Dưới cái nắng khoảng 40 độ C và độ ẩm chỉ 15%, đội tuyển Quân y Việt Nam được nước chủ nhà bố trí cho luyện tập phần chuyển thương cá nhân dành cho đối tượng trung cấp quân y. Đây là phần thi tiêu tốn nhiều thể lực nhất, đặc biệt là đối với các cô gái. Các nhân viên trung cấp quân y phải tiếp cận thương binh, cầm máu bên ngoài tạm thời, băng bó, mang mặt nạ phòng hóa, tiêm tĩnh mạch và vận chuyển thương binh với quãng đường 40m. Trọng lượng của thương binh (bao gồm cả áo giáp, mũ sắt, súng, trang bị) khoảng 68kg (dành cho bài thi của nữ) và 75kg (dành cho bài thi của nam). Trong đó nội dung mang mặt nạ phòng hóa và tiêm tĩnh mạch là nội dung hoàn toàn mới so với các năm trước.

Các bác sĩ thực hành các kỹ năng cấp cứu tối khẩn cấp cho thương binh tại thao trường.
Nữ nhân viên trung cấp quân y vận chuyển thương binh với quãng đường 40m.

Với các bác sĩ, mặc dù không tiêu tốn nhiều thể lực như các nhân viên trung cấp nhưng lại phải thể hiện các kỹ năng của mình để thực hiện các ca cấp cứu tối khẩn cấp cho thương binh như: Mở khí quản, dẫn lưu khoang màng phổi trong điều kiện tràn dịch mức độ lớn và tiến hành hồi sinh tim phổi. Đây là những kỹ thuật ở Việt Nam chỉ tiến hành trong điều kiện có chuẩn bị trước.

Thành viên đội tuyển Quân y trao đổi nghiệp vụ với huấn luyện viên Uzbekistan.

Các vận động viên quan sát huấn luyện viên Uzbekistan hướng dẫn kỹ thuật hồi sinh tim phổi cho thương binh.

Chiều cùng ngày, các bác sĩ và nhân viên trung cấp thực hiện luyện tập trong trung tâm mô phỏng, trong đó các bác sĩ thực hiện các kỹ thuật hồi sinh tim phổi, chẩn đoán bệnh lý trên phim X-Quang; khâu vết thương và tiêm tĩnh mạch; chẩn đoán bệnh lý trên điện tim. Các nhân viên quân y thực hiện các kỹ thuật hồi sinh tim phổi, đặt sonde tiểu, tiêm truyền tĩnh mạch, băng bó vết thương vùng ngực và mỏm cụt. Đây là phần thi hoàn toàn mới so với các năm trước.

Vượt qua rào cản về thời tiết, khí hậu và thể lực hạn chế, các vận động viên của Quân y Việt Nam đã hoàn thành nội dung luyện tập một cách đầy đủ, đạt yêu cầu đề ra.

Tin, ảnh: BẠCH ĐẰNG (từ Uzbekistan)