Kỳ 1: Huyền thoại một con đường
QĐND - Trong bài “Nước non ngàn dặm”, nhà thơ Tố Hữu có viết: “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/ Trường Sơn, vượt núi băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn, đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”. Những câu thơ hào sảng ấy cứ văng vẳng bên tai tôi trong hành trình “Thăm lại chiến trường xưa” với các cựu chiến binh Trường Sơn vào những ngày hè năm 2012 này. Một chuyến đi dọc dài dải Trường Sơn hùng vĩ và dòng ký ức dường như bất tận của các nhân chứng lịch sử đã cho tôi những cảm xúc thật đặc biệt về một thời hoa lửa của cha anh trên con đường huyền thoại...
“Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang”
Chuyến đi “Thăm lại chiến trường xưa” lần này do Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam phối hợp với chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” (Báo Sài Gòn giải phóng) và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 53 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh - ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn và hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Trưởng đoàn là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật, Phó chủ tịch Thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Ông nguyên là lái xe của Tiểu đoàn 52 ô tô từ những giai đoạn đầu của đường Trường Sơn. Chiến tranh đã qua gần 40 năm nhưng từng địa danh, mỗi cung đường, sự kiện, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đều nhớ vanh vách. Được ngồi cạnh vị trưởng đoàn trong suốt hành trình, tôi được ông chia sẻ nhiều thông tin và câu chuyện thú vị. “Trong các cuộc chiến tranh của lịch sử nhân loại, có nhiều con đường nổi tiếng nhưng đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến của Việt Nam là con đường đặc biệt, đã trở thành huyền thoại. Đó là con đường gồm các hệ thống đường trục ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 2 vạn ki-lô-mét vươn tới tất cả các hướng chiến trường; mở hơn 600km đường sông; đường dẫn xăng, dầu dài 1,4 nghìn ki-lô-mét; xây dựng hàng vạn ki-lô-mét đường dây thông tin… Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm cho hơn 2 triệu lượt người và hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực vào chiến trường, hàng vạn thương binh được đưa ra miền Bắc”… - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn phác thảo một vài con số.
 |
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm Đoàn vận tải ô tô 101 tháng 3-1968. Ảnh tư liệu. |
Con đường Trường Sơn còn thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác chiến đấu giữa các nước trên bán đảo Đông Dương, đặc biệt là quan hệ của nước bạn Lào với Cách mạng Việt Nam. Từ rất sớm, phía bạn Lào đã đồng ý cho chúng ta sử dụng vùng căn cứ rộng lớn trên lãnh thổ Trung, Hạ Lào để tổ chức chiến trường. Cuối năm 1960, ta và bạn đã thống nhất mở thêm đường Tây Trường Sơn. Tiếp đó, toàn bộ 6 mường (huyện) ở bắc và nam Đường 9 được giải phóng, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc mở tuyến vận tải chi viện chiến lược. Sau này, tuyến đường còn được mở qua 17 huyện của nước Lào anh em, ở Trung và Nam Lào với tổng chiều dài hàng nghìn ki-lô-mét. Sự kiện này đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Đường Hồ Chí Minh - thời kỳ lấy vận tải cơ giới là chính, xẻ dọc Trường Sơn vượt qua vùng ngã ba biên giới ở đông nam tỉnh Át-tô-pư rồi vòng về nam Tây Nguyên, nối với Khu 5, Khu 6 và Đông Nam Bộ…
Những kỷ lục khó tin
Đại tá Nguyễn Viết Sinh, Anh hùng LLVT nhân dân, người mới được công nhận lập kỷ lục gùi hàng trên đường Trường Sơn với quãng đường tương đương độ dài vòng quanh Trái Đất, dù tuổi đã cao nhưng vẫn hăng hái đăng ký tham gia chuyến đi này. Ông bồi hồi nhớ lại: “Năm 1961, tôi nhập ngũ và được đưa đến huấn luyện trong một vùng mà nghe phổ biến địa danh là Làng Ho. Sau 10 ngày huấn luyện, chúng tôi hành quân gùi thồ hàng và vũ khí vượt đèo Ngàn Linh, đèo 800, qua đất bạn Lào, cắt Đường 9 và vào chiến trường. Hồi đó, con đường còn bí mật, chúng tôi thực hiện đúng phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Suốt 4 năm, chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Viết Sinh thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu suất khó tin, bằng việc đi bộ để gùi, thồ hàng liên tục, trèo đèo, lội suối, qua rừng với quãng đường trung bình khoảng 20km/ngày. Trọng lượng hàng ban đầu chỉ khoảng 15-20kg, sau nâng lên 30-40kg, cao điểm có đợt ông gùi tới 65-75kg, nặng hơn nhiều so với cơ thể mình. Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày làm việc, ông đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng và đi qua quãng đường có tổng chiều dài 41.025km - tương đương một vòng Trái Đất theo đường xích đạo với lượng hàng trung bình mỗi lần bằng trọng lượng cơ thể. Đại tá Nguyễn Viết Sinh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 1-1-1967 và là Anh hùng đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn.
Một kỷ lục khác thuộc về các “cánh xế” Trường Sơn. Cựu chiến binh Lê Hồng Huân, một lái xe của Tiểu đoàn 52 ô tô chia sẻ: “Khi vận chuyển cơ giới mở ra thì cũng là lúc địch đánh phá dữ dội. Không ngày nào là không có xe cháy, xe đổ và chiến sĩ lái xe bị thương vong. Trong điều kiện ấy, lái xe liên tục 30 ngày trong tháng đã là rất khó vì không chỉ đòi hỏi về sức khỏe mà còn phải có tinh thần chiến đấu gan dạ, dũng cảm. Một đêm lái xe đi hơn 100km, qua 3-4 trọng điểm, đối mặt với 4-5 trận chiến đấu ác liệt đã trở thành bình thường. Nhiều người đã lập kỷ lục trong phong trào “tăng cung, vượt chuyến”, điển hình là Kim Ngọc Quản. Suốt 2 năm liên tục, anh không rời tay lái. Quản đúng là tay lái thép với một thần kinh thép…”.
Việc mở các con đường trên núi rừng Trường Sơn hùng vĩ dưới mưa bom bão đạn của địch cũng là những kỳ tích của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Đại tá Thái Sầm, nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 335, Binh trạm 14 nhớ lại: Ở nhiều trọng điểm, có thể nói mặt đường trộn lẫn máu và mồ hôi của các chiến sĩ Trường Sơn. Mặc dù vậy, anh chị em vẫn hăng hái bám đường, lao động cật lực suốt ngày đêm, có chiến sĩ công binh khi mở Đường 20 Quyết thắng đã đạt năng suất đào đất 14m3/ngày. Một kỳ tích khác, ở cây số 18 có một hòn núi chắn ngang, bên kia núi là một vực thẳm. Trung đoàn 10 công binh đã san bằng ngọn núi này và được tặng danh hiệu: “Đơn vị chọc thủng Trường Sơn”…
“Dấu ấn” Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trên con đường huyền thoại
Trong nhiều câu chuyện để viết nên một Trường Sơn huyền thoại có một con người đã để lại một dấu ấn đặc biệt. Đó là Tướng Đồng Sỹ Nguyên. Cố Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã có lần khẳng định: “Sự nghiệp vĩ đại của đường Trường Sơn anh hùng là do công sức, mồ hôi, xương máu và trí tuệ của nhiều thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong làm nên; trong đó không thể không khẳng định công đầu thuộc về Tướng Đồng Sỹ Nguyên - một vị tướng tài ba, trí tuệ và bản lĩnh đã có công xây dựng nên một nền vận tải chiến lược quân sự, dưới bom đạn của địch, góp phần quan trọng cho nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam”.
Ngay từ cuối năm 1966, khi được Trung ương giao làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm Tư lệnh 559, Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có ngay một quyết định táo bạo, độc đáo: Đổi cách chạy xe ban đêm sang chạy xe ban ngày mặc dù trên bầu trời luôn luôn có sự gầm rú của các loại máy bay Mỹ. Nhiều người tỏ ý lo ngại và khuyến cáo với ông sẽ có thể xảy ra tình huống bị địch đánh bom, cháy xe, chết người. Ông giải thích: Ta có thiên thời là bầu trời bị sương mù che phủ bởi gió mùa Đông Bắc mà không biết tận dụng là một sai lầm, bỏ phí thời cơ. Nói là làm, ông kiên quyết thực hiện ý tưởng của mình. Nhờ quyết định này, chỉ trong vòng 3 tháng, ông đã thực hiện được khối lượng vận chuyển của cả năm. Đầu tháng 1-1967, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên có mặt ở Trường Sơn. Từ đó cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông ở vị trí “đứng mũi chịu sào” với những thử thách khốc liệt trên con đường huyền thoại. Thời điểm ông vào nhận nhiệm vụ tại Trường Sơn, tình hình đang rất căng thẳng. Địch đánh phá ác liệt, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gây cho ta nhiều tổn thất. Sau một tuần đi khảo sát tại Binh trạm 1, địa bàn bị địch đánh phá dữ dội nhất lúc bấy giờ, ông đã đưa ra những quyết định mới, táo bạo. Đi đôi với việc tổ chức đội hình chạy xe, ông chỉ thị phải bố trí các đài quan sát trên dọc đường để cảnh giới máy bay; công binh cũng phải bám chặt đội hình xe hành tiến, sẵn sàng xử lý tình huống; tăng cường hỏa lực bắn máy bay và hệ thống thông tin để điều hành chỉ huy… Ông nhấn mạnh: “Vô luận như thế nào, nếu đội hình xe bị máy bay uy hiếp thì pháo phải đánh trả ngay để giải thoát”. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp chỉ đạo làm điểm theo phương án mới ở Binh trạm 1, sau đó nhân diện rộng. Nhờ sự sáng tạo và quyết liệt đó, chỉ trong 5 tháng thực hành chiến dịch vận chuyển mùa khô 1966-1967, các lực lượng Đoàn 559 đã giành thắng lợi toàn diện. Tổng khối lượng vận chuyển căn bản hoàn thành kế hoạch cả năm trên tất cả các chiến trường của ta và bạn.
Nói về Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn cho rằng, Tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là người rất nhạy cảm - nhạy cảm chính xác với những quyết định và đề xuất chiến lược. Đầu tháng 5-1975, trên đường vào thành phố Sài Gòn, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn hỏi Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên về dự kiến sử dụng đội quân Trường Sơn 10 vạn người sắp tới. Ông Nguyên đề nghị: Trước hết, phải tổ chức một chiến dịch thu dọn chiến trường, thu hồi các trang thiết bị bàn giao lại cho Tổng cục Hậu cần; cơ động các quân đoàn theo thế bố trí của Bộ trong giai đoạn hậu chiến; tiếp tục nhiệm vụ bốc hài cốt liệt sĩ từ Tây Trường Sơn về Việt Nam. Cùng với đó, chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ Bộ đội Trường Sơn thành đơn vị chuyên làm kinh tế kết hợp xây dựng công trình quốc phòng. Đối với các đơn vị binh chủng kỹ thuật thì trả về các quân, binh chủng… Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gật đầu: “Về cơ bản, tôi đồng ý với những nội dung nhiệm vụ mà anh đề xuất”.
Trung tướng Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, người từng vượt Trường Sơn vào Đông Nam Bộ để làm việc với Bộ Tư lệnh Miền đã trực tiếp chứng kiến cuộc chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn. Ông cho rằng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là vị tướng huyền thoại của tuyến chi viện chiến lược huyền thoại…
-----------
Kỳ 2: “Tình em gửi trọn con đường”
Ghi chép của TRẦN HOÀNG TIẾN