QĐND - Lực lượng không quân chiến lược là một trong ba nền tảng trụ cột của sức mạnh quân sự Mỹ. Đó là tên lửa hạt nhân chiến lược, tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân và không quân chiến lược. Trong một dàn máy bay chiến đấu, tên lửa hiện đại mà Không quân chiến lược Mỹ sở hữu, B-52 là loại máy bay ném bom được đánh giá cao nhất với những thành tích “bất khả chiến bại” trong các cuộc chiến trên thế giới…, ngoại trừ ở Việt Nam.
 |
Máy bay ném bom B52 |
B-52 - “Con át chủ bài” của Lầu Năm Góc
B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa, rất nổi tiếng, do hãng Boeing nghiên cứu thử nghiệm sản xuất từ thập niên 1950. B-52 được mệnh danh là “Stratofortress” nghĩa là “pháo đài chiến lược” hay “pháo đài bay”.
Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, B-52 phát huy vai trò ném bom tầm thấp và khả năng rải thảm trấn áp đối phương, dọn đường cho những chiến dịch không kích rầm rộ của liên quân sau đó, khiến cho các lực lượng phòng không của đối phương không thể chống đỡ nổi. Các kiểu tấn công thông thường của B-52 hiệu quả hơn hẳn vì chúng kinh tế và vì chúng nhanh chóng làm mất tinh thần các lực lượng phòng thủ I-rắc.
B-52 cũng góp phần vào chiến thắng của Mỹ trong chiến dịch “Thực thi Tự do” tại Áp-ga-ni-xtan năm 2001, nhờ khả năng bay lâu trên chiến trường và hỗ trợ tấn công mặt đất qua việc sử dụng các vũ khí dẫn đường chính xác, một nhiệm vụ trước đây chỉ được giao cho máy bay tiêm kích và máy bay cường kích. B-52 cũng giữ vai trò chủ chốt trong Chiến dịch “Tự do cho người I-rắc” năm 2003, khi nó hỗ trợ các lực lượng tấn công mặt đất của Mỹ và thực thi nhiệm vụ ném bom.
Chinh chiến trên khắp thế giới, có mặt tại hầu hết các điểm nóng, B-52 trở thành nỗi khiếp sợ của đối phương. Nhưng niềm kiêu hãnh của Không quân Mỹ lại phải nhận thất bại cay đắng trên bầu trời Việt Nam… Trong chiến dịch Linebacker II tháng 12-1972, Mỹ đã huy động lực lượng 193/400 chiếc B-52; Không quân chiến thuật: 1.077 chiếc trên tổng số 3.043 chiếc; Tàu sân bay: 6 chiếc trên tổng số 14 chiếc; Hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu, cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Có thể nói, đây là một cuộc huy động lực lượng lớn chưa từng có của Mỹ từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai (tính đến tháng 12-1972) cho một cuộc tập kích đường không chiến lược.
Thế nhưng, lực lượng không quân chiến lược Mỹ đã phải hứng chịu thất bại cay đắng ngay khi phải chứng kiến máy bay B-52 tan xác trên bầu trời Hà Nội. "Những thất bại trên là do lực lượng phòng không của Việt Nam đã biết khai thác triệt để các kẽ hở rất mờ nhạt trong hệ thống phòng thủ của B-52. Ngược lại, việc triển khai ồ ạt B-52 trong khoảng thời gian ngắn không cho phép Mỹ khắc phục những điểm yếu, dẫn đến B-52 bị các tên lửa đất đối không của Việt Nam tiêu diệt", hãng thông tấn AP bình luận.
Cho đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đã sử dụng tên lửa SAM-2 để bắn rơi máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không lực Mỹ.
60 năm vẫn sử dụng tốt
Qua 8 lần cải tiến với các phiên bản B-52 - A, B, C, D, E, F, G, H, cho đến nay, dù đã trải qua 60 năm, B-52 vẫn giữ nguyên vai trò chiến lược của nó trong hàng ngũ máy bay chiến đấu hạng nặng của Không quân Mỹ. Đến nay, quân đội Mỹ vẫn chưa thể tìm được “kẻ thay thế” xứng đáng cho mẫu máy bay ném bom chiến lược B-52.
Mạng tin Wired cho hay, Không quân Mỹ tiếp tục sử dụng chiếc B-52 vì nó vẫn là kiểu máy bay ném bom hạng nặng có hiệu quả cao. Hơn nữa, trong nhiệm vụ mở đường, B-52 luôn chứng tỏ ưu thế vượt trội. Không quân Mỹ dự định sẽ duy trì hoạt động của những chiếc B-52 trong lực lượng không quân chiến lược ít nhất là cho đến năm 2040. Chiếc B-52 cuối cùng được sản xuất vào năm 1962, nghĩa là đến thời điểm 2040, chiếc B-52 có tuổi thọ kỷ lục lên tới gần 80 tuổi. Để đạt được điều này, những chiếc B-52 sẽ được tân trang định kỳ tại các kho bảo trì của Không quân Mỹ tại Căn cứ Không quân Tinker, Ô-cla-hô-ma.
 |
Dàn máy bay “khủng” của lực lượng không quân chiến lược Mỹ. Ảnh:tinypic.com
|
Theo Wikipedia, hiện nay, Mỹ đang sở hữu 228 chiếc máy bay ném bom chiến lược với thời hạn sử dụng tương đối dài, trong đó có B-52, B-1, B-2. Kế hoạch ban đầu, Mỹ muốn giảm số lượng B-52 xuống còn 56 chiếc (trong đó 44 chiếc được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu bình thường), số lượng B-1 cũng sẽ giảm xuống còn 32 chiếc, trang bị thêm 24 vũ khí tiến công chính xác, có khả năng cơ động tiến công các mục tiêu mặt đất xa hơn 2000km và trở về căn cứ trong vòng 2,5 giờ mà chỉ cần tiếp dầu một lần.
Trong bối cảnh Mỹ đang dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương, việc xây dựng một lực lượng không quân chiến lược với các máy bay ném bom chiến lược, máy bay tàng hình tới khu vực này đang được giới quân sự Lầu Năm Góc tính toán kỹ lưỡng. Ngoài máy bay B-52 đã được triển khai tại căn cứ Andersen ở Guam, Mỹ cũng lên kế hoạch triển khai máy bay ném bom B-2 tới khu vực này. Tạp chí Không quân Mỹ (Air Force) số ra mới đây dẫn lời Thiếu tướng Xtê-phen Uyn-xơn (Stephen Wilson), chỉ huy phi đội gồm 20 máy bay ném bom tàng hình B-2, cho hay một số chiếc B-2 sẽ bắt đầu được luân chuyển đến Thái Bình Dương từ năm 2013. B-2 là loại máy bay ném bom chiến lược tiên tiến nhất hiện nay của quân đội Mỹ, không phải tiếp dầu trên không, có thể bay liên tục trong hành trình 12.000km, trên máy bay trang bị nhiều loại vũ khí công nghệ cao như tên lửa hành trình, bom chùm...
Ngoài ra, Mỹ cũng quyết định điều động mới các máy bay F-22, F-35, máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-46 đến Thái Bình Dương Các đợt luân chuyển kéo dài trong vài tuần và diễn ra nhiều lần trong năm. Việc thiết lập lực lượng tác chiến nói trên là phần mở rộng của chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Theo Wired, khi công tác triển khai được hoàn tất vào năm 2017, các máy bay này sẽ sẵn sàng tác chiến khi có biến cố xảy ra.
BÌNH NGUYÊN