Ngày 9-1-2009, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tiểu đội vận tải Bùi Ngọc Đủ (thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Pháo binh 84, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2). Đây là sự tôn vinh và ghi nhận chiến công đặc biệt xuất sắc của tiểu đội từng đánh lui 15 đợt tiến công của 200 lính thủy đánh bộ Mỹ, tại Đồi không tên - chân dãy núi Cù Đinh, Cam Lộ, Quảng Trị.
Theo lịch sử Trung đoàn 84 và hồ sơ lưu trữ, vào ngày 26-2-1967, Tiểu đội Vận tải Bùi Ngọc Đủ nhận nhiệm vụ bảo vệ kho chứa 3.000 viên đạn H12 và H6, chờ trung đoàn tới tập kích hỏa lực vào căn cứ của Mỹ trên Điểm cao 241. Tiểu đội gồm 10 đồng chí tuổi từ 18 đến 24, do Trung sĩ Bùi Ngọc Đủ, Trung đội phó làm Tiểu đội trưởng, đồng chí Hạ sĩ Đặng Văn Hạng làm Tổ trưởng Đảng và 8 chiến sĩ gồm: Lương Văn Tầm, Nguyễn Hồng Kinh, Lương Văn Thành, Trịnh Đình Tía, Lê Văn Liên, Trương Ngọc Thịnh, Lê Bá Chính, Nguyễn Nhân Nhê. Trong 10 người có 3 chiến sĩ mới nhập ngũ, 7 đồng chí khác là cán bộ, chiến sĩ pháo binh thiện chiến. Tiểu đội được trang bị 4 súng AK, 6 súng trường, gần một nghìn viên đạn, 60 quả lựu đạn… Với tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, trước khi diễn ra trận đánh, tổ Đảng đã sinh hoạt đề ra quyết tâm: Phải triệt để chấp hành nghị quyết của chi bộ, tự học cách đánh của bộ binh để bảo vệ đạn pháo, bảo vệ trận địa. Nếu quân địch xuất hiện phải thực hiện đánh gần, tiết kiệm đạn. Phải kết hợp chặt chẽ dũng cảm với mưu trí, xem công sự ngụỵ trang cũng là vũ khí…
 |
Sư đoàn 325 tham gia tiến công Khe Sanh (Quảng Trị). Ảnh tư liệu |
Vào 7 giờ sáng 28-2-1967, khi đi lấy nước dưới suối La La về, Tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ ngửi thấy mùi thuốc lá và nghe tiếng nói nhưng không hiểu được. Tiến gần hơn quan sát liền bị bắn xối xả, đồng chí Đủ lập tức bắn lại và hô tiểu đội về vị trí chiến đấu. Bọn địch dàn đội hình bao vây tiểu đội, 15 khẩu trung liên và các loại súng khác của chúng đồng loạt nhả đạn. Chúng hò hét định xông lên, Bùi Ngọc Đủ và Nguyễn Hồng Kinh dùng tiểu liên ghìm chúng lại. Hai quả lựu đạn của Lương Văn Tầm và Bùi Ngọc Đủ nổ ngay giữa đội hình địch. Đồng chí Hạng, đồng chí Tía cùng các chiến sĩ từ hai bên bắn lướt sườn chi viện cho Tầm và Liên ở công sự phía trước...
Bọn địch không dám ào lên nữa, chúng choáng váng bởi ngay đợt tấn công đầu tiên đã để lại trên trận địa 8 xác chết. Địch điên cuồng gọi pháo binh chi viện, song do cự ly của tiểu đội gần địch nên pháo binh của chúng không phát huy được hiệu quả, đạn đại liên của chúng cũng chỉ lướt trên cao. Địch vẫn như mù trước tài ngụỵ trang của tiểu đội. Yếu tố bất ngờ vẫn còn, các chiến sĩ ta kiên nhẫn đợi giặc vào gần và đánh lui đợt tấn công thứ hai của chúng… Cay cú, quân địch lại gọi pháo binh bắn phá và 4 máy bay phản lực, 2 trực thăng đến không kích… Đến đợt tấn công thứ tư, chiến sĩ Lê Bá Chính bị thương, chiến sĩ Nguyễn Nhân Nhê hy sinh từ đợt tấn công thứ hai. Tiểu đội chỉ còn lại 8 người, vì vậy đồng chí Đủ và đồng chí Hạng phải bắn thêm 2 khẩu súng...
Đến khoảng 12 giờ trưa, tiểu đội đã bẻ gãy 10 đợt tấn công của địch. Cùng thời gian đó, một chiếc trực thăng bay thấp, cách tiểu đội khoảng 250m, chúng thả những thùng rất to nhưng không có tiếng nổ. Quan sát thấy địch kéo những chiếc thùng ra xa và từng nhóm ra ăn trưa, đồng chí Bùi Ngọc Đủ và Đặng Văn Hạng tranh thủ thời cơ hội ý tổ Đảng và các đồng chí còn lại, rút kinh nghiệm chờ địch vào gần hơn nữa mới bắn nhằm tiết kiệm đạn, nhưng cố gắng không phải đâm lê như những đợt tấn công trước. Đồng thời ngăn cản không cho địch lấy xác làm cho yếu tố tổ chức chiến đấu của chúng thêm rối loạn… Trời nắng nóng, mùi thuốc bom bốc lên khét lẹt rất khó chịu, nước uống thiếu, chỉ còn đủ cho đồng chí bị thương. Đói, khát, nói không ra tiếng, nhưng toàn tiểu đội vẫn xác định quyết tâm bảo vệ kho đạn đến cùng, còn một người cũng đánh. Lực lượng ít, tiểu đội xác định phải xử lý nhanh và linh hoạt… Hội ý xong, mọi người tranh thủ củng cố lại công sự, kiểm tra lại vũ khí trang bị, chuẩn bị chiến đấu tiếp.
Khoảng 13 giờ chiều, địch mở những đợt tấn công mới, vẫn sử dụng đội hình tấn công như cũ, nhưng chúng dùng hỏa lực tổng hợp nhanh hơn, kết hợp cả pháo binh, máy bay phản lực, trực thăng nhưng số lượng bom đạn nhiều hơn, bộ binh trườn, bò thấp hơn… Song đều bị thất bại trước tinh thần chiến đấu vô cùng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ tiểu đội. Đến khoảng 18 giờ, trong đợt tấn công thứ 15, phát hiện thấy tên chỉ huy địch lăm lăm súng ngắn trong tay, chiến sĩ Lương Văn Tầm liền đổi tiểu liên lấy súng trường ngắm cho chính xác. Súng nổ, tên sĩ quan địch vật ngửa đầu rồi đổ ụp xuống đất, bọn lính nháo nhác chạy lui... Trời sẩm tối, tiếng súng bộ binh im hẳn, trực thăng, máy bay ném bom cũng về hết, chỉ còn lại các trận địa pháo bắn cầm canh, thì cũng là lúc chỉ huy đại đội đưa lực lượng vào chi viện và chuyển 3.000 quả đạn pháo đi nơi khác an toàn. Quân địch để lại 41 xác chết trên trận địa, lực lượng bị thương chúng chuyển đi hết. Đơn vị thu được nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm.
Với chiến thắng trên, Tiểu đội Vận tải Bùi Ngọc Đủ đã bảo vệ an toàn 3.000 quả đạn pháo, góp phần quan trọng để Trung đoàn 84 lập nên chiến thắng giòn giã ngày 7-3-1967, phá hủy 21 khẩu pháo, 30 xe vận tải, 5 xe tăng, diệt và làm bị thương hơn 1.000 tên địch. Bên cạnh đó, kỳ tích “1 thắng 20” của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ còn cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận. Tất cả 10 cán bộ, chiến sĩ trong tiểu đội đều được tặng thưởng huân chương Chiến công giải phóng.
Chiến công của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ là chiến công của một tập thể dũng cảm, kiên cường, có ý chí quyết đánh và quyết thắng, có truyền thống dân chủ và kỷ luật, có tinh thần đoàn kết keo sơn, hiệp đồng chặt chẽ, mưu trí sáng tạo. Là một bài học quý báu cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau.
LÊ VĂN GIANG* (Dựa theo lịch sử Trung đoàn pháo binh 84 và hồ sơ đề nghị Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng cho Tiểu đội Vận tải Bùi Ngọc Đủ)