QĐND Online - Say mê nghiên cứu và đặc biệt hâm mộ những tài năng, hơn 40 năm qua, ông đã theo đuổi mảng đề tài về những tài năng trẻ và tài năng tiêu biểu đỉnh cao trong giới trí thức cách mạng Việt Nam thế kỷ 20. Ông là nhà báo, nhà văn, học giả Hàm Châu - cây bút nổi tiếng và thân thiết với bạn đọc thường theo dõi mảng giáo dục. Những bài viết giàu thông tin và có sức lay động lớn là những gì chắt lọc được từ trải nghiệm thực tiễn cũng như từ quá trình tìm hiểu, học hỏi dày công của ông.

“Kết duyên” cùng giới trí thức

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức nho học có truyền thống lâu đời trên “đất học” Nam Đàn, Nghệ An, ngay từ thuở nhỏ, ông đã là một cậu học trò không chỉ giỏi các môn khoa học tự nhiên, mà còn giỏi cả văn chương và khoa học xã hội. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ông không theo nghiệp kinh doanh, mà rẽ bước sang nghề báo.

Nhà báo, nhà văn, học giả Hàm Châu

Với vốn kiến thức ngoại ngữ phong phú, ông được cử làm phóng viên ban quốc tế báo Hà nội mới ngay từ khi mới ra trường; sau đó, ông viết về phong trào thanh niên, có cơ hội tiếp xúc với giới trí thức trẻ. Từ khi mới bước vào nghề, ông đã tâm niệm phải có những bài viết mang phong cách riêng. Nhiều người bạn của ông từ thuở thiếu thời, về sau, đã trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý và nghệ sĩ nổi tiếng như Viện sĩ Đào Vọng Đức, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Cảnh Dinh, Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ… Do đó, những bài viết của ông về họ không hề dừng lại ở những cuộc trao đổi, tìm hiểu, gặp gỡ ngắn ngủi, mà ẩn chứa sự thấu hiểu sâu xa về những con người ấy từ khi họ còn trẻ cho đến lúc thành đạt.

Theo đuổi đề tài về giới trí thức từ những năm 1970 - thời điểm chưa có một cây bút thứ hai nào viết về “mảng miếng” này, ông cho rằng, bài viết của mình không chỉ chú trọng vào việc cung cấp thông tin, mà còn phải “đi” vào tâm hồn, ước vọng, để những con người ấy trở thành nhân vật thật sự “sống”. Chính vì vậy, bài viết của ông có sức lay động xã hội, lan tỏa trong giới trẻ, giúp họ tìm thấy những tấm gương sáng láng, hay hơn nữa, những thần tượng của mình, với nhân cách cao và tài năng lớn.

Dù nhiều năm giữ cương vị quản lý báo chí, ông vẫn không hề rời tay bút, xa lánh mảng đề tài mà mình từng theo đuổi, với ý chí học hỏi không ngừng. Ông viết nhiều về các tài năng tiêu biểu đỉnh cao của giới trí thức cách mạng Việt Nam thế kỷ 20, phần lớn họ là những nhà khoa học được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh như GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Phạm Ngọc Thạch, GS Trần Đại Nghĩa, GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm… Ông cũng viết về các tài năng trẻ, những học sinh giành huy chương trong các kỳ thi quốc tế, về sau, trở thành những nhà khoa học nổi tiếng như GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn, GS Nguyễn Tiến Dũng, GS Lê Tự Quốc Thắng...

Cái khó là hiểu và thấm thía cuộc đời của họ

Khi viết về GS Tôn Thất Tùng với phương pháp cắt gan khô nổi tiếng thế giới, ông tự đề ra yêu cầu phải đọc các tài liệu không chỉ bằng tiếng Việt mà bằng tiếng nước ngoài, để làm cho bài viết trở nên đáng tin cậy, chuẩn mực. Bài viết không quá đi sâu vào học thuật, không khó hiểu như những công trình chuyên môn, nhưng phải có cái nhìn và tầm nhìn khoa học, chính xác, để có thể thuyết phục được bạn đọc rộng rãi cũng như giới trí thức chuyên sâu “rất khó tính”.

Hay như khi viết về GS Hoàng Tụy, ông dành hàng tháng trời đọc về lý thuyết tối ưu toàn cục và nhiều tài liệu khác trong nguyên bản tiếng Anh, cho đến khi nắm thật chắc nhân vật, sự kiện, mới bắt tay vào viết…

Cuốn sách Ngô Bảo Châu - một “Nobel toán học” được xuất bản vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

 

Cuộc đời và sự nghiệp của những trí thức tiêu biểu, dưới ngòi bút của ông, cứ thế hiện lên thật gần gũi, khiến người đọc cảm nhận và dần dà hiểu được những tài năng ấy một cách rõ ràng hơn. Không những thế, giới trẻ coi bài viết của ông như những kênh thông tin dễ hiểu về thần tượng của mình, thúc giục họ dấn bước trên con đường thực hiện khát khao, hoài bão.

Mới đây nhất, ông giới thiệu với bạn đọc nhiều điều thú vị về một con người ở đỉnh cao trí tuệ nhưng rất giản dị, khiêm nhường - GS Ngô Bảo Châu, qua cuốn Ngô Bảo Châu - một “Nobel toán học”. Ông là người theo dõi hành trình học tập, nghiên cứu và khám phá toán học không thiếu chông gai, để mang về một vinh quang - không những cho riêng GS Châu, mà còn cho Tổ quốc - từ những năm anh còn ngồi trên ghế nhà trường trung học, đại học. Có thể coi cuốn sách mới của ông về GS Châu như một chiếc chìa khóa giúp thế hệ trẻ mở cánh cửa tự tin, vững bước vào tương lai. Cuốn sách xuất bản nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, như một lời tri ân dành tặng các thầy, cô giáo đã có công “vun trồng” những thế hệ học trò từ mầm xanh trở thành “đại thụ” căng tràn nhựa sống.

Nhà báo, nhà văn, học giả Hàm Châu  bắt đầu làm báo từ năm 22 tuổi. Từng là phóng viên báo Hà nội mới, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Tổ Quốc, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, phóng viên cao cấp phụ trách báo Nhân Dân Cuối Tuần. Hiện nay, là Phó Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí đối ngoại tiếng Anh Vietnam Cultural Window, đồng thời là Cố vấn Báo điện tử Doanh Nhân Việt Nam Toàn Cầu (dvt.vn). Đã được tặng Giải Nhất báo chí toàn quốc năm 1982.

Dù không tự nhận là người “chép sử” cho giới trí thức, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy những bài viết của ông về những trí thức lớn cũng như những tài năng trẻ luôn bắt đầu từ khi họ còn là những cô, cậu học trò, qua quá trình trưởng thành và đạt đỉnh cao. Cuộc đời của những tài năng ấy, dưới ngòi bút ký sự, kết hợp thủ pháp báo chí với thủ pháp văn chương của nhà báo, nhà văn, học giả Hàm Châu, như tái hiện một phần lịch sử đầy tự hào của đất nước. Cuộc đời của giới trí thức là ánh xạ của hình ảnh đất nước Việt Nam đi vào khoa học và công nghệ. Trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có thể sánh ngang trí tuệ của các nước phát triển cao trên thế giới, tạo động lực và niềm tin bất tận cho tuổi trẻ Việt Nam.

Nhà báo Hàm Châu là một trong số ít nhà báo viết về khoa học luôn được mời đến dự các hội nghị vật lý quốc tế ở Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc... Điều đó không hề khó hiểu nếu biết rằng ông luôn coi việc viết một tác phẩm báo chí cũng phải chính xác như làm toán, chuẩn mực, chặt chẽ từng câu, từng chữ, không thừa, không thiếu. Mỗi bài viết luôn thể hiện sự tôn trọng bạn đọc, cũng như tôn trọng phong cách của chính mình.

Thu Hà