Mang hơi ấm về với đồng bào
Tân Uyên là huyện thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu, đồng bào sinh sống rải rác khắp các chân núi của dãy Hoàng Liên Sơn, với các dân tộc anh em, gồm: Thái, Kinh, Laha, Mông, Khơ mú, Dao, Lào, Giáy và Tày, chính vì vậy việc sử dụng các dịch vụ y tế còn rất hạn chế. Xuất phát từ thực tế đó nên từ năm 2014, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (gọi tắt là Viện Bỏng) đã tổ chức đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà các đối tượng chính sách và đồng bào trên địa bàn. Tiếp nối ý nghĩa cao đẹp đó, những ngày cuối năm 2016, đoàn cán bộ, nhân viên y tế của viện lại khoác ba lô, mang theo biết bao nghĩa tình về với đồng bào các dân tộc anh em nơi đây.
Lãnh đạo Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác và UBND huyện Tân Uyên, Ban CHQS huyện Tân Uyên thăm hỏi, trò chuyện với bệnh nhân đến khám bệnh.
Để về được với đồng bào huyện Tân Uyên, đoàn cán bộ, nhân viên y tế Viện Bỏng đã vượt qua hành trình dài gần 500km qua những khúc cua tay áo, đèo dốc... trong đó có Ô Quy Hồ - một đỉnh đèo được mệnh danh là cổng trời, là “Tứ đại đỉnh đèo”, dài và hùng vĩ nhất miền núi phía Bắc, cao gần 2.000m so với mực nước biển; trên hành trình của chuyến đi, có những đoạn mây mù che phủ như muốn cản bước chân của những người thầy thuốc chiến sĩ. Trong thành phần đoàn công tác, có không ít bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ đã nhiều lần tham gia đoàn khám bệnh cho đồng bào nhưng cũng có người mới lần đầu tiên hành quân xa như thế. Trời Tây Bắc cuối tháng 12 giăng giăng mây phủ hòa với cái lạnh lùa qua tay áo, thế nhưng, bằng tình yêu, bằng cái tâm với nghề và trách nhiệm với cộng đồng, những người lính mặc áo bờ-lu trắng vui vẻ, hăng say lên đường. “Đây là lần đầu tiên em không bị say xe, phần vì háo hức đến với vùng cao, phần vì trước chuyến đi lãnh đạo viện thông báo đối tượng khám bệnh hầu hết là cựu chiến binh và đồng bào dân tộc thiểu số nên ai nấy đều phấn chấn”- bác sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng, Khoa Liền vết thương, chia sẻ.
Bộ đội về... cái bệnh phải thua
Nhà tận trong bản Nà Cóc, xã Thân Thuộc, cách trung tâm huyện gần 7km, song cụ Lò Thị Lương, gần 90 tuổi, người dân tộc Thái đã “cuốc bộ” tới địa điểm khám bệnh từ sáng sớm tinh mơ. Nghe trưởng bản thông báo có đoàn bác sĩ của bộ đội về khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, cụ Lương khấp khởi mừng từ tối hôm trước, hy vọng cái bệnh đau đầu, tê mỏi người của cụ sẽ được chữa khỏi. Còn cụ Khắc Thị Thịnh 93 tuổi, ở xã Phúc Hoa, một trong những người đến sớm nhất cười vui vẻ nói với chúng tôi: “Nghe nói có đoàn khám bệnh tới, già thấy vui. Cuộc sống của già và lũ trẻ ở đây vất vả lắm, có nhà còn bữa đói bữa no nên không biết cái viên thuốc là gì đâu. Trước đây, cứ có bệnh là mời thầy cúng. Bà con trong bản cũng tò mò tới đây xem các chú bác sĩ bộ đội khám bệnh có giỏi bằng thầy cúng thôn mình không. Khám xong già yên tâm hơn, bởi chưa khi nào già được đi khám bệnh cả. Các bác sĩ bộ đội tình cảm, ân cần lắm, chỉ cho cách điều trị cái tay đau, cách uống thuốc, lại cho nhiều thuốc bổ uống nữa, già quý cái bộ đội quá!”.
Trên lưng địu đứa con nhỏ, với dáng vẻ sợ sệt xen lẫn lo lắng, chị Giàng Thị Dy, 16 tuổi, người dân tộc Mông thuộc bản Hố Mít, xã Hố Mít tỏ ra rụt rè khi tiếp chuyện với người lạ. Vì nhà nghèo, chị Dy cũng muốn đem đứa con 4 tháng tuổi về Trung tâm y tế huyện điều trị căn bệnh tắc tiểu nhưng chỉ lo thiếu tiền. Nhìn cháu bé đỏ hỏn, quặn khóc lên từng cơn trên lưng mẹ, cũng đúng lúc Đại tá, TS Trương Ngọc Dương, Chính ủy Viện Bỏng, trưởng đoàn đi đến. Là TS Nhi khoa nên không mất nhiều thời gian, anh đã tìm ra nguyên nhân khiến tiểu khó là do bao quy đầu của bé bị viêm. Như một phản xạ tự nhiên, anh xắn tay áo kiểm tra kỹ chỗ viêm và chỉ sau một hồi bôi thuốc, thực hiện các thao tác chuyên môn, cháu bé đã đi tiểu được… Nhìn cháu bé ngủ ngon lành, chị Dy bật khóc. Chị nghẹn ngào: “Mình cảm ơn các bác sĩ bộ đội nhiều lắm! Lần sau nhớ lại về với đồng bào mình nhé!”. Và cũng lúc ấy, tôi chợt thấy một bác sĩ dày dạn kinh nghiệm, có nhiều chuyến đi khám bệnh, phát thuốc tặng đồng bào như Đại tá Trương Ngọc Dương vội quay đi, đôi mắt đỏ hoe...
Ra về với túi thuốc trong tay, cụ Sùng A Của, 93 tuổi, ở xã Mường Khoa không giấu nổi xúc động: “Hôm nay được các bác sĩ bộ đội đến khám bệnh và phát thuốc miễn phí, bà con dân bản nơi đây cảm thấy rất đầm ấm, cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội đến người dân vùng sâu, vùng xa. Cảm động lắm, bộ đội nói ít nhưng làm nhiều nên dân bản càng thêm tin yêu Đảng và Bộ đội Cụ Hồ. Bác sĩ bộ đội về bản cái bệnh phải thua mà, giờ không phải gọi thầy cúng nữa rồi”.
Sâu nặng nghĩa tình thầy thuốc chiến sĩ
Rời xa ồn ào của phố thị, tham gia hành trình nặng nghĩa tình, Đoàn cán bộ, nhân viên Viện Bỏng đã gác lại công việc cơ quan và gia đình. Với mục đích khám và tư vấn tổng thể cho bà con, vì vậy tham gia chuyến khám bệnh lần này, đoàn công tác gồm nhiều chuyên khoa như: Nội ngoại chung, tim mạch, thần kinh, da liễu, mắt, tai mũi họng, chẩn đoán chức năng... Chỉ trong vòng một ngày, đoàn đã tổ chức khám bệnh cho gần 1.300 đối tượng chính sách và đồng bào nghèo trên địa bàn huyện Tân Uyên. Theo Đại tá, PGS, TS Nguyễn Như Lâm, Phó giám đốc Viện Bỏng: “Quá trình khám bệnh, cán bộ, nhân viên y tế của đoàn đã phát hiện ra nhiều căn bệnh, cơ cấu bệnh tật đã được nắm rõ. Những trường hợp mắc bệnh thông thường đều được các bác sĩ xử lý ngay; với những trường hợp nặng, mãn tính, được kê đơn thuốc, hướng dẫn điều trị đồng thời tư vấn và giới thiệu về tuyến trên để khám, điều trị”.
Tham gia chuyến đi lần này, đa phần là các bác sĩ, nhân viên y tế có tuổi đời còn trẻ. Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thị Hương cho biết, đây là lần đầu tiên chị được tham gia khám, chữa bệnh cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Để có thể tham dự hành trình này, chị phải gác lại việc học thạc sĩ và gửi đứa con nhỏ nhờ ông bà nội trông giúp. Nhìn những đứa trẻ gầy guộc, xanh xao và gặp những căn bệnh quái ác như liệt dây thần kinh tay 4 tháng liền chưa được điều trị, chị Hương không giấu nổi xúc động. Chị cho biết, thời gian tới nếu đơn vị tiếp tục tổ chức, chị sẽ xung phong lên đường khám bệnh cho bà con.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, TS Trương Ngọc Dương cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Đảng ủy Học viện Quân y, hằng năm chúng tôi đều tổ chức các đợt khám, chữa bệnh về cội nguồn, đặc biệt là những nơi căn cứ địa cách mạng, đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhằm gắn kết tình cảm quân với dân “cá nước”. Đồng thời để các đối tượng chính sách, đồng bào nghèo được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại. Đây cũng là dịp giúp cán bộ, nhân viên của đơn vị thấy được những khó khăn, vất vả của đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa để tiếp tục phấn đấu, đóng góp sức mình xây dựng đơn vị, xây dựng quân đội cũng như tiếp tục có những việc làm cụ thể, thiết thực hướng về đồng bào”.
Nằm trong hoạt động của đợt công tác, đoàn đã tặng 2 chiếc ti vi Sony 40inch và 32inch cho Trường Mầm non Mường Hoa (thị trấn Tân Uyên) và Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên; 690 bộ quần áo, 2.000 cuốn vở, 500 bút viết, 100 ba lô học sinh, 90 chăn ấm và tặng 10 suất quà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện (mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng) cùng nhiều đồ dùng học tập khác. Tổng giá trị thuốc và quà tặng trị giá gần 600 triệu đồng được trích từ nguồn quỹ của viện và cán bộ, bác sĩ, nhân viên trong viện tự nguyện đóng góp. Cũng trong chưa đầy một giờ đồng hồ của buổi sáng ngày khám bệnh, cán bộ, nhân viên y tế Viện Bỏng đã vận động và quyên góp từ thành viên trong đoàn được hơn 10 triệu đồng mua sữa, quà tặng các cháu bé đang điều trị tại một số khoa của Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên. Số tiền tuy không lớn song đã thể hiện tấm lòng “Lương y như từ mẫu” và tình cảm chân thành của những người thầy thuốc áo lính mỗi khi có dịp về với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Trước khi chia tay đồng bào, Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó chính ủy Quân khu 2 xúc động nắm tay các thành viên đoàn công tác nói: “Tân Uyên nói riêng và nhiều vùng sâu, vùng xa của Tây Bắc nói chung còn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận với công tác khám, chữa bệnh hiện đại, việc cán bộ, nhân viên y tế của Viện Bỏng đến với đồng bào mang nhiều ý nghĩa. Lực lượng vũ trang Quân khu 2 rất trân trọng và cảm ơn đoàn công tác. Mong rằng, sẽ còn nhiều chuyến khám bệnh, phát thuốc khác trong thời gian tới để đồng bào có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”.
Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tân Uyên vẫn còn rất nhiều khó khăn và tình cảm của những người thầy thuốc áo lính chắc hẳn sẽ góp phần giúp người dân nơi đây thêm ấm lòng. Dọc hai bên đường đi, những bông hoa dã quỳ, những nụ đào rừng đã bung nở, chuẩn bị chào đón một mùa xuân mới đang về trên khắp các bản làng-một mùa xuân ấm áp tình người, tình quân dân.
Bài và ảnh: VŨ QUANG THÁI – NGUYỄN SĨ CƯỜNG