Nơi tình yêu bắt đầu

Cách Hà Nội khoảng 70km, trại phong Phú Bình gần như biệt lập giữa những quả đồi thuộc địa phận xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trại được xây dựng và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị từ năm 1958. Ngày đó, người mắc bệnh phong thường bị hắt hủi, xa lánh, thậm chí có người bi quan quá độ còn xin gia đình hãy “ném xuống thùng vôi cho chết”. Điều đó đã khiến những người bị phong, dù đã khỏi bệnh cũng ngại về quê vì cảm giác tự ti, khó hòa nhập được với người không bị bệnh. Vì vậy, những bệnh nhân phong thường ở lại trại sau khi khỏi bệnh và nhiều người trong số đó đã nên duyên vợ chồng. Đến hiện tại, trại phong Phú Bình vẫn còn 82 người, nhiều người tuổi đã ngoài 90.

Y học ngày càng hiện đại, phong không còn là căn bệnh không thể chữa trị. Hơn thế, những người bị bệnh hoặc từng bị bệnh phong không còn bị kỳ thị nữa. Mảnh đất một thời đau thương cũng đang từng ngày hồi sinh. Trại phong Phú Bình giờ không chỉ là nơi dưỡng già của các cụ già ốm yếu mà còn có cả những gia đình rộn tiếng trẻ thơ làm ấm lòng người.

 Ông Ngọc và bà Thoa trong căn nhà đơn sơ. 

Theo con đường đi giữa hàng vải đang mùa nở hoa, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Xuân Ngọc và bà Hà Thị Thoa. Nhắc đến ông Ngọc và bà Thoa, những người ở đây đều gọi họ là cặp đôi “Lan và Điệp” của trại. Ông Ngọc quê ở Hải Phòng. Tháng 9-1965, ông được đưa đến đây để điều trị bệnh phong. Khi khỏi bệnh, ông bị mất một chân do di chứng của bệnh và sức khỏe yếu, không làm được việc nặng. Không dám về quê vì sợ bị ghẻ lạnh, ông Ngọc ở lại trại cùng mọi người, làm công việc trông nom, dọn dẹp hội trường của khu điều trị. Vốn khéo tay, lại sẵn tre nứa ở xung quanh, hằng ngày ông đan rổ, rá cho trại và bán cho người dân xung quanh kiếm thêm thu nhập. Bà Thoa khi đó là cô gái nhỏ nhắn nhà ở xóm bên. Hồi đó, người dân xung quanh trại phong Phú Bình còn sợ hãi, xa lánh và hạn chế tiếp xúc với các bệnh nhân. Thế nhưng, bà Thoa vẫn hay đến mua của ông Ngọc, lúc thì cái rổ, cái rá, khi lại qua nhờ ông sửa cho cái nia, đôi quang gánh. Dần dần, những câu chuyện giản dị về cuộc sống trong những lần gặp gỡ đã khiến cho hai người cảm mến nhau lúc nào không hay.

Ngày đó, chuyện một người lành lặn chịu lấy một người bị phong, lại què cụt, ốm yếu, không tài sản như ông Ngọc là chuyện “khó tin”. Khi biết được chuyện của bà Thoa và ông Ngọc, gia đình bà Thoa cực lực phản đối. Thế nhưng, trước sự quyết tâm của bà Thoa và sự chân thành của ông Ngọc, gia đình bà Thoa dần dần cảm thương, rồi đồng ý. Nhớ lại chuyện xưa, ông Ngọc xúc động kể: “Ngày đó, người ta rất kỳ thị người bị phong nên tôi không nghĩ là bà ấy lại chịu lấy người tàn phế, bệnh tật như tôi.”

Cuối năm 1998, một đám cưới với tiệc ngọt được diễn ra trong sự chúc phúc của người thân, bạn bè. Nhà trai chính là những người trong khu điều trị phong. Chủ hôn là ông Phạm Ngọc Hải, Trưởng ban Quản lý trại phong Phú Bình. Gia đình nhà gái biết được hoàn cảnh của ông Ngọc nên cũng không đòi hỏi nhiều, chỉ bảo ông đưa 300.000 đồng là tiền lễ. Đám cưới xong, đúng lúc dãy nhà mới của khu điều trị được hoàn thành nên hai vợ chồng ông Ngọc được ưu tiên mua trả góp hai gian nhà cũ để ở riêng. Hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi hai năm sau, ở tuổi 54, ông Ngọc được lên chức bố...

Rời nhà ông Ngọc, bà Thoa cùng câu chuyện tình yêu dũng cảm của bà, chúng tôi men theo con đường mòn đất lầy lội đến nhà anh Nguyễn Văn Ba và chị Hoàng Thị Thoan. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, hai vợ chồng trẻ cùng hai con gái nhỏ xinh xắn đang vui đùa. Anh Ba năm nay 26 tuổi, chị Thoan 24 tuổi. Câu chuyện của anh chị cũng khiến chúng tôi xúc động, ngưỡng mộ. Năm 1994, khi mới 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Ba đã mắc bệnh phong và được đưa đến trại phong Phú Bình. Sau khi khỏi bệnh, anh ở lại trại sống cùng những bệnh nhân khác. Chị Thoan quê ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Trong một lần, chị Thoan đến thăm người chú đang điều trị tại trại phong, anh chị đã quen nhau và thường xuyên giữ liên lạc. Qua một thời gian tìm hiểu, tình yêu giữa hai người đã nảy nở. Cuối năm 2011, họ quyết định tổ chức đám cưới. Cuối năm 2015 vừa qua, gia đình anh chị đón con gái thứ hai.

Trong những câu chuyện thường ngày, các cụ già ở đây thường nhắc đến chị Thạch. Nhà chị Thạch ở ngay sát bờ ao của trại. Hằng ngày, chị vẫn làm công việc mà những người ở đây gọi là “vác tù và hàng tổng”. Đó là chăm sóc các cụ già yếu và làm những việc vặt ở trại. Nhìn người phụ nữ nhanh nhẹn đó, ít ai biết rằng, chị từng là bệnh nhân phong và nghĩ mình sẽ không lấy được chồng. Nhưng ở mảnh đất này, chị đã gặp được người chồng hiện tại và đang có một gia đình hạnh phúc. Chị Thạch và chồng là anh Nguyễn Văn Báo cũng là bệnh nhân phong được điều trị tại trại phong Phú Bình. Anh chị cùng quê ở Lạng Sơn, sau khi đến đây điều trị đã quen nhau, thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của nhau, và họ đã nên duyên vợ chồng.

Bấp bênh cuộc sống “làng phong”

Tình yêu là cứu cánh, là động lực để những gia đình ở trại phong Phú Bình vượt qua cuộc chiến với bệnh tật và những khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng, để xây dựng được cuộc sống mới, chỉ tình yêu thôi là chưa đủ. Ông Phạm Ngọc Hải cho biết, hiện tại, trong khu vực có 35 hộ gia đình của những người từng là bệnh nhân phong và con cháu của họ. Vì là người nơi khác đến chữa bệnh rồi ở lại trại phong nên hầu hết những hộ gia đình này đều có điểm chung là không có ruộng đất để trồng trọt. Trại phong có quỹ đất chia cho mỗi gia đình thuê 1 đến 2 sào ruộng nhưng sản lượng thu hoạch thấp vì đất xấu. Mỗi bệnh nhân phong được trợ cấp 450.000 đồng/tháng. Họ đều không có vốn để làm ăn, trong khi con cái đến tuổi đi học nên chuyện đủ ăn là mơ ước của nhiều gia đình nơi đây.

Ông Hải cho biết thêm, do địa hình khu vực nhiều đồi núi, lại biết được điểm yếu của các gia đình này thường có người tàn tật, sức khỏe kém do di chứng bệnh phong, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng để trộm cắp tài sản. Ở đây, chăn nuôi gần như “nắm lấy thất bại” vì nuôi được con gì là mất con đó.

Trong căn nhà hai gian đơn sơ của ông Ngọc và bà Thoa, chúng tôi nhìn quanh dường như không có mấy đồ giá trị ngoài chiếc ti vi cũ nhỏ xíu và nồi cơm điện cũng cũ kỹ không kém. Hiện tại, gia đình bà Thoa vẫn đang là hộ nghèo của xóm. Mỗi tháng, ông Ngọc được Nhà nước hỗ trợ theo diện bệnh nhân phong số tiền 450.000 đồng. Cả gia đình ông bà có hơn 1 sào ruộng thuê lại của trại phong để canh tác. Đã vậy, con gái ông bà đi học ngày càng tốn kém, khó khăn chồng chất khó khăn. Người đàn ông dáng gầy gò trong bộ đồ nhàu nhĩ nhìn vào những tờ giấy khen của con gái dán trên góc tường, giọng nói thiếu hơi vì đã mất vài chiếc răng cửa: “Hôm qua, cháu vừa xin tôi 60.000 đồng để mua đồ thực hành lớp học nghề đấy cô ạ!”. Nhìn sang chồng, bà Thoa tiếp lời: “Năm ngoái nhà tôi mua chịu được 20 con gà, định nuôi đến Tết bán nhưng chưa kịp bán thì bị trộm mất 19 con, còn 1 con bị giẫm chết nên trộm bỏ lại. Bây giờ, tiền gà và tiền thức ăn cho gà, tôi còn chưa trả được”. Nén tiếng thở dài trước mặt chồng, bà Thoa trải lòng, cuộc đời ông bà dù vất vả, khó khăn ra sao cũng chịu được, chỉ lo cho cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Bà sợ sẽ không thể cho con ăn học đến nơi đến chốn, không thể cho con có được tương lai tốt như những bạn cùng trang lứa.

Điều khiến chúng tôi nặng lòng nhất, chính là hoàn cảnh gia đình anh Ba và chị Thoan. Anh chị có hai con gái, cháu lớn 3 tuổi, còn cháu nhỏ mới được 5 tháng tuổi. Chung nỗi khó khăn giống các gia đình khác ở đây, nhưng anh chị đang rất khổ tâm bởi đôi mắt của con gái thứ hai có thể sẽ mù vĩnh viễn. Anh cho biết, gần đây mới phát hiện mắt con gần như không có phản xạ. Gom góp được chút tiền, vợ chồng anh đưa con lên Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên thì bác sĩ kết luận con anh bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, nguy cơ mù rất cao, cần mổ càng sớm càng tốt. Hiện tại, dù sức khỏe không tốt nhưng anh vẫn phải xin đi làm phụ hồ để kiếm thêm tiền lo cho vợ con. Chị Thoan một mình chăm sóc hai con nhỏ nên không làm thêm được gì. Với hoàn cảnh hiện tại của gia đình anh, việc chữa trị mắt cho con là điều quá khó khăn. “Tôi chỉ hy vọng sẽ có tổ chức hay cá nhân nào hảo tâm giúp đỡ cháu để cháu có tương lai thì vợ chồng tôi rất biết ơn”-anh Ba nghẹn ngào nói.

Rời trại phong Phú Bình, những câu chuyện, những con người nơi đây vẫn hiện hữu trong tâm trí chúng tôi. Hình ảnh những ngôi nhà xiêu vẹo, những bóng người đang cao thấp bước đi trên đôi chân giả, những ngón tay co quắp, vụng về, những em nhỏ nô đùa ở góc sân,… hiện lên đầy day dứt. Mong rằng, cuộc sống sẽ thật sự hồi sinh với những con người nơi đây!

 Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn ở trại phong Phú Bình, xin gửi theo địa chỉ: Trại phong Phú Bình, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; hoặc thông qua Phòng Bạn đọc và Cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội. Điện thoại: (069) 696524, 043. 7473063.

 

Bài và ảnh: DƯƠNG THỊ THU HÒA