“ Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”(*)
Cách đây hơn ba mươi năm, người con gái xinh đẹp, nết na, thảo hiền, nổi tiếng khắp vùng đất Kinh Bắc, đã tràn ngập trong niềm hạnh phúc vô bờ bến khi sinh đứa con trai đầu lòng. Nhưng do mắc phải căn bệnh quái ác, cháu bé bị bại liệt và teo cả hai chân đang lúc chập chững tập đi. Mọi oan nghiệt đổ ập xuống đầu người mẹ, bao nhiêu mơ ước, hi vọng giờ đây dường như đã bị tan biến.
Mẹ gánh nỗi đau trên mọi nẻo đường
 |
Công việc hằng ngày của chị Tâm
|
Người phụ nữ ấy là chị Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1953, quê ở thôn Chợ, xã An Bình, huyện Thuận Thành, thành phố Bắc Ninh. Chị sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh chị em, nhưng lại giàu lòng hiếu học.
Tốt nghiệp Trường Công nhân Kỹ thuật Bộ Vật tư (nay là Bộ Công Thương), chị được điều về công tác tại xí nghiệp xăng dầu Gia Lâm (Hà Nội) làm công nhân ngành cơ khí. Chuyện chồng con của chị Tâm cũng qua nhanh, giống như một cơn gió thoảng. Nỗi đau lớn nhất là khi người chồng đã vĩnh viễn ra đi lúc còn rất trẻ, bỏ lại cho chị mẹ già và đứa con nhỏ thơ dại.
Có lúc chị gần như phó mặc tất cả, sống buông xuôi bản thân mình. Chị bảo:
- Ông trời đã cho tôi sống, nhưng do số phận khắc nghiệt lại bắt tôi phải chứng kiến sự ly biệt với người chồng, giờ đây đứa con trai duy nhất phải chịu cảnh tật nguyền, tôi không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải vươn lên. Tôi chỉ mong sao cháu khỏe mạnh, để được đi học bình thường như các bạn. Tôi quyết định hi sinh công việc của mình để cho cháu được đi học bằng đôi chân của mẹ.
Quyết đưa con đến trường…
Gia đình chạy chữa khắp nơi cho Hải nhưng không được và căn bệnh bại liệt đã theo Hải đến tận bây giờ. Cả gia đình, người thân, ai cũng thương Hải lắm. Các cô bác khuyên gia đình nên để Hải nghỉ học chữa bệnh. Tiếp sức cho bước chân con được vững vàng hơn, thì bước chân người mẹ càng xiêu vẹo. Không ít người khuyên, con mình như thế đi học làm gì, nhưng chị Tâm không đành nhìn con thất học. Chị quyết làm một ngọn đuốc cứ lặng lẽ cháy bình dị, để được nhóm lửa thắp sáng tương lai cho con mình.
- Hi sinh với con cái và gia đình như vậy, khiến sức khỏe ngày càng giảm sút, vậy liệu chị có còn tiếp tục làm như vậy được nữa không, hay chị sẽ bỏ cuộc ? Một ngày mai nếu chị không còn đẩy được chiếc xe đó đi, thì lúc đó chị làm thế nào?
- Cũng như nhiều gia đình khó khăn khác, tôi đăng ký vay vốn ngân hàng, nhưng vẫn không trút được lo âu, băn khoăn. Hoàn cảnh gia đình tôi đâu có như mọi người, Hải thì như vậy, mà tôi không còn khỏe, chẳng may lại có mệnh hệ gì sẽ để lại gánh nặng cho con. Dù trong suy nghĩ thì cũng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc. Tôi đã thề với chính lòng mình sẽ đưa con đi học cho tới khi nào cầm được tấm bằng tốt nghiệp trên giảng đường đại học. Nếu không còn đủ sức để đẩy chiếc xe ấy, tôi sẽ thuê người khác đẩy xe đưa con tới trường. Hơn chục năm qua tôi đưa con đi học, giờ chỉ mong sao cho bốn năm học đại học trôi nhanh mà thôi. Vẻ mặt chị trầm ngâm.
Không chỉ đi vay ngân hàng, mà chị Tâm còn vay mượn mỗi chỗ quen biết một ít, còn căn nhà với mấy sào ruộng ở quê chị cho người ta thuê. Tất cả số tiền mà chị có đều dành hết cho Hải học tập. Quãng đường từ nhà đến trường dài khoảng 5km, chị Tâm đẩy xe hết khoảng hơn một giờ đồng hồ. Suốt ba năm học trung học phổ thông, ngày nắng cũng như ngày mưa, một mẹ, một con cứ lầm lụi đưa nhau đi trên con đường quen thuộc để đến trường. Kể thì nhanh, nhưng quá trình hơn nghìn ngày đưa con đi học của chị Tâm khiến ai cũng cảm phục. Và Hải đã đền đáp lại công lao của mẹ: Năm 2009, ngay lần thi đầu tiên em đã thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Chị bùi ngùi nói với tôi:
- Tôi mong các tổ chức xã hội, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ cho cháu có một chiếc xe lăn gắn máy để hằng ngày tôi đưa cháu đi học.
Bà Đào, người hàng xóm, kể:
- Hải tật nguyền như vậy mà học lại rất giỏi, có lẽ công đầu vẫn là của mẹ cháu. Nhiều hôm 1-2 giờ sáng mà bác vẫn thấy đèn nhà chị Tâm chưa tắt. Lúc rảnh thì nhận len về đan, nhưng chủ yếu là để động viên con. Ngày nào chị cũng ngồi ở phòng bảo vệ đợi con, có ngày đợi liền gần 5 giờ đồng hồ. Nếu có kỷ lục về thời gian ngồi đợi chờ người khác và quãng đường đi bộ, có lẽ chị Tâm sẽ có tên trong đó.
Khi đó, nhiều người cứ khuyên chị nên học một nghề thủ công nào đó, rồi cả hai mẹ con cùng làm, việc gì phải học lên cao khổ cả mẹ, khổ cả con! Nhưng chị Tâm không nghe. Chị bảo “gì thì gì, nhiều chữ cũng hơn ít chữ”. Hơn nữa, cũng đến lúc chị già yếu rồi, sắp khuất núi, đến khi đó thì thằng Hải biết bấu víu vào đâu. Chị nghĩ, “mình quyết tâm phải xây dựng cho con một "đôi chân" vững chắc bằng học vấn. Nếu như Hải học yếu đã đành, đằng này nó lại học rất khá và quyết tâm thi đỗ đại học”. Thế thì hà cớ gì mà chị không chịu khổ một chút để chắp cánh ước mơ của con và cũng là của mẹ? Chị Tâm quyết hi sinh tất cả cho con.
… Ngẩng đầu, đi về phía mặt trời
Tất cả mọi sự gian nan hiện lên qua ánh mắt và dáng hình gầy gò của người mẹ, như quay tròn theo những vòng quay gập ghềnh của chiếc xe lăn. Bao nhiêu nỗi vất vả nhọc nhằn, mồ hôi và nước mắt mẹ hi sinh cho con là bấy nhiêu vòng xe cứ lăn nhanh theo thời gian, quay đều, quay đều... Mẹ không còn trẻ nữa, cả mái tóc đã điểm bạc, màu trắng của vôi.
Thời gian để lại đằng sau mái tóc ấy, ánh mắt ấy và dáng hình gầy nhỏ xanh xao ấy là một tác phẩm mà mẹ vẫn luôn miệng gọi ấy: Là tác phẩm đẹp nhất cuộc đời này. Chị bùi ngùi nói:
- Đến bây giờ tôi vẫn không dám tin rằng con mình lại thi đỗ được vào trường đại học. Các bạn cùng lớp có điều kiện đi ôn thêm chỗ này chỗ khác, còn con mình chỉ học trong sách vở và ở nhà thì làm sao mà thi đỗ được. Lúc ấy tôi vẫn khuyên cháu đi thi một cách tự tin, bình tĩnh làm bài để đạt kết quả tốt... Với tôi, những điều xảy ra quả thật quá sức tưởng tượng.
Nhìn đôi mắt thông minh và hiền hòa nói lên bao khát vọng hoài bão cháy bỏng của cậu con trai, chị dặn dò con:
- Vừa đưa con đi học, vừa lo việc đồng áng, sẽ vất vả đấy nhưng mẹ sẽ cố con ạ. Đỗ đại học rồi con cứ đi học, học lấy chữ để làm một người có ích cho xã hội.
Ánh mắt chị nhìn tôi cho thấy rõ chị đã đánh cược cả cuộc đời mình hi sinh tất cả để cho con được học hành tử tế. Khi mang nặng đẻ đau, dứt ruột sinh ra Hải, biết được căn bệnh quái ác của con mình, lòng người mẹ càng đau đớn. Nhưng bằng tất cả tình thương dành cho con, chị đã nén nỗi đau vào sâu thẳm trong lòng để hằng ngày chăm sóc, nuôi con ăn học. Ngoài thời gian đưa đón Hải, chị còn tranh thủ gánh hàng rong chạy khắp các ngõ để kiếm thêm tiền. Không được ở ký túc xá, chị Tâm phải mất mấy trăm nghìn đồng để nhờ "cò" chỉ cho ngôi nhà ở ngõ Giáp Nhất, phường Trung Hòa, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Và thế là người mẹ già lại lôi chiếc xe lăn ra tra thêm dầu, nắn lại cái bánh để tiếp tục sự nghiệp “chắp cánh ước mơ” cho con.
Căn phòng trọ mẹ tìm cho Hải, cách trường hơn 2km có đúng 5m2, chỉ đủ kê chiếc giường một và đặt chiếc xe lăn cho Hải là hết chỗ. Mọi vật dụng dành cho sinh hoạt hằng ngày như xoong nồi, bát đĩa, xô chậu đều phải nhét xuống gầm giường. Rồi tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt, sách vở học tập cho Hải... tất cả mọi thứ đều đắt đỏ, giờ theo con lên thành phố để đưa con đi học, chị chưa biết rồi đây sẽ xoay xở thế nào.
Chị bảo với Hải :
- Dù có ra ở lều, thì mẹ cũng vẫn quyết nuôi con được học hành tử tế. Mẹ đặt hết hi vọng vào con đấy!
Nói vậy để động viên con và tự động viên mình, chứ chị biết, bao khó khăn đang rình rập ở phía trước. Có lần chị ghé vào tai tôi nói thật:
- Chính vì em nó bị tật nguyền tôi lại càng phải cố cho nó học, để khi tôi chết đi thì may ra nó tự kiếm được tiền nuôi bản thân.
Chính sự quan tâm của bạn bè, thầy giáo, cô giáo, nhất là sự hi sinh to lớn của mẹ là động lực giúp Hải vượt qua khó khăn để học tập tốt. Kết quả năm học đầu tiên vừa qua (2008-2009), môn học nào của em cũng đạt loại khá trở lên. Chị Tâm càng cố gắng để vươn lên một cuộc sống bình đẳng hơn, tốt đẹp hơn, không bao giờ đầu hàng trước khó khăn thử thách phía trước.
Biết được thành tích học tập của con, chị đã khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt rơi càng làm tăng thêm niềm tin yêu và nghị lực phi thường, giúp chị vượt qua nghịch cảnh để bước đến một ngày mai tươi sáng.
Bài và ảnh: Tất Thắng
(*) Thơ Chế Lan Viên