 |
Đoàn cán bộ Binh đoàn 12 đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn |
Đầu xuân mới Kỷ Sửu, tôi được đồng chí Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn 12- Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - mời tham gia cùng đoàn công tác của Binh đoàn đi chúc Tết, kiểm tra tiến độ thi công một số công trình trọng điểm và viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Ngã Ba Đồng Lộc. Tại hai nghĩa trang liệt sĩ đầy ắp huyền thoại này, tôi lại được nghe thêm về những huyền thoại mới. Đặc biệt, chúng tôi đã được chứng kiến những giờ phút đón xuân mới cùng liệt sĩ của các cán bộ, nhân viên quản trang...
Đồng Lộc tấp nập du khách đầu xuân
Vào những ngày đầu xuân mới, khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc nghi ngút khói hương và ngập tràn hoa tươi. Những bông hoa trắng tinh khiết được cắm đầy mộ và sắp đầy đài tưởng niệm. Khách vào ra tấp nập nhưng hết sức trang nghiêm.
Chị Đặng Thị Yến, Phó trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc cho tôi biết: Đã thành một tập quán đẹp từ nhiều năm nay, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, đông đảo người dân Hà Tĩnh và khách thập phương đến thắp hương, thăm viếng khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, nơi ghi dấu sự hy sinh oanh liệt của 10 cô gái thanh niên xung phong và hàng nghìn liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tết năm nay, dù tiết trời khá lạnh và có mưa phùn nhưng Khu di tích vẫn đầy ắp người đến thăm, viếng. Tính trung bình mỗi ngày đầu tháng giêng Kỷ Sửu có từ 2.000 đến 3.000 người về thăm Đồng Lộc. Riêng đêm giao thừa, số người đến Đồng Lộc không dưới 10.000 người.
Ngã ba Đồng Lộc là một trọng điểm của tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, đế quốc Mỹ đã ném xuống 42.900 quả bom phá, 12.000 bom từ trường, 96 bom bi mẹ các loại, 94 quả rốc két… Quân và dân ta đã dũng cảm chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần quan trọng để chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng tại đây hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng. Đặc biệt là sự hy sinh của 10 cô gái trẻ đều chưa lập gia đình, người lớn tuổi nhất là 24 tuổi, người ít tuổi nhất mới có 17 tuổi, thuộc tiểu đội 4 thanh niên xung phong, vào lúc 17 giờ ngày 24-7-1968 khi san lấp hố bom, sửa chữa đường.
Từ một chiến trường ác liệt, Ngã ba Đồng Lộc đã và đang trở thành một trường học lớn về tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu cho thế hệ trẻ và là địa chỉ đỏ của khách du lịch, nhất là dịp đầu năm mới. Thiếu tá Phạm Việt Hưng, cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Tết nào anh cũng cùng đồng đội đến thắp hương tại đây. Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên lịch sử ở Hà Nội cũng vượt hàng trăm cây số về Ngã ba Đồng Lộc vừa để du xuân, vừa để giáo dục truyền thống lịch sử cho con cháu và bổ sung thêm kiến thức vào bài giảng của mình.
Để phục vụ bà con nhân dân Hà Tĩnh và khách thập phương về thăm viếng, Ban quản lý Khu di tích lịch sử thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc đã động viên cán bộ, nhân viên làm việc liên tục trong những ngày đầu xuân mới.
Anh Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho rằng: Bà con đã vượt đường xa, không quản mưa, rét đến đây, trách nhiệm của chúng tôi phải đón tiếp chu đáo. Trong những ngày 30, mùng một và mùng hai Tết, Ban quản lý Khu di tích đều cắt cử người thuyết minh, hướng dẫn du khách, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ...
Anh Phan Công Lệ, cán bộ Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, người trực đêm 30 và sáng mồng một Tết Kỷ Sửu tại Khu tưởng niệm 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc cho biết: Trong thời khắc lịch sử ấy, bà con đến thăm viếng rất đông. Anh Lệ cảm thấy hạnh phúc vì được phục vụ bà con trong thời điểm đó.
Liệt sĩ Trường Sơn đón xuân Kỷ Sửu
Nếu như Khu di tích lịch sử thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc chỉ bó hẹp trong không gian rộng chừng hơn một héc-ta, ở gần khu dân cư, thì Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ rộng mênh mông, lại ở khá xa khu dân cư. Anh Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản lý Nghĩa trang tự hào nói với tôi: Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có “ba cái nhất”, đó là có quy mô lớn nhất, có số mộ nhiều nhất, có nhiều liệt sĩ ở nhiều địa phương nhất. Diện tích của toàn bộ nghĩa trang tới hơn 52ha nằm trên 5 quả đồi sát bờ Nam sông Bến Hải thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Khi chúng tôi đến, nắng xuân như rắc vàng trên hàng ngàn ngôi mộ quét vôi trắng san sát nối nhau… Các cán bộ quản trang ở đây cả đêm và ngày đều sống cùng với các ngôi mộ ấy. Họ lặng lẽ, cần mẫn với những công việc có tên và không tên của mình. Buổi sáng tinh mơ, khi mặt trời chưa mọc đã nghe thấy tiếng chổi tre quen thuộc của họ trên các khu nghĩa trang, chiều tối lại thấy họ tưới nước cho hoa cỏ ở các tượng đài... Đến đêm, nếu có khách đến thăm viếng, họ cũng sẵn sàng bỏ giấc ngủ để làm lễ…
Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy chị Đoàn Thị Hồng, cán bộ quản trang kể vanh vách tên tuổi của nhiều liệt sĩ trong số hơn 10 nghìn liệt sĩ ở 63 tỉnh và thành phố, khu vực yên nghỉ của từng liệt sĩ. Nhớ tên được hàng nghìn ngôi mộ, không chỉ vì chị đã làm việc ở đây hơn 20 năm mà vì một cái gì đó thật thiêng liêng đối với chị, ngay cả bản thân chị cũng khó gọi tên ra được. Từng ấy thời gian chị đã chứng kiến rất nhiều nước mắt, rất nhiều cuộc “hội ngộ” của người sống và người đã hy sinh. Chị Hồng cho biết, ca trực của chị vào đúng đêm giao thừa Tết Kỷ Sửu. Giữa không gian bao la của gió núi và “tối như đêm ba mươi”, các anh các chị vẫn tỉ mẩn đốt hương cắm ở một số ngôi mộ đại diện, sắp lễ gồm cơm, xôi, gà, rượu… để các liệt sĩ ăn Tết.
Chị Đoàn Thị Hồng, quê ở Đồng Hới, Quảng Bình, đã từng là chiến sĩ thuộc sư đoàn 470 anh hùng (Binh đoàn Trường Sơn). Ngay trong thời bình, chị vẫn phải chịu nỗi đau mất chồng vì chiến tranh, mất con vì tai họa bất ngờ, trong cùng một năm. Chồng chị là anh thương binh Nguyễn Duy Sanh. Anh vừa bị ảnh hưởng của chất độc da cam, vừa bị một đầu đạn găm vào phổi, vừa bị sốt rét ác tính hành hạ. Năm 2002, đầu đạn chuyển sâu vào phổi, cướp đi mạng sống của anh. Anh chị sinh được 3 cháu, hai gái, một trai, nhưng cháu trai lại bị nhiễm chất độc da cam. Cháu bị động kinh. Trước lúc anh mất chừng hai tháng, cháu bị ngã xuống suối, chết đuối.
 |
Chị Đặng Thị Yến chăm sóc phần mộ của liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc |
Bên những ngôi mộ liệt sĩ vô danh, chúng tôi để ý có một cô gái nhỏ thó cần mẫn rút bớt các chân hương, nhổ những cây cỏ dại. Hỏi chuyện, tôi được biết tên của cô gái này là Hoàng Thị Ánh Sương, năm nay 29 tuổi, đã tốt nghiệp Trường cao đẳng Lao động xã hội Hà Nội, về công tác tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn 6 năm nay. Sương cho biết, khi mới về công tác tại đây, cô rất sợ, nhưng nay quen dần. Những khi nghỉ phép, cô rất nhớ các liệt sĩ. Hỏi tiền thu nhập hằng tháng, Sương chớp chớp đôi mắt nói nhỏ: “Mỗi tháng em được 780.000 đồng tiền lương, cũng đủ tiền ăn của hai mẹ con, anh ạ”.
Những câu chuyện cảm động bên hương hồn liệt sĩ
Chị Đặng Thị Yến, Phó trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc kể rằng, giáp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, Ban quản lý Khu di tích nhận được tin mẹ của liệt sĩ Võ Thị Hà, người nhỏ tuổi nhất trong số “10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc” bị ốm nặng, không nói được. Ban quản lý Khu di tích cử chị Yến dẫn đầu đoàn đại biểu đến thăm mẹ. Thật lạ kỳ, sau khi tặng quà và thăm hỏi, mẹ Trần Thị Khuyên (mẹ của liệt sĩ Võ Thị Hà) đã cất được tiếng nói, hỏi thăm phần mộ của con gái mình và cảm ơn Ban quản lý Khu di tích đã chăm sóc chu đáo nơi yên nghỉ của người con yêu quý.
Khi đoàn của chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, trời đang nắng gắt, nhưng sau khi đồng chí Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - đơn vị kế tục truyền thống của Bộ đội Trường Sơn Anh hùng - dâng hương và dâng lễ thì mây bỗng ùn ùn kéo đến. Đồng chí Lương Sỹ Nhung kể rằng, vào dịp Tết năm ngoái, sau khi đoàn công tác của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn làm lễ dâng hương, một cơn gió xoáy bỗng ập đến cuốn theo một số lễ vật cúng.
Bên những ngôi mộ liệt sĩ, chúng tôi có dịp được chứng kiến những giọt nước mắt trĩu buồn của các thân nhân liệt sĩ, những cử chỉ thành kính của khách đến thăm viếng. Tiến sĩ Bùi Văn Can, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Tài chính-quản trị kinh doanh (Bộ Tài chính) cho biết, trường của anh tổ chức chuyến xuất hành đầu xuân Kỷ Sửu cho các cựu chiến binh của trường đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đến đây thấy thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo của Ban quản lý nghĩa trang, các anh xúc động lắm. “Đồng đội tôi hy sinh tại đây chắc cũng hài lòng” - Tiến sĩ Bùi Văn Can nói.
Thắp nén hương trên nấm mồ của Trung sĩ Hoàng Văn Minh, người bạn cùng tiểu đội trên tuyến lửa Trường Sơn năm xưa, Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung rơm rớm nước mắt, nói: “Cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn nguyện sẽ cố gắng hết mình, xứng đáng với sự hy sinh của các đồng chí”.
Trước ngày cưới, đôi bạn trẻ Nguyễn Văn Biết và Cao Thị Thanh Tình đã đi xe máy từ Hà Nam vào viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Tình nói với tôi: “Thế hệ trẻ chúng cháu rất khâm phục sự hy sinh dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn”.
Chị Lê Thị Kiệm ở phường 2, thị xã Quảng Trị, trong ngày đầu xuân mới cũng cùng con gái đi xe máy đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để thắp hương tưởng niệm người anh trai của mình là liệt sĩ Lê Xuân Kiều. Chị Kiệm xúc động kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về người anh trai của mình và nhờ tôi chụp tấm ảnh ngôi mộ gửi về cho người mẹ của mình. “Mẹ tôi già yếu lắm rồi, muốn đến thăm con tại đây lắm” - Chị Kiệm nói trong nước mắt.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, chúng tôi đã được nghe nhiều chuyện huyền bí về Nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất nước này, chẳng hạn như chuyện Cây Bồ đề "thiêng" và mạch nước ngầm khi xây dựng nghĩa trang. Những câu chuyện huyền bí về Trường Sơn, về Ngã ba Đồng Lộc càng làm cho Nghĩa trang liệt sĩ thêm nhiều huyền thoại. Và chính những người quản trang cần mẫn hôm nay cũng đã tạo thêm những huyền thoại mới về hai địa chỉ đỏ này trong những ngày đầu xuân mới.
Bài và ảnh: Đỗ Phú Thọ