Chính bởi lý do này mà Tập đoàn Almaz-Altei sẽ thi công hai nhà máy mới để đáp ứng tối đa nhu cầu trong cũng như ngoài nước. “Các thiết bị phòng thủ tên lửa của Nga được quan tâm tích cực. Tuy S-300 chưa được cung cấp tới khu vực Trung Đông nhưng đã có loạt đơn đặt hàng. Theo tôi, S-300 có thể xuất hiện ở Xi-ri  và một loạt quốc gia Bắc Phi”, ông I. Cô-rốt-chen-cô nhận định.

Trong năm 2010, Ô-xtrây-li-a đã trở thành nước dẫn đầu về nhập khẩu vũ khí, với kim ngạch hơn 6 tỷ USD. Ông I. Cô-rốt-chen-cô cho rằng đây không phải là điều quá bất thường. “Ô-xtrây-li-a đang phát triển hải quân và không quân. Quốc gia này đang tích cực sắp đặt lại quan hệ với các đồng minh như: Niu Di-lân, Mỹ, Anh”. Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế không tác động trực tiếp đến ngành buôn bán vũ khí thế giới. Ví dụ như A-rập Xê-út và một số quốc gia vùng Vịnh khác vẫn tích cực mua vũ khí của Mỹ.

Anh Kiệt