 |
Địa đạo A Xoo trong lòng Đông Trường Sơn (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) |
Huyện Tây Giang (Quảng Nam) nằm trên trục hành lang Nam-Bắc. Nói một cách hình ảnh, Tây Giang như một nàng công chúa rừng xanh, nằm gối đầu chung dãy Trường Sơn với nước bạn Lào anh em, chân duỗi thon thả xuống đồng bằng bắc Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và án ngữ phía bắc Tây Nguyên rộng lớn.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tây Giang là một bộ phận căn cứ miền núi vững chắc của Quảng Nam, Quân khu 5 và nam Quân khu 4, vùng hạ Lào, đường hành lang tuyến, đường mòn Hồ Chí Minh, nơi tuyến đường tập kết ra Bắc vào Nam, nơi vận chuyển hàng hóa, vũ khí, nơi bí mật che giấu cán bộ, bộ đội. Đây cũng là vùng tranh chấp gay gắt giữa ta và địch.
Bức tranh Tây Giang đổi mới
Được tách ra từ huyện Hiên, 5 năm qua, Tây Giang đã nỗ lực vươn lên với sức trẻ và tầm nhìn của cán bộ lãnh đạo, chính quyền, ban ngành, đoàn thể huyện. Hơn 2/3 cán bộ là lớp trẻ, tuổi dưới 40, có sức khoẻ, sức bật dưới bóng cổ thụ, đại ngàn đông Trường Sơn. Họ chấp nhận về vùng sâu, vùng xa, khó khăn hơn khi chia tách từ huyện Hiên ra để xây dựng huyện mới.
Nhìn toàn cảnh, đến nay, tuy còn bề bộn khó khăn, tỉ lệ đói nghèo còn cao (67,23%), song Tây Giang đã có những thành quả đáng tự hào: 9/10 xã và 56/70 thôn có đường ô tô đến được mùa nắng; đầu tư ổn định nơi ở lâu dài cho 18/70 thôn; xóa được 2.641 nhà dột nát; 4/10 xã có trụ sở làm việc khang trang; 3 trường trung học cơ sở bán trú cụm xã kiên cố, có trường dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông, 8/10 xã có trường tiểu học kiên cố, 3 trường mầm non; 70/70 thôn có trường tiểu học và lớp mầm non với 6.346 học sinh ra lớp, bình quân 2,4 người dân có một người đi học. Huyện đã mở lớp đại học nông học hệ vừa học, vừa làm đào tạo 84 cán bộ huyện, xã; đầu tư cho 150 sinh viên học tại các trường đại học, cao đẳng trong nước (đặc biệt một thôn của xã Axan chỉ có 30 hộ với 220 khẩu mà có đến 15 sinh viên đại học); phổ cập trung học cơ sở xong ở 10/10 xã. 7/10 xã có bác sĩ đứng trạm. 5/10 xã được sử dụng điện lưới quốc gia và hơn 85% hộ gia đình có điện (thủy điện nhỏ) thắp sáng. 100% xã có điện thoại, bình quân 100 người dân có hơn 4 điện thoại cố định, 3/10 xã phủ sóng di động.
5 năm đối với một huyện vùng cao mới vừa chia tách mà thành tựu như thế là sự cố gắng phi thường. Ông Nguyễn Công Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang xác định: Huyện từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: cây đậu phộng cho năng suất sản lượng cao, lúa ba trăng, prông, xươn đặc sản địa phương; cây dược liệu quý như: sâm Giang Linh di thực từ huyện Nam Trà My về, ba kích, đẳng sâm, tr’đin... hiện phát triển tốt hy vọng trong tương lai trở thành hàng hóa. Tây Giang cũng chú trọng đầu tư trồng nhiều héc-ta rừng thuộc Chương trình 661 và hợp tác liên doanh, liên kết với doanh nghiệp. Ngành chăn nuôi luôn chú trọng tăng đàn gia súc, gia cầm. Huyện khuyến khích đầu tư nghề mộc, rèn, đan lát, dệt thổ cẩm cho thanh niên; khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao truyền thống, xây dựng phát triển 5 thôn văn hóa cấp tỉnh, 19 thôn văn hóa cấp huyện...
Tình người Tây Giang
Tôi được Bh’riu Liếc - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - một chủ tịch rất trẻ mời về dự kỷ niệm 5 năm thành lập huyện. Trời mưa, giao thông khó khăn, song nhiều phóng viên và các đại biểu không ngại đường xa trắc trở để đến với huyện mới.
Lễ hội kỷ niệm với sự nỗ lực vượt khó của các ngành, các cấp, có biểu diễn cồng chiêng và các điệu múa riêng của đồng bào Cơ-tu.
Tôi mê bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức phổ thơ Ngân Vịnh với lời lẽ thật là giản dị: Xích lại gần nhau đời sẽ hết buồn. Còn Tâng Tung Da’ Dă là điệu múa khỏe khoắn hồn vía nhất của đồng bào Cơ-tu. Các thiếu nữ trong sắc phục thổ cẩm tự dệt, hai chân nhún nhảy dịu dàng, hai tay dâng cao, cao hơn đầu, nhấp nhô theo tiếng trống chiêng như muốn nâng cả đại ngàn, nâng cả bầu trời. Điệu múa thể hiện sức mạnh của con người với trời đất, với thiên nhiên, khát vọng của con người với cuộc sống.
 |
Thung lũng A Xan |
Về với Tây Giang ta như được quay về với nhà mình bởi cái tình thân ái, gần gũi, mến khách. Đói ư, có khoai nướng đây. Khát ư, có nước lá cây rừng đây. Không có chỗ nghỉ ư, xin mời quý khách ghé nghỉ lại nhà gươl. Lạnh thì đã có bếp lửa quanh năm. Nóng thì đã có nước suối, có ngọn gió rừng hào phóng. Anh em văn nghệ sĩ, nhà báo khi đến được tiếp đãi ân cần chu đáo như người thân trong làng lâu ngày về lại; khi về được tặng quà, một thứ quà đặc sản mà chỉ có đồng bào Cơ-tu Tây Giang tặng, đó là 2 chai rượu ba kích “ông uống bà khen”.
Đặc sản văn hóa du lịch của Tây Giang
Lên với Tây Giang có những đặc sản văn hóa, di tích lịch sử thu hút hồn người. Đó là xem lễ đâm trâu, thưởng thức cơm nếp lam, sắn lam, rượu ba kích... và mới đây là địa đạo A Xoo trong lòng đại ngàn Đông Trường Sơn.
Cơm nếp lam thì tôi đã thưởng thức nhiều nơi, nhưng không có đâu thơm và dẻo như ở Tây Giang. Gạo nếp của đồng bào Cơ-tu được vuốt sạch trong nước, sau đó đem bỏ vào ống nứa bịt hai đầu lại bằng lá chuối và đem nướng lên. Khi lửa than cháy sem sém bốc lên mùi thơm lừng lựng, ấy là lúc chủ nhà mời khách thưởng thức. Cơm nếp lam ăn với hạt muối sống giã ớt chỉ thiên rừng, hoặc tiêu rừng. Được ăn bên nếp nhà sàn, ngắm nhìn trần nhà với các hoa văn trang trí hình chim, hình thú, hình người, nghe các làn điệu dân ca Cơ-tu của các thiếu nữ làng hòa cùng tiếng suối chảy xa róc rách..., không có gì thú vị bằng.
Sắn lam: Là người hay đi lại khắp các dãy Trường Sơn, gặp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tôi chỉ thấy đồng bào Cơ-tu ở Tây Giang mới có món ẩm thực văn hóa độc đáo này. Đây là món ăn dân dã, không phải là thứ để đãi khách. Nhưng những người dân thành thị hoặc nông thôn đồng bằng lên với bản làng đều thích dùng món này.
Cách làm đơn giản: Sắn gòn, sắn canh-nông dưới một năm tuổi, cạo sạch vỏ, xắt thành thớ xếp từng lát vào ống nứa già còn tươi (có chứa sẵn nước), lấy lá nhét kín miệng ống. Nướng trên bếp than hồng từ dưới đáy ống trở lên và ngược lại. Khi ống nứa bốc hơi thơm tho, dùng mác gọt lớp vỏ nứa ngoài lấy phần lõi, rồi chẻ đôi lõi ra, người ta có được món sắn lam chín múp, thơm lừng.
Khi đi rừng, lúc đói, có thể ngồi ăn sắn lam cùng cá sông, chim, sóc nướng hay kho rim bên tảng đá có dòng suối chảy qua, hoặc dưới bóng rừng nguyên sinh thì ngon không gì bằng. Lúc ở làng, bên bếp lửa hồng, chấm sắn lam với đậu phụng (lạc) rang, hoặc mè (vừng) rang giã nhỏ - hai đến ba cái thơm, ngon cộng hưởng lại những tưởng không có gì sung sướng bằng.
Rượu ba kích: Tôi đã thưởng thức rượu ba kích ở Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế), Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh. Mỗi nơi đều có cái vị ngon và thơm khác nhau. Song, rượu ba kích ở Tây Giang có cái hay là ngâm với sâm K5 Ngọc Linh, hoặc sâm K7 nổi tiếng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước - hai loại sâm đặc sản này không thua kém gì sâm Hàn Quốc, uống vừa dìu dịu, vừa ngòn ngọt.
Thấy Tây Giang có nguồn ba kích trong dân, trong rừng nhiều tiềm năng, tôi đặt vấn đề tham mưu cho huyện phải tìm nguồn đầu tư kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm này. Qua quen biết, tôi đã bắc nhịp cầu để Trưởng phòng Công thương đi xuống Đà Nẵng gặp lãnh đạo và cơ quan chuyên môn của Công ty Dược phẩm Trung ương 5. Ban giám đốc Công ty và anh em cơ quan nghiên cứu rất nhiệt tình sẵn lòng giúp đỡ huyện Tây Giang trong đỡ đầu kỹ thuật chế biến ba kích theo đúng quy trình bảo đảm chất lượng tốt. Phần mẫu mã, nhà báo Nguyễn Hữu Hương, chủ Dự án Gốm sông Hoài - nơi tập hợp các nghệ nhân nổi tiếng của các làng nghề gốm sông Hồng về - hứa sẽ giúp đỡ sớm tạo ra mẫu mã.
Địa đạo giữa đại ngàn
Chiến tranh đã đi qua. Ngỡ như bao di tích, lịch sử cũng phai nhạt theo cơm áo đời sống hằng ngày, nhưng không, bỗng chốc địa đạo giữa đại ngàn, đường xuyên núi tránh bom đạn một thời, đường Đông Trường Sơn được tìm ra rạng rỡ, bồi hồi.
Trầm tích kháng chiến được phát lộ, ký ức chiến tranh nghĩa tình quân-dân, đồng chí, đồng đội được đánh thức. Vừa đi vừa chạy cho nhanh để tránh vắt bám, vừa leo lên vừa trụt xuống phải bám lấy dây rừng, cây rừng để khỏi té ngã, vừa thở vừa chùi mồ hôi và nói chuyện kháng chiến. Một trong số bốn địa đạo trên mười hai cây số đường 559 qua Đông Trường Sơn tại đất Tây Giang đã được phát lộ. Địa đạo mới đào thông một đoạn qua một quả núi khoảng 100m. Khác với địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc, Tam Thăng, Đại Thắng (Quảng Nam), địa đạo của Tây Giang nằm ở đường dây 559, đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh.
Đây là Binh trạm 143 của bộ đội Trường Sơn năm xưa, là “món quà” vô giá dâng tặng kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn Hồ Chí Minh năm nay. Nó rộng và cao, đi lại dễ dàng, thỉnh thoảng có các ngách nhỏ chứa được 4-5 người. Địa đạo này được khoét trong lòng núi, trong chiến tranh có thể che chở cho cả trăm, cả ngàn người gồm bộ đội, du kích, đồng bào Việt Nam và Lào thoát khỏi bom đạn. Tôi cố tình đi sau để hỏi chuyện Alăng Đàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang. Anh chỉ cho tôi những hố bom, hầm bắn máy bay, hầm tránh pháo còn dấu vết trong rừng. Đặc biệt ở rừng này toàn cây gỗ quý. Tôi dùng máy điện thoại di động nối cuộc nói chuyện giữa Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn với Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Sáng. Anh Sáng “khoe” huyện nhà đã tìm ra địa đạo giữa đại ngàn Đông Trường Sơn năm xưa và có lời mời Tư lệnh về thăm. Thiếu tướng Nhung cho biết tháng 5 năm nay sẽ tổ chức kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn. Ông đã nhận lời mời.
Liên tục mấy ngày, các đài truyền hình địa phương, trung ương đều phát chương trình giới thiệu toàn cảnh địa đạo Tây Giang. Các tờ báo đều đưa tin, viết bài, thậm chí làm cả phóng sự ảnh quảng bá địa đạo hào hùng một thời. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn năm xưa đã khẳng định: Địa đạo ở Tây Giang là “doanh trại” của Binh trạm 143 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi nghĩ, không biết cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 143 ai mất ai còn, trong ngày hội ngộ tháng 5 giữa đại ngàn Tây Giang chắc có các anh trở lại và đồng bào Tây Giang sẽ dang tay đón mừng anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa về với làng mình.
Ghi chép của LÊ ANH DŨNG