QĐND Online - Theo Flightglobal, Brazil đang tiến hành phát triển dòng tên lửa siêu thanh nội địa có khả năng đạt tốc độ gần gấp 6 lần tốc độ âm thanh, tương đương 6.900 km/giờ. Mẫu tên lửa nói trên được phát triển dựa trên ý tưởng 14-X từ năm 2006. Brazil dự kiến sẽ cho ra mắt và tiến hành bay thử mẫu thử tên lửa siêu thanh mới sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng này vào năm 2013.
Trong tương lai, mẫu thử tên lửa siêu thanh mới của Brazil sẽ được sử dụng như mẫu thử thực nghiệm công nghệ. Nếu thành công, các công nghệ thu được sẽ được áp dụng lên các dòng tên lửa siêu thanh sau này của Brazil.
 |
Hình ảnh minh họa về mẫu thử 14-X. Ảnh: defesabr.com
|
Theo lời giám đốc chương trình 14-X Roberto Follador, thiết kế của dòng tên lửa này cho phép nó phóng vệ tinh lên quỹ đạo thấp của trái đất. Tên lửa 14-X dài 2 m và có đường kính thân là 0,8 m. Ông R. Follador nhấn mạnh, lợi thế của 14-X nằm ở khả năng bay với tốc độ siêu thanh và trọng lượng mang tải của nó. 14-X có thể chở theo khối lượng nặng bằng 15% tổng trọng lượng tên lửa, trong khi các dòng tên lửa khác, chỉ số này chỉ đạt 5%.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc tăng tỷ trọng mang tải của 14-X cũng đồng nghĩa với việc giảm khả năng mang theo oxygen nhiên liệu sử dụng cho các động cơ tên lửa.
Theo kế hoạch ban đầu, 14-X đã phải tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong gian đoạn 2011-2012, nhưng sau đó kế hoạch này đã bị lùi sang năm 2013. Như vậy, rất có khả năng, chuyến bay đầu tiên của 14-X sẽ bị hoãn thêm lần nữa.
Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của 14-X, Brazil dự kiến sử dụng tên lửa đẩy 2 tầng VSB-30 mang theo mẫu thử này. Theo đó, tầng động cơ thứ nhất của VSB-30 chở 14-X sẽ đạt tốc độ Mach 4 rồi khởi động tầng động cơ thứ 2. Khi tới độ cao 30,4 km, VSB-30 mang theo 14-X sẽ đạt tốc độ Mach 6. Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, cả 3 động cơ siêu thanh của 14-X đều không được khởi động.
Như vậy, trong chuyến bay thử đầu tiên, 14-X sẽ được kiểm tra tính năng khí động học, nhiệt độ của các động cơ ở tốc độ siêu thanh. Dự kiến, 14-X sẽ chỉ thực hiện chuyến bay “thực sự” đầu tiên khi hoàn thành 3 lần bay thử trên tên lửa đẩy VSB-30.
Tuấn Sơn (theo Lenta)