Mùa khô, những con đường trong khu dự án kinh tế - quốc phòng Đắc Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông) bụi mù. Bảy giờ sáng, các thầy, cô giáo và học sinh người Kinh, người Mông, người M’Nông của Trường tiểu học Kim Đồng đã có mặt ở các điểm dạy học. Trên quần áo, gương mặt thầy cô và các em nhuộm đầy màu đất đỏ Tây Nguyên…
Vận động trẻ em đến lớp
Năm 2003, cô giáo Vũ Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng theo chồng về khu dự án kinh tế - quốc phòng (KT-QP) Đắc Ngo do Đơn vị B20 (Binh đoàn 16) quản lý. Nhìn cảnh hoang vu, hiu quạnh, cô suýt bật khóc. Ở đây, những đội sản xuất nằm rải rác trên các sườn đồi, có đội cách nhau hơn 10km. Cô giáo Hiền nhớ lại: “Ngày ấy, học sinh đến lớp lèo tèo lắm, chủ yếu là các em người Kinh...”.
Dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, Bộ tư lệnh Binh đoàn 16, lãnh đạo, chỉ huy Đơn vị B20 phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Tuy Đức đã quan tâm xây dựng hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo và một trường tiểu học. Những lớp học nằm đan xen trong đội sản xuất. Trường tiểu học Kim Đồng có 4 điểm học khác nhau, có nơi phải mượn nhà ban chỉ huy đội sản xuất cho lớp học 2 ca. Xây dựng, hình thành trường lớp đã vất vả, nhưng việc đưa học sinh đến lớp còn vất vả hơn nhiều lần. Cô giáo Vũ Thị Hiền kể: “Để tổ chức một lớp học cho học sinh người Mông, lãnh đạo đơn vị và các thầy, cô giáo phải mất cả tháng trời đi tuyên truyền, vận động các gia đình đưa con em đến lớp. Buổi học đầu tiên, thầy cô đợi mãi mà chỉ có gần 10 học sinh đứng thập thò ngoài cửa”. Không nản, bộ đội và các thầy cô lại đi bộ hàng cây số đến các hộ dân. Già làng Giàng A Lừ ở Đội 4 than thở: “Cô giáo à, mình nói nhiều rồi đấy mà lũ trẻ không chịu đến lớp. Chúng nó bảo học cái chữ khó quá, đi lại vất vả. Nhiều đứa phải lên rẫy giúp cha, mẹ”.
 |
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng dạy em từng nét chữ... |
Không chịu bó tay, Chỉ huy trưởng Vũ Văn Mài triệu tập nhiều cuộc họp giữa cán bộ, giáo viên với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các nhóm đạo. “Phải biết cái chữ, người Mông ta mới thoát nghèo và làm giàu được” – Già làng Hạng Seo Vảng ở Đội 8 nói. Tất cả đều nhất trí. Thế là bộ đội, giáo viên, cán bộ xã Đắc Ngo tiếp tục chia nhau mang sách, bút đến các hộ dân để vận động trẻ em đến lớp. Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, vấn đề cho trẻ con đến lớp cũng được bàn bạc sôi nổi. Cô giáo Nguyễn Thị Mến tối nào cũng đến các hộ dân người Mông ở Đội 6 để vận động cha mẹ học sinh cho con đi học. Có nhà cô kiên trì vận động tới dăm bảy lần khiến ông bố phải nói với con: “Cô giáo thương mày quá. Mày phải đi học thôi”. Chưa đầy một tháng sau, các ông bố, bà mẹ dân tộc Mông, M’Nông đã tự đưa con đến nhà trẻ, mẫu giáo và trường Kim Đồng. Nhưng chỉ hai tháng sau, một số học sinh vẫn bỏ học. Các thầy cô, bộ đội Đơn vị B20 lại cần mẫn đi vận động…
Dạy chữ ở bản Mông
Các giáo viên ở Đắc Ngo có câu: “Mùa nắng mặc áo mưa - mùa mưa mặc áo giáp”. Mùa khô, đường đến lớp cuồn cuộn bụi đỏ mỗi khi có một chiếc xe ô tô, hay xe máy chạy qua. Để tránh bụi, các thầy, cô giáo khi đến lớp phải mặc áo mưa, hay áo khoác ngoài. Ngày mưa, đường trơn tuồn tuột. Những chiếc xe đạp, xe máy phải quấn thêm vòng dây xích ở lốp để tăng thêm độ bám...
Nhưng đó chưa là vấn đề lớn, việc dạy chữ cho trẻ em người dân tộc thiểu số mới vất vả, gian nan. Đa số các em chưa biết nói tiếng phổ thông, trong khi các thầy cô giáo đều là người Kinh, không biết tiếng dân tộc thiểu số. Khi thầy cô giảng bài, các em cứ lắc đầu nói “Chư pâu” (không biết). Bộ đội Đơn vị B20 vào bản bàn bạc với già làng, trưởng bản. “Có một số đứa con gái biết tiếng phổ thông đấy” - Già làng Hạng Seo Vảng gợi ý. “Họ có thích làm cô giáo không?” - Trung tá Nguyễn Đình Tụ, Phó chỉ huy trưởng Đơn vị B20 hỏi. “Để mình nói với chúng nó nhé” - già làng đặt vấn đề. Một tuần sau, gần 10 cô gái biết nói tiếng phổ thông được mời đến để tuyển chọn. Ba cô được nhận vào làm trợ giảng ở các lớp. Thế là khi thầy cô giáo người Kinh giảng bài, cô giáo Mông dịch lại cho các em nghe. Ở các lớp mẫu giáo cũng thế, cô giáo người Kinh và cô giáo người Mông cứ như hình với bóng. Những trường hợp học sinh tiếp thu chậm, thầy, cô giáo đến tận nhà dạy tiếng phổ thông và bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em. Cô Đường Thị Hường, giáo viên dạy lớp 4 kể: “Học sinh người Mông thông minh lắm. Khi đã biết tiếng phổ thông, các em hiểu bài rất nhanh. Nhiều em là học sinh giỏi, đạt danh hiệu “vở sạch, chữ đẹp” cấp huyện, cấp tỉnh nữa”.
Nỗi niềm người thầy
Với sự quan tâm của Binh đoàn, đơn vị, địa phương và ngành giáo dục, thu nhập hằng tháng của các thầy, cô giáo được cải thiện nhiều, nhưng vẫn còn muôn vàn thiếu thốn. Cô giáo dạy nhạc Châu Thị Hồng Nhạn, quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tâm sự: “Chúng em ở 5 người trong một căn phòng 16m2, cả tháng mới ra thị trấn Kiến Đức được một vài lần. Khó khăn, vất vả còn nhiều nhưng ai cũng quyết tâm mang cái chữ đến cho học sinh, nhất là con em đồng bào các dân tộc Mông, M’Nông. Nghe các em hát, nhìn các em say sưa học bài, thầy cô thấy lòng mình rạo rực”.
Năm nào trường Kim Đồng cũng có học sinh bỏ học: Năm học 2007-2008, có hơn 40 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5; năm học này đã có 35 em. Học sinh lớn tuổi xấu hổ với em nhỏ nên bỏ học. Một số em tuổi 14, 15 bỏ học để về nhà lấy vợ, gả chồng. Không ít em do gia đình thiếu người làm, di chuyển đến chỗ ở khác cũng bỏ học. Em Giàng Thị Chu học lớp 2, đạt danh hiệu “Học sinh vở sạch, chữ đẹp” cấp tỉnh cũng đã rời trường theo bố mẹ. Cô hiệu trưởng Vũ Thị Hiền tình nguyện nuôi cháu ăn học tiếp, nhưng gia đình không đồng ý.
Sự nghiệp “trồng người” ở Đắc Ngo còn nhiều gian nan, thử thách. Hy vọng, với sự quan tâm sâu sắc của Binh đoàn 16, của các cấp, các ngành ở tỉnh Đắc Nông và sự cống hiến nhiệt tình của những người thầy, các em học sinh trên mảnh đất này sẽ trở thành những chủ nhân tương lai góp phần xây dựng Đắc Ngo ngày càng giàu đẹp hơn.
Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG