QĐND Online - Theo các báo cáo của một cơ quan thuộc Chính phủ Anh, việc Israel xuất khẩu vũ khí sang Pakistan và 4 quốc gia Ả-rập đang khiến dư luận hoài nghi về khả năng nhà nước Do Thái đang sử dụng các hợp đồng buôn bán vũ khí như một công cụ để thúc đẩy vấn đề ngoại giao giống như họ đã từng làm trong quá khứ.
Trong một bài bình luận trên tờ Jerusalem Post, nhà phân tích người Ấn Độ Alvite Singh Ningthoujam đã đưa ra cảnh báo rằng, doanh số bán vũ khí của Israel cho quốc gia Hồi giáo Pakistan cho thấy nhà nước Do Thái đang có nguy cơ sa vào một “vũng lầy ngoại giao” với Ấn Độ bởi đó là quốc gia thù địch với Pakistan, đồng thời cũng là một trong những khách hàng lớn nhất thường xuyên mua các hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự khác của Israel.
Mặc dù chính sách hiện nay của Ấn Độ là tập trung vào tự sản xuất các loại vũ khí trang bị nhưng phần lớn vẫn phải nhập khẩu. Đó chính là “mỏ vàng” mà Israel cần phải tận dụng. Nhưng nếu tình trạng “lén lút” xuất khẩu các sản phẩm quân sự cho Pakistan vẫn tiếp tục tồn tại, hiển nhiên Ấn Độ sẽ không thể “khoanh tay đứng nhìn”.
 |
Vũ khí, khí tài mà Israel "bị tình nghi" là bán cho một số nước, trong đó có Pakistan, có thể làm rạn nứt mối quan hệ quốc phòng lâu nay giữa 2 nước. Ảnh minh họa. Nguồn: redicecreations.com
|
Theo các số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 10% trên tổng số vũ khí nhập khẩu toàn cầu. Tổng số tiền nước này chi cho mục đích quân sự trong năm 2011 - trừ vũ khí hạt nhân – lên tới 44,2 tỷ USD.
Trong một báo cáo mới đây của BIS - một cơ quan giám sát an ninh các hoạt động xuất khẩu của Anh - cho biết nhiều vũ khí, khí tài của Israel (tất cả đều sử dụng các linh kiện do các công ty Anh cung cấp) đã được xuất khẩu sang Pakistan, Algeria, Ai Cập, UAE và Ma-rốc trong khoảng thời gian 2008-2012.
Các mặt hàng này bao gồm các tổ hợp ra-đa, các bộ thiết bị tác chiến điện tử, linh kiện của máy bay tiêm kích phản lực và các màn hình HUD (hiển thị thông tin trước mặt) trang bị cho buồng lái máy bay.
Cả Israel và Pakistan đều phủ nhận việc chính quyền Islamabad mua các trang bị quân sự của Israel. Trong bản danh sách các nước nhập khẩu vũ khí của Israel mà cơ quan này đã liệt kê, chỉ có Ai Cập là quốc gia duy nhất có quan hệ ngoại giao với chính quyền Jerusalem. Năm 1979, quốc gia này đã ký một hiệp ước hòa bình mang tính bước ngoặt với Israel, chấm dứt nhiều năm xung đột giữa hai nước.
Ông Ningthoujam cũng cho biết, trong lịch sử, Israel thường lợi dụng lĩnh vực quân sự như một công cụ để tạo dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia khác.
 |
Ấn Độ cũng quan tâm đến Iron Dome của Israel. Ảnh: upi.com
|
Đối với Ấn Độ, một bạn hàng lớn về vũ khí và các hệ thống phòng thủ tiên tiến của Israel, nếu việc nhà nước Do Thái đang lén lút bán trang bị quân sự cho Pakistan được xác minh là đúng thì nó có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn về ngoại giao và kinh tế.
New Delhi chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề trên. Nhưng theo ông Ningthoujam, nếu báo cáo đó được chứng minh là đúng, nó có thể làm rạn nứt mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Israel. Trong một thập kỷ qua, Ấn Độ đã bỏ ra 10 tỷ USD để mua vũ khí trang bị của Israel. Có nghĩa là quốc gia Trung Đông đang đứng trước nguy cơ mất đi một khách hàng tiềm năng và có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh số bán hàng trong tương lai.
Hiện tại, New Delhi đang lên kế hoạch chi 150 tỷ USD để nâng cấp lực lượng vũ trang trong thập kỷ tới, bao gồm cả tự sản xuất và nhập khẩu.
Trong những năm qua, Israel đã từng tham gia một số hợp đồng vũ khí lớn với Ấn Độ. Trong đó phải kể đến việc bán 3 chiếc máy bay cảnh báo sớm Phalcon của hãng Israel Aerospace Industries (IAI) với giá 1,1 tỷ USD vào năm 2004 và hợp đồng cung cấp 18 tổ hợp tên lửa đất-đối-không Spyder của Rafael vào năm 2009 với trị giá 1 tỷ USD.
Ấn Độ đang muốn mua hệ thống phòng thủ chống tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) nổi tiếng của Rafael, cũng như tổ hợp phòng thủ chống tên lửa đạn đạo Arrow-2 của IAI và Boeing.
HỮU ĐÔ (theo Space Daily)