Trong đó xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ phân đội (CBPĐ), sĩ quan trẻ nói riêng là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Những tác động không mong muốn

Đội ngũ CBPĐ và sĩ quan trẻ (dưới 35 tuổi) ở các cơ quan, khoa giáo viên trong Binh chủng TTLL chiếm 55,26% so với tổng số cán bộ đang công tác. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng TTLL xác định để xây dựng binh chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thì không thể thiếu những con người hiện đại, có bản lĩnh vững vàng, tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn. Do đó, đội ngũ CBPĐ, sĩ quan trẻ của binh chủng được tuyển chọn chặt chẽ, 100% CBPĐ và sĩ quan trẻ được đào tạo cơ bản, trong đó có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm 99%. Về cơ bản, đội ngũ CBPĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trách nhiệm, năng lực quản lý, chỉ huy, chuyên môn nghiệp vụ khá, giỏi. 

 Cán bộ Lữ đoàn 596 tổ chức bắn tập AK bài 1 tư thế nằm cho chiến sĩ mới. (Ảnh chụp tháng 3-2021).

Theo Thượng tá Tô Hồng Quân, Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng TTLL, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn hiện tượng một số CBPĐ và sĩ quan trẻ nhận thức đơn giản, động cơ phấn đấu, rèn luyện chưa rõ ràng. Một số đồng chí còn ngại học, ngại rèn, ngại va chạm nên kiến thức, hiểu biết cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ quân sự cũng như kiến thức văn hóa, xã hội chưa toàn diện. Cá biệt có đồng chí ý thức tổ chức kỷ luật còn hạn chế, sống theo sở thích cá nhân, tiêu dùng quá khả năng chi trả, chưa khép mình vào khuôn khổ... 

Tìm hiểu thực tế ở Tiểu đoàn 86, Lữ đoàn 132, Binh chủng TTLL, chúng tôi được biết, đơn vị có đội ngũ cán bộ sĩ quan trẻ chiếm 74% tổng số cán bộ, sĩ quan toàn tiểu đoàn. Những năm gần đây, tiểu đoàn có 3 đồng chí CBPĐ và sĩ quan trẻ viết đơn xin phục viên với các lý do: Hoàn cảnh gia đình khó khăn; áp lực công việc, không phù hợp với môi trường quân đội và không muốn xa gia đình. Thiếu tá Trần Văn Đình, Chính trị viên Tiểu đoàn 86 cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng trên là cán bộ sĩ quan trẻ chưa chịu khó rèn luyện, chưa thực sự tâm huyết với công việc chuyên môn. Mặt khác, tác động từ mặt trái của xã hội khiến một số người so bì về thu nhập giữa làm việc trong quân đội với ngoài xã hội, giữa cống hiến với hưởng thụ, giữa trách nhiệm nghĩa vụ với quyền lợi, chính sách; đứng trước khó khăn tỏ ra bi quan, chán nản...

Thượng úy Đàm Văn Phương, Trung đội trưởng Trung đội 1 (Trạm A41), Đại đội 12, Tiểu đoàn 41, Lữ đoàn 134, tốt nghiệp và nhận nhiệm vụ ở Binh chủng TTLL từ năm 2017 đến nay. Đồng chí cho rằng, một số cán bộ trẻ khi mới ra trường gặp những áp lực trong thực hiện chức trách nhiệm vụ dẫn đến tâm lý chán nản, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp.

Qua tìm hiểu thực tế tại một số cơ quan, đơn vị, nhà trường của Binh chủng TTLL, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ phía CBPĐ và sĩ quan trẻ thì còn có nguyên nhân xuất phát từ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Đó là công tác quản lý tình hình tư tưởng, kỷ luật bộ đội ở một số cấp ủy bộc lộ hạn chế, bất cập; công tác kiểm tra, hướng dẫn, bồi dưỡng của chỉ huy, cơ quan cấp trên đối với cấp dưới chưa sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ. Chưa tạo điều kiện để CBPĐ và sĩ quan trẻ nói hết tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của bản thân...

Để cán bộ trẻ dấn thân cống hiến

 Thượng tá Tô Hồng Quân khẳng định: "Đại đa số các đồng chí CBPĐ của binh chủng sau khi về đơn vị công tác đã nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt tình hình đơn vị, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, từng bước quản lý, khai thác và làm chủ được khí tài trang bị của đơn vị. Nhiều đồng chí sớm khẳng định được phẩm chất, năng lực, đã được cấp ủy các cấp ghi nhận, xem xét bổ nhiệm cương vị cao hơn khi tuổi đời còn rất trẻ...".

Cán bộ Lữ đoàn 132 huấn luyện chiến thuật bộ binh cho chiến sĩ mới năm 2021. Ảnh: XUÂN QUANG 

Từ kinh nghiệm của bản thân mình, Thượng úy Đàm Văn Phương cho rằng, để đội ngũ CBPĐ tiến bộ, trưởng thành trong công việc và cuộc sống thì vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp là rất quan trọng. Lãnh đạo, chỉ huy, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thực sự là những người thầy, người anh mẫu mực; là những tấm gương tiêu biểu để cán bộ cấp dưới học tập và noi theo. Cán bộ cấp trên cần thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, tình cảm, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ, định hướng phương pháp làm việc để CBPĐ và sĩ quan trẻ hoàn thiện bản thân, xác định rõ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Qua tìm hiểu, khảo sát ở nhiều cơ quan, đơn vị, điểm yếu căn bản của hầu hết CBPĐ và sĩ quan trẻ là thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Từ thực tế trên, đại đa số CBPĐ, sĩ quan trẻ khi được hỏi đều chung quan điểm: Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng về mọi mặt cho CBPĐ, từ việc giáo dục, rèn luyện bản lĩnh, ý chí quyết tâm đến bồi dưỡng về nghiệp vụ, truyền thụ kinh nghiệm về phương pháp quản lý, điều hành; bồi dưỡng kỹ năng sống cho đội ngũ cán bộ trẻ mới ra trường; đưa cán bộ vào các hoạt động thực tiễn để tích lũy kinh nghiệm. Mặt khác, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hãy mạnh dạn giao việc khó, hướng dẫn công việc cho cán bộ còn hạn chế về năng lực theo phương châm lấy thực hành công việc hằng ngày là chính. Khi tiếp cận được với nhiều việc mới, việc khó thì bản thân cán bộ được giao nhiệm vụ sẽ tự tin hơn, có sự trưởng thành về phương pháp và trình độ chuyên môn. 

Cùng với vai trò dẫn dắt, định hướng của cán bộ cấp trên thì tinh thần chủ động, trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với cơ quan, đơn vị của mỗi CBPĐ là rất quan trọng. Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, Thiếu tá Cao Mạnh Hưng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 139 cho rằng, từng CBPĐ phải tự xây dựng cho mình động cơ, thái độ, trách nhiệm đúng đắn trong việc tự học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm công tác; chủ động rút kinh nghiệm thực tế sau mỗi nhiệm vụ được giao. Mỗi người hãy luôn luôn quan sát, học tập có chọn lọc cách làm việc của người chỉ huy cấp trên, biến kiến thức của người khác thành kiến thức của mình...

Nhiều ý kiến đề nghị lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và cơ quan cần làm tốt công tác kiểm tra đối với việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ cấp dưới; kết hợp kiểm tra theo kế hoạch với kiểm tra đột xuất, kiểm tra toàn diện với từng mặt công tác của cán bộ. Thông qua kiểm tra phải chỉ ra được những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, rút kinh nghiệm, đồng thời phải bồi dưỡng được cho cán bộ về kỹ năng, phương pháp. Việc nhận xét đánh giá cán bộ phải khách quan, toàn diện, chính xác, đúng người, đúng việc để khơi dậy quyết tâm, ý chí phấn đấu của cán bộ. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và định hướng bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp, phát huy được năng lực, sở trường của từng cá nhân. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công việc, chất lượng công tác thấp, ý thức tổ chức kỷ luật kém đã được gặp gỡ, giáo dục, nhắc nhở nhiều lần nhưng không tiến bộ để tạo môi trường phấn đấu lành mạnh cho đội ngũ cán bộ.

MINH MẠNH