Quân Mỹ bị thương vong trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Vậy mà đến Mậu Thân 1968 thì sao?

Trước Tết Mậu Thân, số quân Mỹ có mặt tại miền Nam Việt Nam đã lên tới 47 vạn, gồm tất cả các quân binh chủng có truyền thống chiến đấu lâu đời nhất của nước Mỹ. Cơ quan MACV, núp dưới tên gọi là Bộ tư lệnh yểm trợ quân sự, thực chất không còn “yểm trợ” nữa mà trực tiếp chiến đấu. Báo chí Mỹ mỉa mai gọi là Ít Pen-ta-gôn, tức “Lầu Năm Góc phương Đông”. Bản báo cáo của Oét-mo-len gửi về Lầu Năm Góc khẳng định tình hình đang khả quan, quân đội Sài Gòn đang làm chủ tình thế, từ năm 1968 Mỹ có thể tuần tự rút bớt một số quân về nước. Đúng lúc đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam bùng nổ vào dịp Tết Mậu Thân.

*

* *

Diễn biến về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã được nhắc tới nhiều. Ở đây, tôi chỉ xin trình bày mấy điểm có liên quan tới Oét-mo-len.

Có nhiều bài viết và nói cho rằng, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ta giữ được bí mật tuyệt đối, vì vậy tạo được thế bất ngờ dẫn đến thắng lợi lớn. Sự thật không hoàn toàn đúng như vậy. Những hồ sơ lưu trữ của MACV cho biết, ngày 19-11-1967, tức 25 ngày trước khi xảy ra “sự kiện Tết Mậu Thân”, trong cuộc càn quét ở phía nam Đà Nẵng, lính Mỹ đã bắt được một chỉ thị của phía ta, nói về “cuộc Tổng tiến công và nổi dậy sẽ diễn ra”. Ngày 15-1-1968, đích thân Oét-mo-len đã họp riêng một buổi với trung tướng Phi-lip Đa-vi-xơn, cùng phán đoán cuộc tiến công này sẽ nổ ra vào trước Tết hay sau Tết. Rất tự tin vì là một người nghiên cứu kỹ về phong tục tập quán và lịch sử Việt Nam, Oét-mo-len phân tích: Việt cộng sẽ nổ súng vào dịp trước Tết với hy vọng sẽ giành thắng lợi lớn để tổ chức ăn mừng chiến thắng như vua Quang Trung, chứ không chờ đến sau Tết vì sau khi nghỉ Tết, quân đội Sài Gòn sẽ phấn chấn tăng cường sức lực và tinh thần chiến đấu. Oét-mo-len còn giải thích, Việt cộng không bao giờ tiến công vào giữa ngày Tết vì theo phong tục tập quán của Việt Nam “kiêng” không “động thổ” vào những ngày Tết. Vì những lẽ đó, Oét-mo-len quả quyết 60% cuộc tiến công lớn sẽ nổ ra vào thời điểm trước Tết, vì đó là lúc quân đội Sài Gòn đang nóng lòng chờ đợi nghỉ Tết, chắc sẽ lơ là cảnh giác. Khả năng Việt cộng tiến công vào đêm 30 Tết là 0%. Đa-vi-xơn sau khi nghe Oét-mo-len phân tích một cách rất thông thạo cũng nhất trí khẳng định, cuộc tiến công sẽ bùng nổ 40% vào sau Tết, 60% vào trước Tết, 0% vào giữa Tết.

Nhưng như mọi người đều biết, cuộc tiến công và nổi dậy đã bùng nổ vào đúng dịp Tết. Điều này đã làm cho Oét-mo-len “mất mặt” vì bị dư luận phê phán: Thà rằng không biết chút gì nên bị tiến công bất ngờ đã đành, nhưng biết trước mà vẫn không ngăn chặn được cuộc tiến công lớn về cả quy mô, phạm vi và cường độ thì quả là một tội lỗi không thể nào tha thứ được, nhất là cuộc tiến công này không chỉ đánh vào các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn mà cả Đại sứ quán Mỹ, tiêu biểu cho bộ mặt của Hoa Kỳ cũng bị tập kích.

Cùng với Sài Gòn, tất cả các đô thị lớn đều bị ngập tràn dưới làn sóng tiến công và nổi dậy trong đó có cố đô Huế nằm ngay trong Vùng 1 chiến thuật đông quân nhất, sát gần các căn cứ lính thủy đánh bộ nổi tiếng là thiện chiến nhất của Mỹ. Các lực lượng vũ trang cách mạng cùng với nhân dân đã làm chủ thành phố quan trọng này gần một tháng, đương đầu với các lực lượng hải, lục, không quân Mỹ. Trong cuốn sách dày 386 trang nhan đề Tết viết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp lãnh thổ Nam Việt Nam, nhà nghiên cứu Đôn Ô-béc-đpho đã dành cả trang 6 và 7 viết về cuộc tiến công và nổi dậy, làm chủ dài ngày ở Huế của lực lượng cách mạng, gọi đây là một cuộc chọi sức quyết liệt và gọi Mỹ là người có thể bị đánh bại. Cho mãi tới nay, dư âm về sự kiện Huế trong Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn rung động tinh thần lính Mỹ. Tạp chí VVA Veteran, tiếng nói chính thức của các cựu chiến binh Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam, trong số tháng 6-2007, vẫn còn đăng bài giới thiệu cuốn sách mới xuất bản gần đây viết về những trận đánh của lính thủy đánh bộ Mỹ ở cố đô Huế hồi Xuân Mậu Thân 1968, nhan đề Ma-rin-nơ ở TP Huế.

Cùng với sự kiện Xuân Mậu Thân, Oét-mo-len còn bị chỉ trích gay gắt nhất, dai dẳng nhất về việc đưa lính thủy đánh bộ Mỹ lên chiếm giữ Khe Sanh khiến cho lực lượng này bị vây hãm dài ngày, thậm chí không ứng cứu được cho Huế và nhiều địa điểm cần kíp khác đang bị tiến công và nổi dậy. Trong “sự kiện Khe Sanh”, Oét-mo-len đã phạm sai lầm rất cơ bản là khẳng định đối phương có ý đồ biến Khe Sanh thành một Điện Biên Phủ thứ hai, tới mức khi lực lượng cách mạng đã tập kích vào Sài Gòn, Oét-mo-len vẫn phán đoán Sài Gòn chỉ là mũi nghi binh có tính chất giương công, chính Khe Sanh và Tây Nguyên mới là những mục tiêu đánh chiếm của Việt cộng. Cuộc chiến đấu dài ngày tại Khe Sanh thật sự là một cuộc đấu mưu, đấu trí giữa Bộ chỉ huy hai bên đối địch, nó còn là một cuộc thử sức, đấu sức giữa những người lính ngay tại chiến trường. Trong cuộc đọ sức này, lính thủy đánh bộ Mỹ không chỉ tổn thất về thể xác mà còn sa sút về tinh thần như nhiều bình luận viên quân sự của Mỹ đã nhận xét.

Một điều rất cay đắng là, đỉnh cao trong việc chôn vùi sự nghiệp Oét-mo-len lại chính là do bản thân Oét-mo-len tự tạo ra là chủ yếu. Trong cơn hoảng loạn về sự kiện Xuân Mậu Thân 1968, Oét-mo-len đã yêu cầu ném hai quả bom nguyên tử chiến thuật xuống khu vực Khe Sanh để giải vây cho lính Mỹ và đưa ngay sang Việt Nam 208.000 quân Mỹ hỗ trợ cho quân đội Sài Gòn đang rệu rã, chìm ngập dưới lớp sóng đỏ tiến công và nổi dậy. Đứng về mặt thuần túy quân sự mà xét, đây đúng là những biện pháp cuối cùng để gỡ nguy, nhưng cả Nhà Trắng lẫn Lầu Năm Góc đều không thể nào chấp nhận được và Tổng thống Mỹ đã phải triệu hồi Oét-mo-len về nước. Sự nghiệp cầm quân của Oét-mo-len thật sự chấm dứt sau khi toàn bộ uy tín, uy lực, uy thế thử thách ở Việt Nam đều suy sụp.

*

* *

Công bằng mà xét, Oét-mo-len đúng là một viên tướng năng nổ, cần mẫn, ham học hỏi và nghiên cứu, được đào tạo có bài bản một cách hoàn hảo về hai mặt tham mưu và tác chiến, trở thành một người cầm quân tự tin và quyết đoán. Mặc dù có nhiều chiến công trên các chiến trường Bắc Phi và Tây Âu trong cuộc chiến tranh chống phát-xít Đức, khi tới Việt Nam, Oét-mo-len vẫn tỏ ra thận trọng sau khi tìm hiểu rất kỹ về lịch sử dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến đã lập nên nhiều kỳ tích trong chiến thắng chống ngoại xâm, gần nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng, do tư duy máy móc, cứng nhắc vốn là đặc tính của những võ quan được đào tạo trong “lò luyện chiến tranh” của chủ nghĩa tư bản, Oét-mo-len thiếu tính linh hoạt, biện chứng trong khi đối đầu với một cuộc chiến tranh nhân dân muôn hình, muôn vẻ ở Việt Nam. Như nhiều nhà bình luận quân sự Mỹ đã nhận xét, chính vì quá hiểu biết về phong tục tập quán của Việt Nam “không động thổ” trong ngày Tết nên Oét-mo-len đã “bất ngờ mặc dù biết trước” khi cuộc tiến công và nổi dậy bùng nổ giữa ngày Tết Mậu Thân. Cũng vì quá hiểu kỹ về thảm bại của Pháp ở Điện Biên Phủ nên Oét-mo-len đã dồn sức vào Khe Sanh và bị “sập bẫy”. Đến khi yêu cầu ném bom nguyên tử xuống khu vực Khe Sanh và gửi gấp đến Việt Nam hơn 20 vạn quân nữa thì quả là Oét-mo-len lộ nguyên hình là một võ tướng chỉ biết tận dụng sức mạnh vũ khí và quân số mà không mưu lược và rất vô chính trị.

Xét cho cùng đây không phải là trận thất bại của riêng Oét-mo-len và cũng không phải chỉ riêng Oét-mo-len phải chịu trách nhiệm. Như chính nhiều nhà nghiên cứu Mỹ đã nhận xét, đây là một chuỗi sai lầm của 5 đời Tổng thống Mỹ, bắt đầu từ Ai-xen-hao trong việc tiếp tay cho thực dân Pháp qua Ken-nơ-đi, Giôn-xơn, Ních-xơn ngày càng dấn sâu thêm vào “vũng lầy Việt Nam” để cuối cùng là Giơ-ran Pho chứng kiến nhân dân Việt Nam “đánh cho Mỹ cút” rồi tiếp tục “đánh cho ngụy nhào”. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân quật ngã cả Oét-mo-len và Giôn-xơn chính là tiếng kèn báo tử cho cuộc phiêu lưu đầy tham vọng của Mỹ ở Việt Nam.

LÊ KIM