QĐND - Giải quyết vấn đề phát triển sinh thái và quyền lợi của người dân bản địa là một trong những thách thức không nhỏ của các vườn quốc gia (VQG) ở nước ta hiện nay. Tại VQG Xuân Thủy, người dân đang từng bước làm giàu nhờ những mô hình sinh kế mới bền vững và hiệu quả... VQG Xuân Thủy đã và đang trở thành điển hình về sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững...

Nằm cách Hà Nội khoảng 150km về hướng Đông-Nam, VQG Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) là vùng ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước Ramsar (công ước bảo tồn những vùng đất ngập mặn có tầm quan trọng quốc tế). Vườn có tổng diện tích tự nhiên là 7.100ha với hệ sinh thái phong phú vào loại bậc nhất cả nước: 120 loài thực vật bậc cao, 200 loài chim, hơn 500 loại động vật nổi và động vật đáy… Với những ưu đãi về thiên nhiên, vườn trở thành nơi dừng chân kiếm ăn, sân ga quan trọng của các loài chim di cư từ phương Bắc tới, trong đó, có những loài nằm trong sách đỏ như: Rẽ mỏ thìa, mòng bể, bồ nông chân xám, cò thìa…

Cách đây hơn10 năm, khu ngập mặn này đã từng phải đối mặt với nạn săn bắn chim thú, chặt phá rừng và các hoạt động khai thác quá mức để nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, nhờ áp dụng các mô hình sinh kế mới nên vấn đề này không những được tháo gỡ mà bộ mặt kinh tế địa phương cũng có nhiều thay đổi. Chúng tôi đã tìm đến thăm đầm nuôi tôm rộng hơn 4ha của gia đình anh Phạm Văn Chính. Được biết, tận dụng vùng đệm của rừng ngập mặn, vợ chồng anh Chính đã thuê đất làm đầm và nuôi thả giống tôm thẻ chân trắng. Anh Chính cho biết: “Ban đầu, mấy anh em trong xã rủ nhau ra đây làm ăn, lúc đó ngoài này còn heo hút. Bây giờ đâu đâu cũng thấy đầm tôm, đến tối nhà nào nhà nấy mắc đèn điện để coi đầm, sáng và nhộn nhịp hơn xưa nhiều”. Mỗi năm, gia đình anh chỉ nuôi thả hai đợt. Đợt thứ nhất từ cuối tháng 2 tới tháng 5; đợt hai bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10, song, hiệu quả kinh tế mà nghề này mang lại thì không hề nhỏ. Giá tôm thẻ chân trắng trên thị trường dao động từ 110.000-120.000 đồng/kg loại 100 con/kg và 140.000-150.000 đồng/kg loại 70 con/kg. Trừ mọi chi phí, trung bình mỗi năm thu về từ 250-300 triệu đồng/ha. Trong quá trình canh tác, gia đình anh nói riêng cũng như những hộ nuôi tôm khác trong khu vực rừng nói chung còn được các cán bộ thủy sản đến kiểm tra chất lượng nước, con giống và phổ biến kỹ thuật nuôi tiên tiến. Nhờ đó, con tôm của vùng luôn phát triển ổn định, tránh được dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các khu vực lân cận.

Một góc vườn quốc gia.

Nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

Chia tay anh Chính, chúng tôi tìm về xã Giao An, nơi có gia đình ông Phạm Văn Hiển, một trong những hộ đầu tiên ở vùng đệm VQG gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật từ hoa sú, vẹt. Hiện nay không phải là mùa hoa nên mấy chục đõ ong của gia đình ông Hiển được xếp kín mảnh vườn nhỏ rộng khoảng hơn hai sào Bắc Bộ. Ông Hiển chia sẻ: “Con ong ăn hoa sú, vẹt trong cơ thể sẽ sản sinh ra một lượng muối khoáng, làm nên thứ mật ong có giá trị cao đối với sức khỏe con người. Vì vậy, loại mật ong này gần đây được rất nhiều người tìm mua. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được gần 200kg mật ong, tương đương với khoản thu nhập hơn 15 triệu đồng. Nhận thấy những lợi ích thiết thực từ nghề nuôi ong lấy mật, nhiều gia đình ở các xã xung quanh khu vực vùng đệm đã chuyển sang hoạt động nghề này, đồng thời, các câu lạc bộ sinh kế mới như “Câu lạc bộ nuôi ong” ra đời nhằm giúp người dân quê tôi chia sẻ kiến thức, hạn chế những rủi ro do nghề đem lại”.

Ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thủy cho biết: “Đẩy mạnh việc nuôi ong lấy mật từ hoa sú, vẹt có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển bền vững, bởi sinh kế này làm giảm áp lực khai thác tài nguyên VQG, kết hợp hài hòa mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế, mở ra những cơ hội để người dân có thể hưởng lợi từ nguồn tài nguyên trù phú của rừng ngập mặn. Nhờ có đàn ong mà trong nhiều năm nay, cây sú, vẹt thụ phấn được, sai hoa, nhiều quả, góp phần tái tạo lại giống cho vườn mà không còn phải nhập từ nơi khác đến. Bên cạnh đó, Ban quản lý VQG còn triển khai thêm các dự án như: Thành lập “Câu lạc bộ bảo vệ chim”, “Hội nuôi trồng nhuyễn thể”, “Hợp tác xã trồng nấm”… Những hoạt động này đã và đang góp phần vào việc bảo tồn khu thiên nhiên nơi đây, biến nó thực sự là vùng đất lành, là nơi trú ngụ cho các loài chim di cư cũng như hệ động, thực vật phong phú".

Vẫn biết để bảo tồn và phát triển bền vững VQG không phải là công việc đơn giản, mà phải đối mặt với nhiều gian nan, thử thách. Nhưng với sự trợ giúp của Chính phủ, cộng đồng quốc tế và quyết tâm “bám đất, bám biển” của người dân địa phương, Xuân Thủy sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra, xây dựng VQG trở thành điển hình về sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững.

Bài và ảnh: KIM ANH