Anh Trần Duy Tung tại chương trình giao lưu “Còn mãi với thời gian” của đài Truyền hình Việt Nam, ngày 27-7-2006. Ảnh: Tư liệu

Giá mà không có chiến tranh, được đi học, được ra Hà Nội! Ôi chao, câu nói đầy ước mơ của một thời tuổi trẻ lãng mạn còn nhuộm màu phượng vĩ đã khoác lên mình màu áo chinh nhân ấy lại thêm một lần làm người thương binh Trần Duy Tung thao thức. Nhớ hồi mới trở lại Tam Kỳ năm 2003, đi dưới những hàng sưa cổ thụ quanh năm rủ bóng xuống dòng sông nở bung những chùm hoa vàng óng mà anh suy nghĩ miên man. Con đường đầy chất học trò thế này mà người Tam Kỳ vẫn còn không ít trẻ thất học? Lại nhớ về ước mơ của đồng đội. Phải vào cuộc thôi!

Bước chân đến muộn

Mới đó mà đã 39 năm…

Anh thương binh Trần Duy Tung trở lại thăm đỉnh Dương Đá Bầu đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Dương Đá Bầu - nơi có nấm mồ của chính anh năm xưa và cũng là nơi hai người đồng đội thân yêu trong tiểu đội cảm tử còn nằm lại. Chiến tranh. Sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Anh - người lính duy nhất của tiểu đội cảm tử năm nào vẫn nặng lòng với Dương Đá Bầu một thuở. Lại nhớ cái thời những người lính yêu thương nhau hơn yêu chính mạng sống của chính mình…

Tung ngất lịm đi vì máu ra quá nhiều ngay trong đêm tìm về với đồng đội. Lại chính những người lính trong tiểu đội với chút lực kiệt bởi đạn bom băng rừng đưa anh vào điều trị ở trạm xá Tam Lãnh. Rồi họ lại hối hả trở về đơn vị, đi thẳng vào những chiến trường mới. Ba tháng sau, Tung mới gượng dậy đi được những bước đầu tiên. Trở về đơn vị, một lần nữa Tung xung phong ra chiến trường chiến đấu. Nhưng rủi cho anh, ra viện chưa tròn một tháng thì vết thương lại tái phát. Ròng rã nhiều năm, anh phải chuyển hết trạm xá này tới trạm an dưỡng kia. Từ bệnh viện Sông Tranh CK 120 Tiên Phước đến đoàn an dưỡng D6 ở Phước Lợi, hết Nam Hà lại tới Ninh Bình, Thanh Hóa rồi Hà Nội…, phải mất 3 năm trời điều trị, sức khỏe của anh mới ổn định trở lại.

Năm 1974, anh trở lại miền Nam và công tác ở Văn phòng Huyện ủy Bắc Tam Kỳ. Trở lại Bắc Tam Kỳ, kỷ niệm một thời trận mạc ở núi Dương Đá Bầu chợt sống dậy trong lòng với bao day dứt. Sau trận đánh liệt oanh ấy, cả 7 người lính trong tiểu đội cảm tử đều được tặng và truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Chỉ có điều, trong thời gian Tung luân chuyển hết bệnh viện này, trạm điều dưỡng nọ vì vết thương thì các anh Hoàng, Thông, Bàng, Nhiếp trong tiểu đội tiếp tục ra chiến trường đánh Mỹ. Họ lần lượt hy sinh. Anh lại đi tìm mẹ Khải, người nấu cơm và che chở cho tiểu đội ngày ấy thì mẹ cũng không còn. Thì ra, giặc Mỹ thua đau trận ấy đã càn quét vào làng, chúng đốt nhà, bắt mẹ khai báo hầm bí mật và nơi chôn giấu lương thực, vũ khí của bộ đội. Mẹ kiên quyết không nói nửa lời. Chúng điên cuồng thúc giày đinh vào ngực mẹ làm mẹ chết ngay tại chỗ. Về sau, mẹ được công nhận là liệt sĩ…

Chỉ còn lại một mình Trần Duy Tung trên mảnh đất đầy ắp kỷ niệm. Anh lao vào làm việc cho nguôi nỗi nhớ thương đồng đội. Anh tham gia công tác Đoàn rồi là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nhiều năm. Những năm ấy, ít ai biết Trần Duy Tung là một “người hùng trận mạc”. Chỉ đến khi anh lên truyền hình VTV1 giao lưu trong chương trình “Còn mãi với thời gian” thì mọi người mới giật mình: “Ảnh hiền khô, làm việc cần mẫn, ai dè một thời anh hùng quá...”.

Trong cuộc đời mỗi người lính, có lẽ tình cảm sâu nặng nhất là tình đồng đội. Về với đời thường, Tung vẫn trăn trở nhớ về nấm mồ nơi chôn mình năm xưa. Sau bữa đội đất trở về ấy, anh mới biết, trước khi rút lui, 4 người trong tiểu đội đã chôn vội anh cùng hai đồng đội khác, anh Truyền và anh Liên. Đã nhiều năm, anh tự nhủ mình phải trở lại nơi ấy, lo cho các anh mồ yên mả đẹp. Vậy mà nặng nợ áo cơm, phải đến 4 năm sau ngày giải phóng, anh mới lên được Dương Đá Bầu. Khi ấy là năm 1979. Nhưng, anh đã đến muộn. Dương Đá Bầu năm đó tan hoang. Hầm, mộ năm xưa bị những người dân đi rà sắt thép đến đào bới, lật tung. Tìm kiếm hoài không thấy dấu vết đồng đội, Tung ngồi lặng giữa rừng chiều, khóc rưng rức như một đứa trẻ. Giận thì giận mà thương thì thương. Đồng bào mình còn nghèo quá, phải lần hồi vì sinh kế mà thôi! Có chăng, chỉ trách mình đến quá muộn!

Năm 1992, vì vết thương tái phát, Tung xin nghỉ hưu về sống tại quê vợ ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Những lúc trái gió trở trời, mảnh bom trong đầu lại hành hạ anh. Vợ con khuyên: Thôi nghỉ, đừng làm gì cho khỏe. Nhưng Tung đâu có chịu. Về quê vợ, đất khách quê người, nghe đồng chí bí thư Đảng ủy xã than phiền chuyện “thiếu cán bộ”, Tung tình nguyện tham gia công tác xã hội, làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hoài Mỹ, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Nhơn nhiều năm liền. Với anh, cuộc sống của người lính là những nhiệm vụ. Không có nhiệm vụ là nỗi buồn của người lính. Anh thấy mình được sống đã là một sự may mắn, phải sống sao cho không hổ thẹn với những đồng đội đã ngã xuống...

“Một cõi đi về”

Ở Hoài Nhơn, không hiểu sao, Tung vẫn chẳng thể nào quên được nấm mồ chôn mình và hai đồng đội năm xưa. Thương lắm hai người lính trẻ bây chừ xương cốt ở nơi nao? Làm sao ngủ được khi đêm nằm nhớ lại những lần gặp mẹ hai anh Truyền và Liên. Các mẹ khóc: “Tung ơi! Con về được rồi, còn các con của mẹ nơi nao, tìm hoài chẳng thấy…”. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài theo rãnh khoé mắt chân chim tuổi xế chiều của các mẹ mà lòng Tung quặn thắt. Nhiều đêm thao thức, anh quyết định: Trở về! Vợ anh ban đầu giãy nảy khi nghe ý định… kỳ quặc. Nhưng nghe chồng nói, chị hiểu đó là nghĩa tình đồng đội thiêng liêng. Chị gật đầu! Mình về coi sóc mộ phần hai ảnh là phải. Khổ mấy em cũng chịu. Năm 2003, anh cùng vợ con lại rồng rắn trở lại thị xã Tam Kỳ lập nghiệp.

Hai anh Truyền và Liên khi ngã xuống còn trẻ lắm, anh 17 tuổi, anh thì 21. Những đêm đào hầm bỏng rát tay, họ từng bộc bạch ước mơ: Giá mà không có chiến tranh, được đi học, được ra Hà Nội! Ôi chao, câu nói đầy ước mơ ấy lại thêm một lần làm người thương binh Trần Duy Tung thao thức. Nhớ hồi mới trở lại Tam Kỳ năm 2003, đi dưới những hàng sưa cổ thụ quanh năm rủ bóng xuống dòng sông Tam Kỳ đồng loạt nở bung những chùm hoa vàng óng mà anh suy nghĩ miên man. Con đường đầy chất học trò thế này mà người Tam Kỳ vẫn còn không ít trẻ thất học. Lại nhớ về ước mơ của đồng đội. Phải vào cuộc thôi! Thế là, vẫn với phẩm chất người lính, đâu có việc khó là làm, anh thương binh Trần Duy Tung lại tham gia công tác khuyến học. Từ năm 2004 đến nay, anh là Phó chủ tịch Hội khuyến học thành phố Tam Kỳ… Anh cùng lãnh đạo hội quyết tâm xây dựng “xã hội học tập” trên địa bàn thành phố. Chỉ sau ít năm, Tam Kỳ đã trở thành “thành phố học tập” so với nhiều địa phương trong tỉnh với 100% mạng lưới khuyến học trên địa bàn xã, phường; 100 thôn, khối phố; 38 trường học cũng đã có tổ chức khuyến học. 22 tộc họ, 22 cơ quan và 4 tổ chức đồng hương cũng vào cuộc theo lời kêu gọi khuyến học của những người thương binh. Chỉ tính riêng trong 3 năm trở lại đây, số tiền mà các cấp khuyến học toàn thành phố đã vận động được là hơn 2 tỷ đồng. “Giải thưởng Phan Châu Trinh” cho những học sinh, sinh viên, người đỗ thạc sĩ, tiến sĩ và cán bộ quản lý, giáo viên có thành tích xuất sắc đã trở thành một “thương hiệu” của công tác khuyến học ở Tam Kỳ...

Từ ngày trở lại Tam Kỳ, cứ vào những ngày lễ 22-12, 27-7, Tết Nguyên đán và nhất là dịp 11-6 - ngày giỗ của hai người lính trong “tiểu đội cảm tử”… năm nào anh cũng vài lần trở lại núi Dương Đá Bầu thắp hương cho đồng đội. Anh cứ ngồi thế trước nấm mồ năm xưa trải lòng mình cùng đồng đội. Mộ, công sự năm xưa nay chỉ còn dấu vết, hố bom cũng đã vơi đầy giữa rừng cây lên xanh mướt mắt. Tung xin phép chính quyền địa phương cho anh tôn tạo lại “mộ - công sự” năm xưa. Anh tự mình đào, đắp lại công sự, làm bát hương. Với anh, mộ là biểu tượng của tiểu đội cảm tử quả cảm và anh dũng, là hình ảnh của một thời trai trẻ “Ôi Tổ quốc, nếu cần ta sẽ chết”, là kỷ niệm cuộc đời không thể nào quên!

Thời chinh chiến đã lùi xa, tâm nguyện với đồng đội đã bớt day dứt khi anh về với “mộ”, có “một cõi đi về” thiêng liêng… Có khi, anh dắt theo 2 cậu con trai lên viếng “mộ”. Chúng ngoan hơn, biết suy nghĩ hơn từ những chuyến lên Dương Đá Bầu như thế! Mỗi lần đến thăm ngôi mộ năm nào, hầu như anh đều làm một bài thơ tưởng niệm đồng đội. Anh đọc, thắp hương, thắp (đốt thơ) và… gửi hương cho gió. Nhưng vẫn còn nỗi trăn trở với người nằm xuống. Hoà bình rồi mà bao năm vẫn chưa viết trọn tứ thơ. Như cỏ đã lên xanh trên nấm mồ đồng đội mà lòng người không thể nào xanh lại. Đây, bài “Thăm chiến trường xưa, nhớ bạn xưa” viết đúng ngày 30-4-2007: Giặc gần chôn vội trong đêm/ Chia ly vắng bóng ánh đèn tiễn đưa/ Quan tài tấm áo cũ thưa/ Năm ba nắm đất “tũ” chưa kín người/ Trách chi địch phục gần đồi/ Thương nhau đành chịu bởi đời chiến binh. Đây, bài thơ viết đúng ngày 11-6, ngày giỗ đồng đội: Tôi về thăm lại mộ tôi/ Nằm trên đỉnh núi cuối Dương Đá Bầu/ Bên hòn đá cũ sẫm màu/ Dưới hầm công sự mình đào năm xưa... Đọc những vần thơ mộc mạc, càng thêm hiểu và khâm phục người chiến sĩ cảm tử, người còn sống mà có riêng ngôi mộ của mình. Nghịch lý ấy, cũng là một khúc bi hùng của chiến tranh nghiệt ngã. Cũng chẳng thể trách mỗi người lính đi qua cuộc chiến tranh lưu lại một góc riêng kỷ niệm cuộc đời mình mà có lẽ đáng trân trọng hơn khi mỗi lần “tôi về thăm lại mộ tôi”, người thương binh ấy lại suy nghĩ và làm được nhiều việc có ích hơn cho quê hương, cho đồng đội…

Hà Nội, tháng 9-2007

NGUYỄN VĂN MINH