Giảm về lượng nhưng tăng về chất

Trong Niên giám 2020, SIPRI nhắc tới một điểm rất quan trọng: Mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân trong năm 2019 đã giảm nhưng các quốc gia đang tiếp tục đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ. Theo ước tính của SIPRI, tính đến đầu năm 2020, 8 cường quốc hạt nhân gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel cùng nhau sở hữu khoảng 13.400 vũ khí hạt nhân (Triều Tiên cũng là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, song do có quá ít thông tin nên số liệu mà SIPRI ước tính về lực lượng hạt nhân của Bình Nhưỡng không được cộng gộp vào tổng số). Con số này vào thời điểm đầu năm 2019 là 13.865. Như vậy, tổng lượng vũ khí hạt nhân mà các quốc gia sở hữu đã giảm khoảng 465 vũ khí trong năm vừa qua. Theo SIPRI, nguyên nhân khiến lượng vũ khí hạt nhân giảm chủ yếu do Mỹ và Nga-hai nước có tổng lượng vũ khí hạt nhân chiếm tới hơn 90% của thế giới, thực hiện các cam kết trong Hiệp ước Cắt giảm và Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), cũng như loại bỏ các đầu đạn cũ từ thời Chiến tranh lạnh. Đầu đạn hạt nhân của Mỹ đã giảm 385 và Nga giảm 125.

Dù lượng giảm nhưng chất lại tăng, bởi hai cường quốc này đều đang tiến hành các chương trình thay thế và hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân, tên lửa cũng như các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân với quy mô lớn và đắt đỏ. Các quốc gia khác tuy sở hữu kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhưng tất cả đều đang phát triển những hệ thống vũ khí mới hoặc đã tuyên bố ý định này. Trong khi Trung Quốc đầu tư phát triển “bộ ba hạt nhân” với khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân trên bộ, trên không và trên biển thì Ấn Độ và Pakistan lại đang tăng dần quy mô và sự đa dạng của các lực lượng hạt nhân. Triều Tiên-quốc gia vẫn được coi là một ẩn số về quy mô và tiềm năng hạt nhân-tiếp tục coi chương trình hạt nhân quân sự là thành tố trung tâm trong chiến lược an ninh quốc gia.

Cuốn Niên giám 2020 của SIPRI.

Bất ổn gia tăng

Cuốn niên giám mới nhất của SIPRI đánh giá năm vừa qua là một năm bất ổn gia tăng. Việc thực thi tuyên bố Mỹ-Triều tại Singapore gần như không đạt tiến triển khi lập trường của các bên còn quá khác biệt, đồng thời, Washington và Bình Nhưỡng luôn nghi kỵ lẫn nhau. Đó là chưa kể đến những leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa hai láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan đã có lúc tiềm ẩn nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ngoài ra, đáng chú ý là xu hướng đang ngày càng phổ biến về vai trò gia tăng của vũ khí hạt nhân khi việc thay đổi các học thuyết chiến lược (đặc biệt ở Mỹ) đã tạo cho vũ khí hạt nhân vai trò lớn hơn trong cả chiến lược quân sự lẫn đối thoại an ninh quốc gia.

Những báo cáo của SIPRI cũng cho thấy sự vắng bóng dần các hiệp ước, công ước quốc tế mà trước đây được coi như tấm chắn góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên toàn thế giới. Shannon Kile, Giám đốc Chương trình giải trừ vũ khí hạt nhân, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí của SIPRI nhận định, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thiếu vắng các cơ chế kiểm soát kho vũ khí hạt nhân, ngăn ngừa việc phổ biến rộng rãi loại vũ khí nguy hiểm này là một xu hướng đặc biệt đáng lo ngại. Cũng theo chuyên gia này, sự bế tắc về New START và sự sụp đổ của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã cho thấy kỷ nguyên của các hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương giữa Nga và Mỹ có thể sắp kết thúc, kéo theo đó là "bóng ma" của cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực hạt nhân đang dần rõ nét.

NGỌC HÂN