Từ thành phố Vinh, vượt hơn 100km chúng tôi về xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, nơi có một cái nghề rất lạ - “nâm” trâu trong rùng sâu. Quanh năm, suốt tháng những người đàn ông khỏe mạnh thay nhau vào rừng “nâm” trâu. Từ những đàn trâu là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình và cũng từ đàn trâu mà nhiều con em trong xã đã trở thành những cử nhân, bác sĩ…

“Nâm” trâu

“Nâm” trâu theo bà con nơi đây giải thích là đưa trâu vào trong rừng sâu để chăn thả nhưng không phải là thả rông mà có người quản lý. Ở mảnh đất này, hộ ít nhất cũng có vài con trâu, bò, nhiều cũng lên tới vài chục con. Vì vậy mà cứ mùa màng xong, ba, bốn nhà lập thành một tổ để đưa toàn bộ đàn trâu của tổ vào trong rừng sâu để chăn. Mỗi tổ như vậy, đàn trâu có thể lên tới 5 chục con, họ tìm nơi có nhiều cỏ để trâu có thể ăn cả thời gian dài. Trại trâu được dựng lên giữa rừng, thường là địa điểm bằng phẳng gần nguồn nước. Trại trâu rộng 800 đến 1000m2 và lán trại của người chăn trâu cũng được dựng sát chuồng trâu. Để có nguồn thức ăn phong phú nên các trại trâu phải cách ít nhất là 1km.

Anh Lê và anh Hùng lùa trâu về trại

Theo anh Nguyễn Hồng Nhật, từ điểm gửi xe máy hơn 2 tiếng đồng hồ băng rừng, lội suối, chúng tôi cũng đến được trại trâu của các anh Công, Xuân, Thế, Hùng. Chuồng trâu của các anh rộng chừng 800m2, được vây kín bởi những cây rừng chắc chắn, trong đó có 5 lán che bằng phên nứa cho trâu trú khi mưa, gió cho đàn trâu 35 con. Còn cách đó chừng 15m là một cái lán nhỏ sạch sẽ là nơi dành cho chủ nhân của những đàn trâu. Hôm nay, đến lượt anh Thế và anh Xuân trực, để anh Công và anh Hùng về nhà sau một tuần lễ trong rừng. Với họ đây là tài sản lớn nhất của cả gia đình và là tiền cho con cái ăn học.

Anh Thế cho biết: “Chăm đàn trâu này cũng mệt lắm, 5 giờ sáng dậy kiểm trâu, thả cho chúng đi ăn, rồi về quét dọn chuồng trại, chiều đến lại lùa trâu về chuồng”. Nói thì nói vậy, nhưng đó là những ngày đàn trâu khoẻ mạnh, còn những lúc trâu lạc đàn hay bệnh dịch thì thật khốn khổ. Chiều đến, kiểm thấy trâu thiếu là lại chuẩn bị một bó đuốc thật lớn, sang các tổ khác để nhờ sự giúp đỡ. Cuộc tìm kiếm chỉ kết thúc khi con trâu lạc đàn được đưa về chuồng an toàn. Đã có những cuộc tìm kiếm kéo dài cả chục ngày rong ruổi trong rừng. Có khi trâu tìm không thấy mà người cũng bị lạc giữa rừng sâu sang cả huyện khác, những người ở đây kể về chuyện anh Nguyễn Văn Tứ một chiều không thấy đàn trâu về đủ nên đã đi tìm, nhưng mãi đến nửa đêm cũng không thấy về, gia đình hốt hoảng vì anh bị mắc chứng thần kinh giản. Vậy là các lán trại lại “họp” cùng người nhà để tổ chức một cuộc tìm kiếm cả đêm nhưng vẫn không thấy, mãi đến ngày hôm sau thì anh đã được một người dân ở huyện kế bên chở về bằng xe máy. Thế nhưng chuyện mà những người canh trâu sợ nhất không phải là lạc đường mà là bệnh dịch, anh Hùng tâm sự: “Mặc dù trâu ở trong rừng nhưng cứ 6 tháng một, chúng tôi lại thuê người vào tiêm phòng dịch cho trâu. Còn khi thấy con nào bị bệnh thì sẽ được tách riêng và báo cho các tổ khác chuẩn bị đối phó nên chẳng mấy khi dịch bệnh lan rộng được”. Một điều nữa làm những người quản trâu sợ nhất là bóng đêm, giữa núi rừng đại ngàn, đêm xuống không một phương tiện giải trí nào có thể đến đây được. Trại luôn có hai người nhưng xem ra các anh quá nhỏ bé trước bóng tối của những cánh rừng. “Đêm rừng nó dài lắm chú à! Có những đêm không ngủ được nằm nghe tiếng côn trùng kêu, rồi lại lo lỡ có bạo bệnh thì chỉ có khổ”. Anh Lê tâm sự. Những lúc như vậy các anh lại cùng những người khác cõng bạn mình băng rừng giữa đêm tối.

Vất vả để nuôi những cử nhân

Đức Sơn hằng năm có số con em đậu đại học và cao đẳng vào loại cao của huyện. Hiện xã này có hơn 200 sinh viên theo học ở các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Nói như ông Nguyễn Văn Phán, một cán bộ xã này: Nhờ “nâm” trâu mà nhiều gia đình trong xã nuôi cả ba bốn cử nhân đấy.

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Ngô Phúc ở xóm 9, hiện đang có ba người con theo học đại học và cao đẳng. Cô con gái đầu của anh vừa tốt nghiệp ngành sư phạm Địa lý, Trường đại học Sư phạm Huế; con thứ hai đang học Trường cao đẳng Văn thư lưu trữ ở Hà Nội; người con thứ ba theo học cử nhân Văn ở đại học Vinh. Anh Phúc tâm sự: “Ở đây mỗi năm nếu chỉ biết nhờ vào hai vụ lúa thì chưa đủ ăn chứ nói gì đến có tiền cho con cái ăn học, tất cả là nhờ đàn trâu đấy”. Đàn trâu của anh trước đây đông nhất xã, cứ mùa màng xong là anh lại cùng những người khác lùa trâu vào đóng trại ở vùng Đá Bạc, khu vực giáp với huyện khác để “nâm” trâu. Nhờ được chăm sóc chu đáo mà đàn trâu của anh luôn béo tốt, sinh trưởng nhanh nhưng cũng không kịp với những khoản tiền mà các con anh phải đóng góp ở trường. Anh nói: “Đêm rừng nó dài và buồn lắm, chỉ biết lấy sự trưởng thành của con cái để tự an ủi mình”.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như anh Phúc, cũng “nâm” trâu nhưng anh Công, Thế, Hùng… vẫn đang còn mong mỏi cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Chúng tôi còn nhớ lời anh Công: Con gái đầu của tôi không có điều kiện học hành nên đang làm thợ may ở thành phố Hồ Chí Minh, vừa rồi đưa cô con gái thứ hai đi thi ở Huế về giờ cũng chỉ mong nó đậu. Dù có phải ở rừng “nâm” trâu cho nó học thì tôi cũng mãn nguyện.

Rời xã Đức Sơn khi một số trường đại học, cao đẳng đã công bố điểm. Người ta lại bàn tán chuyện con ông Phương ở trại trâu Khe Chuối thi vào Trường đại học Kinh tế quốc dân đạt 24 điểm và nhiều nhiều nữa những tên khác. Khi các trường đại học, cao đẳng có giấy gọi nhập học thì những cử nhân, kỹ sư… tương lai của xã lại đổ về thành phố. Cũng là lúc các trại trâu trong rừng sâu giảm đi 5 đến 7 con.

Lại nghĩ đến câu nói của ông bà dạy với những người nông dân: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” chẳng bao giờ sai.

Bài và ảnh: VIẾT LAM