Mỗi dịp kỷ niệm mừng chiến thắng, hoa đỏ rực, nhạc tưng bừng, nhiều lời tụng ca tốt đẹp, nhiều biểu trưng sáng chói bên tượng đài tráng lệ… dẫu vậy, trong lòng Đoàn Nhiên vẫn khôn nguôi nhớ về những hy sinh, gian khổ của người lính trinh sát Miền Đông. Đồng đội của anh đã bao đêm nằm sương, bới đất, đi trước luồn sâu, gian nan nắm địch, quả cảm can trường…
Về Miền Đông gian lao
Gặp lại anh - Đoàn Nhiên - một chỉ huy phân đội trinh sát chiến trường, thuộc Trung đoàn 209, “Công trường 7” trong chiến tranh giải phóng, khi đó Đoàn Nhiên mới tuổi hăm lăm, hăm tám. Từ Kon Tum rừng rậm, núi cao, đến Sông Bé nước xiết đỏ ngầu, nào cầu Nha Bích, đường 13 Tàu Ô, Chơn Thành, Lộc Ninh… đến Mi-mốt đất Chùa Tháp, dấu chân anh và đồng đội chà đi xát lại mỗi trảng cỏ, khe suối… Đêm hè ở hậu phương nóng hầm hập, cả làng mất điện, vừa phe phẩy quạt nan, anh trầm ngâm nhớ lại:
Trong trận đánh địch vùng ven Buôn Mê Thuột, một chiến sĩ tên là Th. bị thương, địch bắt. Không chịu nổi đau đớn, Th. đã đọc loa chiêu hồi, phát từ máy bay OV-10: “Anh Đoàn Nhiên đại đội trưởng trinh sát hãy về với chính nghĩa quốc gia, anh ở đâu, hãy đốt lửa lên, máy bay sẽ đến đón…”. Địch phát đi phát lại nhiều ngày trên không. Nhiên không giận Th. mà chỉ thương, cậu ấy còn non nớt quá, không quen gian khổ!
 |
Bia tưởng niệm chiến công Tàu Ô - Chơn Thành tại khu vực chốt cứng năm 1972.
|
Những năm ấy, các đơn vị đánh địch không có pháo yểm trợ, pháo đi kèm thì ít đạn. Hỏa lực địch lại nhiều, sức cơ động cao, nên ngày đầu vào Tây Nguyên, Trung đoàn 209 bị tổn thất. Khi đó chỉ tổ chức được một trận đánh cấp tiểu đoàn, khó khăn muôn vàn. Cán bộ, chiến sĩ thương tật nhiều. Vào sâu, có lúc thiếu gạo, tư tưởng chiến sĩ cũng ít nhiều sa sút. Cuối năm 1968 đầu năm 1969, lệnh trên điều Trung đoàn 209 vào Miền Đông, sáp nhập với các đơn vị như Trung đoàn 165, 141, thành “Công trường 7”.
Nhiên và anh em trinh sát bám địch liên miên, chẳng kể ngày đêm, lúc nào cũng thấy buồn ngủ. Đói! Đúng là đói, ai cũng hay ngáp vặt, uống nước sạch thấy ngọt mà tiểu thì đặc, rồi sốt rét… run cầm cập vẫn phải cố ăn để tiêm thuốc sốt rét. Phần lớn chiến sĩ như thế, Nhiên khỏe hơn, cùng các cán bộ gương mẫu giúp anh em chiến sĩ ốm.
Trung đoàn vào đến miền Đông, gần dân, đời sống khá dần. Từ tiêu chuẩn mỗi ngày vài lạng, được tăng lên 1 ký gạo, anh em hồi sức nhanh lắm, “Nam thực như hổ”. Khi về đến sông Măng, đại đội trinh sát 21 bị máy bay địch đánh đúng đội hình, đại đội phó hy sinh. Tàu bay, thám báo rà quét liên miên. Trinh sát phải căng ra nắm địch, góp phần bảo vệ đơn vị.
“209” toàn lính chính quy, từ ngoài Bắc vào, có mũ sắt, súng AK, chiến sĩ được tuyển chọn, nên ai cũng thấy vinh dự và trách nhiệm. Tuy nhiên lính trinh sát chủ yếu để đầu trần, khi nắng quá hoặc mưa dầm, lấy lá khoọc đan làm mũ, đỡ vướng khi điều nghiên. Trên người khi đi trinh sát xa cũng đủ 17 thứ đeo quanh, trông như cây đu đủ di động, mãi rồi quen. Đoàn Nhiên được cử đi nghiên cứu căn cứ Bù Đốp, Làng 7 Lộc Ninh, nắm chắc địch bố trí ở thị xã này.
Biết rõ có chủ lực Miền hoạt động ở quanh Lộc Ninh, ngày nào cũng có 3 đợt B52 của Mỹ với hàng chục Box (ô vuông trải thảm) ném xuống nổ kinh động khắp vùng. Trinh sát cứ men theo rừng le, búi cây, khe suối, lô cao su, thậm chí bôi bùn, băng hố B52 mà đi nắm địch. Lợi dụng rừng le cụt, nơi cơ giới địch không vào được. Phơi mình trong nắng, không ngại! Nhưng khó chịu nhất là trên người ai cũng đầy mụn mủ đau nhức, cứ bóp ra là có gai, nhỏ nhất là gai cây mai dương nhỏ, sắc mà buốt. Nhìn da đầy sẹo, biết ngay là trinh sát.
Trận phục kích xe tăng của Tiểu đoàn 9, Nhiên và các mũi trinh sát bám địch liên tục, thông báo chính xác từng phút vị trí địch khu vực lô cao su Làng 7, Làng 8, Bình Long. Mặc trên đầu trực thăng vũ trang chà sát, pháo nổ chát chúa trên mép hào, đợi địch vào gần, ta diệt 5 xe M113. Địch tạm rút. Hôm sau xe tăng lại dàn hàng ngang thốc lên. Tiểu đoàn 8 xuất quân, ta lợi dụng địa hình, thừa cơ bắn thẳng, diệt 6 xe, địch chùn lại. Thế là suốt từ đó bom B52, pháo chụp, pháo bầy bắn rung trời đất nhiều giờ liền. Trinh sát đã kịp tham mưu cho bộ binh ta rút an toàn theo lối mòn.
Khi người lính bộ binh thu quân về cứ nghỉ ngơi, trinh sát lại lầm lụi lên đường. Sáp mặt với địch, trinh sát có nhiều kinh nghiệm tránh địch. Qua nhiều lần áp sát, Nhiên và đồng đội rút ra thủ đoạn của địch, kịp phổ biến cho các đơn vị: Máy bay L19 bắn đạn khói đỏ ở đâu, tức là yêu cầu pháo và máy bay đến oanh kích, hủy diệt; khói xanh là vùng nghi ngờ, khói trắng khóa đầu - cuối là có “Quân giải phóng” số lượng ít, trực thăng nhanh đến phóng rốc- két hoặc đổ quân bắt cóc…
Thay hàng rào cũi lợn, khó chống đối phương, địch bảo vệ căn cứ bằng hàng rào bùng nhùng, có 4 cạnh thép sắc như dao. Trinh sát vào rất khó. Trinh sát khôn khéo dùng gậy nhỏ chống lên, lấy giấy trắng đánh dấu, nhiều khi phải vun rác ẩm, nhìn dấu lân tinh của sâu bọ đêm biết mà bò ra. Ra đến đâu phải nghi trang như cũ, xóa dấu vết.
Mìn của Mỹ thì nhiều loại. Nhiên và anh em phải vô hiệu chúng khi vào sâu trong hàng rào, nào mìn vướng, nào mìn bẫy, mìn “cân bằng lực dây”, mìn clây-mo, lại cả cây nhiệt đới thu tiếng động. Nhiều khi trinh sát phải lợi dụng sấm chớp kéo giật nổ rất nhiều mìn. Địch tưởng sét đánh chập điện gây nổ. Nhiên bảo, mưa sấm chớp tuy trời lạnh, nhưng ta đi điều nghiên an toàn và hiệu quả cao.
Thời gian này ở miền đông Nam Bộ, ngoài quân địa phương, Mỹ-ngụy tập trung về đây 40 phần trăm lực lượng chiến đấu Mỹ, 37 phần trăm quân chủ lực ngụy của toàn miền Nam, gồm 37/103 tiểu đoàn Mỹ, 61/170 tiểu đoàn ngụy và 4 tiểu đoàn quân chư hầu. Lực lượng 8 sư đoàn và 9 trung đoàn này, theo chỉ đạo của tướng A-bram bố trí thành ba tuyến phòng ngự liên hoàn, dày đặc có chiều sâu. Chúng cho xe tăng, xe bọc thép, xe ủi chà xát, phá nát những cánh rừng, xóm ấp ở vùng ven nhất là các khu vực Tân Uyên, Bến Cát, Châu Thành thuộc tỉnh Bình Dương, Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Củ Chi, thành phố Sài Gòn - Gia Định... tạo thành vành đai trắng, trống lốc bao quanh Sài Gòn rộng hàng chục ki-lô-mét. Chúng bung lực lượng từ các cụm quân ra sục sạo, cho các loại máy bay trinh sát, đánh phá những nơi chúng nghi ngờ, bắt người đi lẻ qua bãi trống. Đêm có pháo sáng, đèn pha cực mạnh từ trực thăng soi rọi xuống. Có thể nói, đi từng người hay từng tốp qua vành đai, lần nào trinh sát cũng phải đổ xương máu.
Khi ta rút quân sang khu vực biên giới Việt - Miên, tại vùng Oát-thơ-may, một mũi do anh Trần Nhạn, Trung đoàn 209 chỉ huy bám đánh xe tăng địch, bị B52 đánh trúng đội hình, thương vong lớn. Có lần cả trung đội vận tải bị thương vong hết chỉ vì một trái cối 106 ly địch bắn giữa hầm… Thủ đoạn “Phòng ngự ba tuyến”, “phòng ngự có chiều sâu”, “phòng ngự từ xa” của tướng A-bram nhằm phục vụ cho chiến lược “Phi Mỹ hóa” rồi “Việt Nam hóa chiến tranh” của Ních-xơn đã gây cho ta những khó khăn không nhỏ. Thương anh em, Nhiên và anh em trinh sát phải đêm ngày nắm địch, trong hoàn cảnh căng thẳng, khẩn trương, liên tục. Nhiên động viên anh em, “mình là tai mắt của chỉ huy, không thể để mắt mù, tai điếc…”. Những khuôn mặt nghi trang méo mó, cười vang trảng cỏ. Trinh sát mò mẫm, nên cũng hay kiếm được thức ăn, khi thì bắt về con mèo, con chó, có khi có cá tươi, ít thì cũng có măng, rau xanh, nhiều khi đồng đội là bộ binh hay sang “ăn ké”.
Từ bí số 4.500
Trở về Ban 2 sư đoàn, nhiệm vụ trinh sát chiến lược đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm phân tích, loại suy, so sánh, phán đoán. Nhiên đã cùng anh em ngày đêm đi thực địa, bàn thảo, tính toán. Vốn là trinh sát pháo binh chuyển sang từ 1967, Nhiên rất thạo sử dụng bản đồ và “căn” cự ly, phương vị. Có thời kỳ, ta đóng ở đâu địch đều bắn pháo thả bom khá chính xác. Trinh sát đã báo cáo trên về hiện tượng này, tham mưu cho trên việc sử dụng điện đài 15 oát, rất dễ bị lộ. Rừng miền đông mùa khô, trảng cỏ, rừng le lá vàng xơ xác. Trên trời cao xanh ngắt không gợn mây, máy bay OV-10, trực thăng địch bay rình mò. Không hiểu sao pháo địch, bom đạn bắn khá trúng nơi các phân đội ta trú quân. Qua quan sát và dày dạn kinh nghiệm, đích danh Nhiên đề xuất với trên, kiểm tra việc ăn ở của bộ đội, chỉ vì sơ hở đổ nước thải sinh hoạt vào các khóm cây, chỉ vài tuần sau, khiến xuất hiện “vùng cây xanh tốt” bất thường, địch ở trên cao nhìn rõ, bắn trúng!
Nghe địch, phán đoán ý đồ cũng là “biệt tài” của trinh sát. Một lần trinh sát kỹ thuật, thám báo địch vào sát gần ta, chúng gọi cho nhau lên OV-10: “Chúng tôi đang cưỡi trên rắn đen, chuẩn bị đè trên con rắn đỏ, nhìn thấy trên rắn trắng có hổ… tọa độ hiện thời 4500”. Giữa đêm, Nhiên và đồng đội lập tức lên đường bám lộ 13 đi tìm “bí số”. Vượt suối, lách cây, lội sình, tới gần sáng, anh em táo bạo yểm trợ nhau lên mặt đường. Họ mừng húm! Đây rồi, cách một khoảng đều có các hàng số 2500, rồi 3000… Lấy bản đồ so sánh, tọa độ 3000 là Nam Sam Rớt, cứ thế “bắn cự ly” 4500, sang lộ đất đỏ là Ấp Minh Hòa… “Rắn” các loại là lộ nhựa, lộ đất, lối mòn… Từ phát hiện này của trinh sát, đài kỹ thuật kịp báo cho các đơn vị tránh pháo bầy rất hiệu quả, thương vong giảm hẳn. Cũng từ ”hiểu biết” địch, không lâu sau, Nhiên đã chỉ huy một nhóm, bắt sống toán thám báo ngụy, vốn là dân ấp Thái Hưng, vào lính thám báo, mặc áo giả danh Quân Giải phóng.
Bài và ảnh: TRẦN DANH BẢNG