Tôi và các Cựu chiến binh Đại đoàn 308 thương tiếc nhớ anh Cao Văn Khánh - người chỉ huy đã cùng với anh Vương Thừa Vũ dìu dắt chúng tôi trưởng thành qua khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh là con người mẫu mực để xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, một vị tướng trận mạc, một con người tài năng và tâm huyết, hấp dẫn bởi tri thức và tấm lòng: Một vị tướng dũng song toàn, từ một trí thức yêu nước trở thành một vị tướng giỏi của quân đội ta mà không trải qua một trường lớp đào tạo quân sự nào. Anh lấy chiến trường, lấy thực tiễn làm trường học, luôn luôn tổng kết, luôn luôn tìm tòi, luôn luôn phát hiện. Bao trùm trên hết là tư cách người làm tướng như Bác Hồ đã dạy: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung.
Lần đầu tiên tôi gặp anh là vào lúc anh vừa được điều động từ Khu V ra Việt Bắc (năm 1949) để xây dựng Đại đoàn 308 - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Tôi vinh dự có mặt trong buổi lễ kết nạp anh Cao Văn Khánh vào Đảng Cộng sản Đông Dương, lúc ấy Đảng chưa ra công khai, những người ưu tú nhất được kết nạp vào hàng ngũ Đảng. Anh Cao Văn Khánh là một trí thức yêu nước tham gia khởi nghĩa ở Huế quê hương anh, xung phong đi Nam tiến, sớm được giao nhiều trọng trách ở cương vị chiến lược: Ủy viên Quân sự tỉnh Bình Định, Chỉ huy phó phân sở Ủy ban Kháng chiến miền Nam phụ trách các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; Khu trưởng Khu V từ năm 1946 đến 1948.

Ngày 18-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử các cán bộ vào Bộ chỉ huy Đại đoàn chủ lực đầu tiên gồm: Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng kiêm Chính trị ủy viên; Lê Vinh Quốc, Chính trị viên phó; Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó. Bộ chỉ huy Đại đoàn nêu một tấm gương sáng về đoàn kết giữa cán bộ trí thức và cán bộ công nông. Anh Vương Thừa Vũ xuất thân công nhân, làm việc rất ăn ý với hai cấp phó là Lê Vinh Quốc và Cao Văn Khánh đều là trí thức. Hai anh Lê Vinh Quốc, Cao Văn Khánh quý mến và giúp anh Vương Thừa Vũ rất đắc lực trong mọi công việc.

Đại đoàn 308 mới thành lập, ra quân lần đầu tiên, tác chiến ở quy mô đại đoàn tập trung trong chiến dịch Biên Giới, cùng với 2 trung đoàn bạn là Trung đoàn 209 và 174, đánh trận vận động chiến lớn nhất thời bấy giờ, đánh to, thắng lớn, mở đầu cho thời kỳ mới: Thời kỳ chuyển sang phản công và tiến công. Trong chiến dịch này, anh Vương Thừa Vũ bị chảy máu dạ dày, anh Cao Văn Khánh thay thế chỉ huy các trận tiêu diệt hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông.

Anh Cao Văn Khánh cùng với anh Vương Thừa Vũ chỉ huy Đại đoàn giành thắng lợi trong nhiều chiến dịch tiếp theo: Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc... Trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh kiêm Tư lệnh chiến dịch ra “quyết định khó khăn nhất” trong đời chỉ huy của ông là thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, Đại đoàn 308 được lệnh thay đổi nhiệm vụ từ đánh thọc sâu vào Sở chỉ huy Đờ Cát chuyển sang mở mũi tiến công chiến lược và nghi binh sang Thượng Lào. Quân lệnh như sơn, toàn Đại đoàn chia làm hai cánh quân lập tức lên đường, mỗi người dù chỉ có 5 lạng gạo, tiến quân thần tốc, gặp địch là đánh, tự giải quyết hậu cần, sau 10 ngày đã giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát đến Luông Phra-băng. Được lệnh quay về, lại thần tốc trở lại, kịp tham gia đợt đầu cuộc đại tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong cuộc tiến công chiến lược này, anh Cao Văn Khánh chỉ huy Trung đoàn 102 đánh về hướng Mường Sài, tôi và trung đoàn phó Ngô Ngọc Dương chỉ huy tiểu đoàn đi đầu Trung đoàn 36 tiến sát đến Luông Phra-băng.

Ngày 10-10-1954, Đại đoàn 308 tiến vào giải phóng Hà Nội. Anh Cao Văn Khánh giúp anh Vương Thừa Vũ trong việc tiếp quản Thủ đô. “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”. Đoàn quân đi đến đâu là tiếng reo hò nổi dậy như sấm. Đường phố rực bóng cờ. Quân - dân gặp nhau như những người thân lâu ngày gặp lại.

*     *
*
Hòa bình lập lại trên miền Bắc. Anh Cao Văn Khánh được điều về Bộ Tổng tư lệnh làm Cục trưởng Cục Quân huấn. Tháng 9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết về “Tình hình mới, nhiệm vụ mới” trong đó xác định: “Quân đội nhân dân là cột trụ chủ yếu nhất để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình… Cần phải xây dựng Quân đội nhân dân thành một quân đội cách mạng, chính quy, tương đối hiện đại. Xây dựng Quân đội nhân dân là nhiệm vụ trường kỳ và phức tạp, trong đó công tác quan trọng nhất và thường xuyên nhất là huấn luyện quân đội, đặc biệt là huấn luyện cán bộ”. Ngày 10-4-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho phép Tổng Quân ủy thành lập Tổng cục Quân huấn. Anh Cao Văn Khánh được cử làm Cục trưởng Cục Kế hoạch. Thời gian này, tôi cũng được điều lên Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị là cơ quan phụ trách công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị trong quân đội. Tôi được làm việc với anh Cao Văn Khánh nhiều lần để phối hợp kế hoạch huấn luyện quân sự và giáo dục chính trị cho quân đội; cộng tác với anh về việc tiến hành công tác chính trị trong diễn tập.

 

Thời gian từ 1955 đến 1961 là thời kỳ quân đội ta diễn tập nhiều nhất, từ đại đội, tiểu đoàn đến trung đoàn tiến công, phòng ngự và diễn tập hiệp đồng binh chủng. Công tác huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị tư tưởng được đẩy mạnh tạo ra một bước chuyển biến mới về chất lượng quân đội. Trong cuộc đời binh nghiệp, anh Cao Văn Khánh chỉ có một lần được đi dự lớp đào tạo ngắn hạn ở Học viện Quân sự cao cấp Liên Xô mang tên Vô-rô-si-lốp. Sau khi về, anh được giao làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân. Anh đã xây dựng nhà trường thành một đơn vị kiểu mẫu của toàn quân. Anh Cao Văn Khánh đã góp phần xứng đáng vào công cuộc huấn luyện, đào tạo cán bộ của quân đội ta trên các cương vị Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân; Cục trưởng Cục Quân huấn và sau này là Phó tổng tham mưu trưởng phụ trách huấn luyện.

Tháng 3-1964, anh Khánh rời cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đi trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu chống Mỹ ở cả hai miền Bắc - Nam. Năm 1964, anh được cử làm Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 3, từ năm 1966 đến năm 1969 là Phó tư lệnh mặt trận Tây Nguyên rồi Phó tư lệnh Quân khu Trị Thiên, Phó tư lệnh Quân khu 4. Từ tháng 5-1970, anh là Tư lệnh Mặt trận 968 (Hạ Lào), rồi được điều ra làm Phó tư lệnh thứ nhất Binh đoàn B70. Trong cuộc đời chinh chiến, đây là lần thứ hai anh Khánh được giao trách nhiệm tổ chức những quả đấm chủ lực đầu tiên... Ngẫm lại trong chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta đã dùng 4 quân đoàn và Binh đoàn 232 tương đương quân đoàn để đồng loạt tấn công vào Sài Gòn giành toàn thắng thì mới thấy bước đi ban đầu thành lập Binh đoàn B70 năm 1970 (trước ngày toàn thắng 5 năm) là một tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ năm 1970, Đại tướng đã sớm tổ chức quả đấm chủ lực ở cấp quân đoàn và giao cho anh Cao Văn Khánh, Phó tư lệnh thứ nhất và anh Hoàng Phương, Chính ủy tổ chức thực hiện và rút kinh nghiệm.

Binh đoàn B70 là binh đoàn chiến dịch-chiến lược đầu tiên của quân đội ta thành lập tháng 10-1970, trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, nhằm sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công quy mô lớn của địch trên hướng Đường 9 và sự đe dọa của quân Mỹ-ngụy tiến công ra Bắc vĩ tuyến 17. Binh đoàn gồm 3 sư đoàn bộ binh thiện chiến (308, 304, 320) và các đơn vị binh chủng, cơ quan trực thuộc. Binh đoàn dưới sự chỉ huy của các anh Cao Văn Khánh, Hoàng Phương đã phối hợp với các lực lượng tại chỗ: B4, B5, Đoàn 559 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào, bẻ gãy cuộc hành quân Lam Sơn 719. Mỹ-ngụy huy động một lực lượng lớn quân đội ngụy và vũ khí kỹ thuật nhằm thực hiện học thuyết Ních-xơn và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Binh đoàn B70 và các đơn vị bạn dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh mặt trận do anh Lê Trọng Tấn là tư lệnh, anh Lê Quang Đạo là chính ủy đã tiến hành một chiến dịch phản công quy mô lớn nhất thời bấy giờ, đánh bại cố gắng cao nhất của Mỹ-ngụy trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Lúc đó tôi là phái viên của Tổng cục Chính trị theo sát Bộ tư lệnh Mặt trận và Bộ tư lệnh B70 trong suốt quá trình chiến dịch. Tôi có dịp gặp lại người chỉ huy cũ - anh Cao Văn Khánh tại mặt trận. Chúng tôi cùng trải qua những giờ phút căng thẳng của chiến trận và giờ phút vui mừng hân hoan của chiến thắng.

Sau thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, anh Cao Văn Khánh đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Mặt trận B5 kiêm Phó tư lệnh Quân khu IV. Tôi còn có dịp gặp lại anh trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, năm 1972 đã diễn ra một cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa ta và địch trong một chiến dịch dài ngày nhất tới 304 ngày kể từ khi mở màn 30-3-1972 đến ngày ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam 27-1-1973. Anh Cao Văn Khánh là Phó tư lệnh Mặt trận giúp anh Lê Trọng Tấn, Tư lệnh, anh Lê Quang Đạo, Chính ủy và anh Văn Tiến Dũng, Đại diện Quân ủy Trung ương tại mặt trận. Anh Cao Văn Khánh trực tiếp đi chỉ huy các hướng quan trọng, các nơi xung yếu và đánh trận cuối cùng đập tan cuộc lấn chiếm của quân ngụy ra cảng Cửa Việt ngay sau ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực. Từ tháng 12-1972, anh Cao Văn Khánh là Tư lệnh Quân khu Trị Thiên. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh Cao Văn Khánh là một trong các vị tướng trận mạc, luôn có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Sau nhiều năm trực tiếp chỉ huy tác chiến trên nhiều chiến trường, từ năm 1974, anh được điều về cơ quan Bộ Tổng tư lệnh. Đây là thời gian mà anh Cao Văn Khánh với sự từng trải của mình đã trở thành trợ thủ đắc lực của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong mùa Xuân toàn thắng 1975. Trung tướng Cao Văn Khánh, với cương vị Phó tổng tham mưu trưởng trực tiếp phục vụ sự chỉ đạo chỉ huy của Tổng hành dinh, giúp Bộ Thống soái tối cao là Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời nắm từng bước phát triển của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nắm từng bước phát triển của các cánh quân, của từng mũi tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch. Ngoài việc giúp anh Hoàng Văn Thái - Phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất về chỉ huy công tác tham mưu, anh Khánh còn có nhiệm vụ nắm chắc và báo cáo tình hình chiến sự từng giờ, từng ngày cho Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ra những chỉ thị, mệnh lệnh chính xác, đồng thời truyền đạt kịp thời các mệnh lệnh đó cho mọi cánh quân.
Ở cương vị tham mưu chiến lược trong trận Đại thắng mùa Xuân 1975, anh Cao Văn Khánh đã góp phần xứng đáng vào chiến công chung của dân tộc. Những dòng sau đây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Hồi ức "Tổng hành dinh Mùa Xuân toàn thắng" đã nói lên sự cống hiến của anh Cao Văn Khánh trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: “Đã thành thói quen mỗi lần gặp bài toán khó và quan trọng trong lãnh đạo chỉ huy ở tầm vĩ mô, tôi thường tham khảo ý kiến của nhiều cán bộ, nhất là những đồng chí có kinh nghiệm công tác tham mưu và cán bộ chỉ huy từng trải trong chiến tranh. Dân chủ quân sự bao giờ cũng mang lại những gợi ý tốt, những ý kiến hay. Lúc này, anh Hoàng Văn Thái, Phó tổng tham mưu trưởng thứ nhất phụ trách tác chiến và hậu cần phải dành hết thời gian động viên tổ chức chi viện chiến trường, tình hình lại phát triển rất nhanh, tôi quyết định thành lập tổ thường trực giúp tôi chỉ đạo tác chiến. Mỗi ngày bốn lần, sau giờ giao ban, tôi trực tiếp nghe tổ báo cáo đề bạt ý kiến. Đồng chí Cao Văn Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng ở tổ này. Là một trí thức yêu nước, tham gia cách mạng từ những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, anh Khánh là một cán bộ quân sự chỉ huy Đại đoàn 308, đánh những trận lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từng là Tư lệnh Binh đoàn B70 (Trị Thiên) trong kháng chiến chống Mỹ, một con người hăng hái, trung thực, có nhiều kinh nghiệm chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, được cán bộ tin yêu”.

Trung tướng Cao Văn Khánh là một con người như thế. Anh sống mãi trong tâm trí tôi và đồng đội.

Trung tướng HỒNG CƯ