 |
Tàu khách thăm quan trên sông Ly Giang |
Trên sông Ly Giang rất dễ dàng nhận thấy những thuyền, những mảng của người dân đánh cá, quăng chài. Lại thấy từng đàn chim cốc lặn xuống dưới nước bắt cá mang về cho chủ thuyền, như những kẻ làm công trung thành.
Ly Giang là một con sông dài 437 km chảy qua Quế Lâm… Dòng sông có chỗ rộng tới 300 mét nhưng có chỗ chỉ vài chục mét. Chỗ nước sâu có khi tới 30 sải. Dòng sông như một tấm gương phản chiếu những cảnh đẹp mê hồn hai bên bờ. Cảnh quan sông nước Ly Giang được người Quế Lâm khái quát: Sơn thanh, thuỷ tú, động kỳ, đá mỹ (tạm dịch là Sông núi tươi đẹp mê hồn, hang động kỳ thú, đá quý đẹp tuyệt vời).
Trong bữa tiệc trên thuyền, vị đại diện cho Nhân Đại thành phố Quế Lâm trích một câu ngạn ngữ của người Trung Quốc: “ Đến Quế Lâm một lần, muốn làm người Quế Lâm, mà không muốn làm tiên”, ý muốn nói được sống ở Quế Lâm là một diễm phúc, bởi môi trường và cảnh quan nơi đây hơn cả nơi thần tiên. Ngành du lịch Quế Lâm, có nguồn thu rất lớn, trong đó có nguồn thu từ hằng trăm con tàu du lịch chạy trên sông.
Đại lục Trung Hoa có vùng đồi núi trùng trùng, có vùng “Thập vạn đại sơn”, xa duyên hải. Giữa nơi “sơn liền sơn” lại gặp dòng Ly Giang xanh trong đến vậy, lòng người như dịu lắng cùng thiên nhiên. Chả thế mà dịp cuối tuần, hay ngày lễ, tàu thuỷ trên sông của công ty Guilin tourist “cháy chỗ”. Một chuyến du lịch nửa ngày trên sông, tính cả dịch vụ ăn uống trên thuyền, giá khoảng 300 tệ, tương đương với gần 600 ngàn đồng Việt Nam. Thú chơi của thanh niên sành điệu Quế Lâm là thuê tàu cao tốc, hoặc mảng nứa, lắp máy nổ chạy từng đoạn trên sông, tới các bãi đá dừng thuyền hạ trại và píc-ních theo các lối mòn lên núi đá.
Dọc sông, chốc chốc chúng tôi lại gặp những tốp học sinh đi tàu thăm quan Ly Giang, họ từ miền bắc tới, tiếng hát tiếng đàn vẳng trên sông réo rắt, xen lẫn tiếng còi trầm đục của con tàu tắt đi xa xa về phía rừng.
Quế Lâm với người Việt Nam không xa lạ. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, hàng ngàn lưu học sinh của Việt Nam đã được đào tạo và nuôi dưỡng ở miền đất này. Nhiều người bây giờ đã trở thành cán bộ cấp cao của các bộ ngành. Nhớ buổi trao đổi với trường Đảng Trung ương Trung Quốc, các bạn Trung Quốc hiện rất coi trọng việc xây dựng một xã hội chủ nghĩa hài hoà, trong đó có vấn đề con người thân thiện với thiên nhiên. Kinh nghiệm quản lý môi trường ở Quế Lâm cũng là vấn đề mà đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam rút ra nhiều bài học về giám sát và xây dựng thể chế pháp luật về môi trường.
* *
*
Từ Quế Lâm về Nam Ninh chỉ hết khoảng gần một giờ bay. Thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang-Quảng Tây chính là thành phố Nam Ninh. Toàn khu phân thành 14 thành phố địa khu là Nam Ninh, Liễu Châu, Quế Lâm, Ngô Châu, Bắc Hải, Cảng Phòng Thành, Khâm Châu, Quý Cảng, Ngọc Lâm, Hạ Châu, Bách Sắc, Hà Trì, Lai Tân, Sùng Tả.
 |
Những ngôi nhà sinh thái ngày càng nhiều ở thành phố |
Ưu thế của Quảng Tây có 8 huyện giáp với Việt Nam, hiện có 12 cửa khẩu biên giới, trong đó có 5 cửa khẩu cấp 1 quốc gia là Đông Hưng, Bằng Tường, Hữu Nghị Quan, Thủy Khẩu, Long Bang, ngoài ra còn có 25 điểm giao dịch giữa nhân dân vùng biên giới. Đường sắt Tương Quế (Hồ Nam – Quảng Tây) nối liền với hệ thống đường sắt của Việt Nam. Vì thế giao thương giữa Quảng Tây và Việt Nam có nhiều thuận lợi.
Quảng Tây có một nền văn hóa dân tộc phong phú và nhiều màu sắc, có nhiều lễ hội ca hát quanh năm của các dân tộc như: lễ ca hát “3 tháng 3” của dân tộc Choang, lễ “Đạt Nỗ” của dân tộc Dao, lễ khèn của dân tộc Miêu, lễ pháo hoa của dân tộc Đồng cùng với món “trà dầu” độc đáo. Tháng 11 hàng năm, tại thủ phủ Nam Ninh, chính quyền Quảng Tây tổ chức lễ hội dân ca quốc tế, thu hút đông đảo người yêu thích nghệ thuật trong và ngoài nước. Các hình thức nghệ thuật ở địa phương có Quế kịch, Choang kịch, Thái điệu, Việt kịch, trống da cá Quảng Tây, âm nhạc trống đồng…
Cô giáo Lê Bình (LePing), một người đã học tại Khoa ngôn ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội, hiện Lê Bình đang dạy tại khoa ngoại ngữ Trường đại học các dân tộc Quảng Tây. Cô giáo Lê Bình cho biết người dân tộc Choang chiếm xấp xỉ 50% dân số ở khu tự trị này, nhưng 12 dân tộc anh em được chính quyền khuyến khích phát huy các thiết chế văn hoá, coi trọng bảo lưu các tập tục và phong cách. Trên bức tường “Đại lễ đường Quảng tây” có một bức vẽ khổ lớn, mô tả 12 dân tọc anh em ở Quảng Tây đang ca hát say sưa. Nhiều kiến trúc và hoa văn trên các công trình văn hóa ở Nam Ninh đều đậm dấu ấn của dân tộc nơi đây.
Nam Ninh có chợ hoa, cây cảnh, nhưng cây cối ít, mà bán nhiều các đồ lưu niệm và đồ giả cổ. Chúng tôi thấy có những thanh gươm đã gỉ xỉn, những đồng tiền cổ và rất nhiều những viên đá được đục đẽo thành hình các nhân vật lịch sử, hoặc 12 con giáp. Một thương gia từ Bắc Kinh đến đây, mua cả 4 con giáp mà thành viên trong gia đình ông năm sinh trùng với năm mang tên các con vật. Đồ cổ, đá quý là món trang sức sang trọng trong các gia đình ở trung quốc. Lê Bình bảo thế, họ thường bày trong các tủ rượu, đá càng cổ càng sang trọng.
Khách sạn Nam Phương ở Nam Ninh có tầng lầu thứ 22 là nơi ngắm cảnh, quay tròn, cứ sau một giờ quay được một vòng.Từ trên cao nhìn Thành phố Nam Ninh là một thung lũng, hiện đã chen chật những toà nhà cao tầng, xa xa là những khu nhà mới, dày đặc cây xanh kéo dài tới những ngọn núi phớt xanh.
Trong buổi trao đổi , các lãnh đạo của Quảng Tây vui vẻ cho biết, 8 năm liền Việt Nam là bạn hàng lớn nhất của khu tự trị này. Hiện có 17 doanh nghiệp của Quảng Tây đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó có công nghiệp ô tô cơ giới nhỏ.
Quảng Tây coi trọng tạo việc làm cho nông dân. 20 triệu nông dân đã được chuyển đổi công việc làm ở thành phố. Với dân số hơn 49 triệu người, đứng thứ 10 dân số của Trung Quốc, năm 2006, GDP của Quảng Tây đạt 48 tỉ nhân dân tệ, tốc độ tăng GDP 13,6%. Nhờ chính sách khai thác quy mô miền tây của Trung Quốc, giờ đây Quảng Tây, trong đó có thành phố Nam Ninh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế với Việt Nam trong chương trình “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”.
Bí thư Lưu Kỳ Bảo cho biết, ông rất coi trọng đến tốc độ phát triển kinh tế thương mại giữa Quảng Tây với Việt Nam. Chỉ tính từ tháng1 tới tháng 3 – 2007, mức tăng trưởng trao đổi hàng hoá ở khu vực này đã đạt 13,5%.
Đi thăm “Lệ Viên sơn trang”, mọi người trầm trồ thán phục một khu vực rộng lớn được người Nam Ninh xây dựng chỉ trong 9 tháng với chi phí 100 triệu USD.Đây là khu nghỉ của các nguyên thủ các nước ASEAN trong lễ kỷ niệm 15 năm quan hệ Trung Quốc – ASEAN tổ chức tại Nam Ninh năm 2006. Những toà nhà sang trọng thấp tầng, viền quanh những quả đồi được xén gọn gàng làm đường giao thông, nhưng trên vạt đồi lại là những bức vẽ bằng cây xanh, tạo thành một vùng cảnh quan hoành tráng, kì vỹ. Ở Quế Lâm hay Nam Ninh, có nhiều người dân đi xe máy hơn các tỉnh miền bắc. Xe đạp điện đang trở thành mốt của thanh nữ Quảng Tây, điều này phù hợp với chủ trương của các thành phố chống ô nhiễm.
Đến Thanh Tú sơn, một cảnh quan đẹp ở vùng bán sơn địa của Nam Ninh, càng thấy bàn tay con người Quảng Tây đã dày công tỉa xén, khiến cho nơi đây trở thành một công viên lớn với mô hình khủng long, quanh đó là cây bách ngàn tuổi, cây tùng trăm năm… một vườn rừng kỳ thú.
Trong ngày cuối cùng công tác tại Trung Quốc, đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thăm trung tâm triển lãm kỹ thuật nông nghiệp tại Nam Ninh. Cả một vùng rộng lớn là những dãy nhà kính, trong đó gieo trồng hàng trăm loại cây với điều kiện đảm bảo môi trường sinh thái tốt nhất. Đoàn khách Việt Nam dừng lại hồi lâu bên những thân cây dây leo khẳng khiu mà cho ra những trái ớt nặng nửa kilô, Vừa là khu trại trồng trọt, vừa là vườn thí nghiệm, vừa là nơi học tập của sinh viên, trung tâm này đã được nhiều nguyên thủ quốc gia các nước đến tham quan, trồng cây lưu niệm.
Thăm các thành phố trong thời gian ngắn ngủi, chúng tôi cảm nhận nhân dân Trung Quốc sáng tạo, cần cù, Đảng cộng sản Trung Quốc dày công nghiên cứu lý luận, đề xuất những vấn đề sâu sắc, có bước đi thực hiện bài bản và chăm lo tổng kết lý luận thực tiễn. Từ Hắc Long Giang đến Quảng Tây, nhịp độ phát triển kinh tế của các địa phương đoàn qua thăm đều tăng trưởng nhanh. Chính quyền càng ngày càng chăm lo đến môi trường, coi trọng hiệu quả kinh tế kết hợp với bảo tồn văn hoá, chăm lo cho khoảng cách giàu nghèo càng ngắn lại, kinh tế duyên hải và miền tây cùng phát triển.
Trung Quốc với những thành phố miền bắc, miền đông, miền tây đang trỗi dậy, thực sự là những đầu tàu công suất lớn, đưa đất nước vào thế thế kỷ mới.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN DANH BẢNG