QĐND - Đi hết con đường đất đỏ ẩm ướt, thỉnh thoảng phải vạch cây dây leo dọn đường, leo thêm một cung đường được tạo nên bởi những bậc đá len lỏi, ngoằn ngoèo giữa cánh rừng nguyên sinh, chúng tôi mới tới được không gian linh thiêng giữa rừng Mã Đà. Mùi thuốc lá, thứ thuốc rê quấn giấy pơ-luya của những năm chiến tranh dậy lên ngào ngạt. Trên các lư hương, vẫn còn những điếu thuốc quấn kiểu đầu to đầu nhỏ đang cháy, khói thuốc quyện cùng khói nhang tỏa những làn mỏng tang trong tiết trời se lạnh. Có tiếng ai đó thốt lên: “Ôi! Không ngờ giữa nơi rừng xanh núi thẳm này lại có một địa chỉ về nguồn ấm áp, thiêng liêng như thế này. Dường như ở đây không lúc nào vắng khách”.
Không gian linh thiêng giữa rừng Mã Đà-Chiến khu Đ, thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai này là một quần thể những công trình lịch sử văn hóa, mới được phục hồi xây dựng, trở thành địa chỉ đỏ về nguồn của quân, dân Nam Bộ và cả nước. Dưới chân đài tưởng niệm uy nghi ấm cúng là khu nghĩa trang liệt sĩ với hơn ba chục ngôi mộ luôn ấm chân nhang. Bên cạnh là nhà bia tưởng niệm. Chếch bên phải là tượng đài liệt sĩ Chiến khu Đ. Khu vực này là căn cứ Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1961-1962). Điều đặc biệt là ở đây có rất nhiều bàn thờ. Bàn thờ đặt trên những tảng đá. Bàn thờ ở cả trên khoang của những thân cây cổ thụ 3-4 người ôm không xuể. Bàn thờ dưới chân tượng đài và trên mỗi nấm mộ ở nghĩa trang. Thêm điều đặc biệt nữa là trên các bàn thờ ấy, chỗ nào cũng có những cuộn thuốc rê vàng hươm kèm theo hộp diêm mới tinh, đặt trang trọng trong những chiếc đĩa tròn đẹp. Du khách khi đến đây, ai cũng mang theo những cuộn thuốc rê làm đồ cúng cho người đã khuất. Sau khi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, ai cũng tự tay quấn cho mình một điếu thuốc, hút một chút khói. Đó vừa là nghĩa cử thể hiện tình cảm tôn kính, biết ơn những người đã hy sinh, vừa để có một chút trải nghiệm cuộc sống của bộ đội Chiến khu Đ thời kháng chiến.
 |
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong rừng Mã Đà.
|
Khi được hỏi, tại sao không xây dựng một con đường khang trang đi vào di tích? Chị Lan Hương, cán bộ Ban quản lý Khu di tích, giải thích: Đây là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Khi triển khai dự án phục hồi Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1961-1962) theo tâm nguyện của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhiều tướng lĩnh quân đội đã nghỉ hưu, Tỉnh ủy Đồng Nai chủ trương giữ nguyên trạng. Những nơi làm việc của Căn cứ Trung ương Cục và những bộ phận trực thuộc như: Bộ chỉ huy Quân Giải phóng, Ban Bảo vệ An ninh, Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Thông tin liên lạc, Đài Phát thanh Giải phóng và Thông tấn xã, Văn phòng, Ban Giao-Bưu-Vận, một số giao thông hào, hầm trú ẩn, con đường mòn xuyên rừng dẫn vào căn cứ… đều được phục hồi sát với nguyên trạng thời chiến tranh.
Cố Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một trong những nhân chứng gắn bó sâu sắc với Chiến khu Đ suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ từng kể với người viết bài này, những năm tháng ở rừng, cuộc sống khó khăn, gian khổ bộn bề. Nhân dân trong vùng chiến khu đã thay nhau đi đào củ chụp, củ mài làm lương thực nuôi bộ đội chiến đấu. Trong ba lô những anh bộ đội ngày ấy, không thể thiếu những gói thuốc rê. Thiếu giấy quấn, anh em dùng giấy vở học trò vò cho nhàu rồi tước làm đôi cho mỏng. Ngày đó, ai có được tệp giấy pơ-luya quấn thuốc là sang lắm. Cán bộ, chiến sĩ như tình cha con, anh em, nhường cơm sẻ áo, chia sớt nhau từng điếu thuốc. Khói thuốc rê sưởi ấm bộ đội những tháng ngày buốt giá giữa rừng sâu. Hình ảnh đó đã đi vào thơ ca, nhạc họa như một nét lãng mạn của bộ đội Chiến khu Đ…
Già làng, nghệ nhân dân gian Năm Nổi (tên thường gọi là Tơ Tơ) ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý được coi như pho tư liệu sống về Chiến khu Đ và Căn cứ Trung ương Cục ở rừng Mã Đà, kể rằng, suốt những năm chiến tranh, đồng bào dân tộc Châu Ro ven rừng Mã Đà hầu như nhà ai cũng dành một khoảnh vườn để trồng cây thuốc lá. Có lần quân Mỹ đi càn, nhìn thấy điều lạ ấy, đã hỏi Năm Nổi, dân ở đây trồng thuốc lá để làm gì? Năm Nổi đáp: “Dân Châu Ro tụi tui đàn ông đàn bà ai cũng ghiền thuốc lá. Thiếu cơm còn chịu được chứ thiếu thuốc lá là chết chắc à!”. Tên sĩ quan chỉ huy nhún vai, gật gật đầu rồi xua đám lính rút đi. “Tui lừa tụi nó vậy chứ thực ra tui cũng có biết hút thuốc đâu. Trồng rồi chế biến tặng bộ đội không à! Làm được gì để bộ đội vui, khỏe, đánh giặc giỏi là làm thôi” - Già làng Năm Nổi hồi tưởng.
Vừa là điểm tựa, chỗ dựa vững chắc của bộ đội, nhân dân trong vùng chiến khu còn sát cánh cùng bộ đội đánh giặc. Người dân đã mách nước cho bộ đội leo lên phục trên ngọn những cây cổ thụ trên đỉnh núi, chờ máy bay địch lọt vào tầm ngắm là “Bùm…bùm…”! Nói theo cách kể của già làng Năm Nổi là “Nó cháy rần rần như con quạ bị tẩm dầu đốt. Thiệt là đã cái con mắt!”. Chiến khu Đ trở thành vùng đất thiêng, nỗi khiếp đảm của kẻ thù cũng chính bởi từ những điều giản đơn mà thấm đẫm tình quân dân ấy.
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng thói quen trồng cây thuốc lá của người dân xã Phú Lý vẫn còn đó. Dọc các thôn, ấp ven rừng, chúng tôi vẫn thấy những khoảnh vườn mướt xanh cây thuốc lá. Bà con trồng và chế biến thành những cuộn thuốc rê vàng hươm, thơm ngào ngạt để đem vào khu di tích thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Họ làm việc ấy bằng sự thôi thúc của tâm khảm, hoàn toàn không vì bất cứ một sự vụ lợi nào.
Dù không bao giờ hút thuốc, nhưng cũng như tất cả những ai đến đây, tôi cũng quấn một điếu thuốc rê, bật diêm, hít một chút khói. Hương thuốc rê giữa rừng Mã Đà không còn là khói thuốc. Đó là hương thơm của cõi tri ân, tiếp nối…
Bài và ảnh: PHAN TÙNG SƠN